Những thói quen xấu đẩy trẻ khỏi con đường đúng đắn, những thói quen tốt có thể nâng đỡ trẻ tiến lên trên đường đời.
Nhà tâm lý học người Mỹ William James đã nói: "Gieo một hành động gặt một thói quen; gieo một thói quen gặt một tính cách; gieo một tính cách gặt một số phận."
Sức mạnh của thói quen mạnh đến mức có thể đưa một người lên thiên đường hoặc kéo họ xuống địa ngục. Tính khí ban đầu của con người là giống nhau, nhưng trong quá trình trưởng thành, thói quen sẽ khác nhau do ảnh hưởng của môi trường sống.
Vì vậy, chỉ có những thói quen tốt được vun đắp từ nhỏ mới có thể mang lại lợi ích cho trẻ suốt đời. Để giáo dục, hãy bắt đầu từ việc trau dồi những thói quen tốt cho trẻ.
Cha mẹ luôn bên cạnh bảo ban con cái thực hiện thói quen tốt ngay còn nhỏ sẽ có lợi cho sự trưởng thành sau này của trẻ. Ảnh: 163.com
1. Tự giải quyết vấn đề và suy nghĩ độc lập
Khuyến khích trẻ tập thói quen suy nghĩ về mọi việc và hình thành ý kiến cũng như cách giải quyết riêng vì điều này sẽ khiến trẻ trở nên độc lập. Sự thành công của trẻ phụ thuộc vào việc chúng tự suy nghĩ tốt như thế nào và tự đưa ra các giải pháp từ suy nghĩ độc lập của mình theo cách nào.
Nếu trẻ gặp bất kỳ vấn đề nào ở trường hoặc bạn bè, hãy hướng dẫn trẻ xác định vấn đề và giải quyết vấn bằng các giải pháp tích cực. Điều này sẽ giúp trẻ học được kỹ năng giải quyết vấn đề và tự tin trong việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó hơn.
2. Không trì hoãn
Nhiều người trưởng thành mắc chứng trì hoãn, làm việc gì cũng vội vàng vào phút chót, đó chính là thói quen "nước đến chân mới nhảy".
Cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen không trì hoãn mọi việc, để trẻ có nhiều thời gian đối phó với những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra, như vậy sẽ học được cách bình tĩnh giải quyết vấn đề. Ví dụ, hãy chắc chắn để trẻ hoàn thành bài tập về nhà trước khi đi chơi, hoặc làm việc nhà trước khi được phép đọc truyện...
3. Tham gia làm việc nhà và trau dồi tinh thần trách nhiệm
Đừng cho rằng trẻ vẫn còn nhỏ và không thể làm bất cứ điều gì. Hãy để trẻ làm một số việc nhà trong khả năng, chủ yếu rèn luyện ý thức trách nhiệm với gia đình. Hãy để trẻ hiểu rằng chúng cũng là một thành viên và có nghĩa vụ chia sẻ những công việc trong gia đình.
Việc nhà là yếu tố dự đoán tốt nhất về việc trẻ có nhiều khả năng trở thành những người trưởng thành vui vẻ, khỏe mạnh và độc lập. Hỗ trợ và giúp đỡ bố mẹ là điều tốt và nó khuyến khích trẻ trở thành những công dân tốt.
4. Phát triển thói quen đọc sách
Đọc sách mang lại cho trẻ nhiều lợi ích to lớn như giúp phát triển trí não, tăng sự gắn kết với bố mẹ, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, phát triển các kỹ năng xã hội... Đây là cơ sở giúp trẻ thành công trong cuộc sống sau này.
Cách tốt nhất hướng trẻ vào thói quen đọc sách là chính bố mẹ phải làm gương. Nếu bố mẹ thường xuyên đọc và chia sẻ với trẻ về những điều hay đọc được, trẻ sẽ cảm nhận được sự nhiệt tình và háo hức muốn cạnh tranh với bố mẹ. Trong vô thức, phần đông trẻ con đều mong muốn trở nên giống bố mẹ chúng.
Những thói quen tốt được vun đắp từ nhỏ mới có thể mang lại lợi ích cho trẻ suốt đời. Ảnh:
Chinanews
5. Học cách lựa chọn, biết cách lựa chọn
Tất cả chúng ta hiểu rằng, cuộc sống đôi khi bắt buộc phải đưa ra lựa chọn, dù khó khăn đến đâu. Đặc biệt khi phải từ bỏ những thứ yêu thích thì con người lại rơi vào nỗi buồn sâu sắc.
Cha mẹ cần nuôi dưỡng khả năng lựa chọn và sẵn lòng từ bỏ, kể cả những thứ trẻ thích ngay từ khi còn nhỏ. Đây là một phương pháp rèn luyện thói quen tư duy, giúp trẻ có mục tiêu rõ ràng khi đứng trước những lựa chọn lớn trong cuộc sống sau này. Đặc biệt với những trẻ có mục tiêu riêng càng sớm thì cơ hội thành công sau này càng lớn.
6. Có cuộc sống điều độ
Sinh hoạt điều độ là một trong những yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt. Nếu giờ sinh hoạt không cố định, ham chơi thâu đêm suốt sáng sẽ đẩy trẻ vào cuộc sống của những người thiếu tự chủ. Bởi vậy cha mẹ nên giúp trẻ hình thành những thói quen lặp lại thường xuyên, chẳng hạn ngủ dậy lúc mấy giờ, thời gian biểu của những hoạt động sau đó như ăn sáng, học bài, đọc sách, đi ngủ... cũng cần phải chi tiết.
Có cuộc sống điều độ từ nhỏ, trẻ sớm tự lập kế hoạch cho bất cứ điều gì chúng làm. Việc này giúp trẻ luôn đúng hẹn và có khả năng xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.
7. Học cách lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ người khác
Cha mẹ trước hết phải kiên nhẫn lắng nghe con cái. Lắng nghe trẻ nói là biểu hiện của sự tôn trọng lớn nhất mà cha mẹ dành cho con mình.
Khi cha mẹ lắng nghe trẻ, cũng nên nói với con cần lắng nghe và hiểu người khác một cách kiên nhẫn như cách họ đang làm. Hãy để trẻ học cách tôn trọng ý kiến và biết giúp đỡ người khác. Những đứa trẻ biết cách lắng nghe và giúp đỡ mọi người sẽ có nhiều mối quan hệ tốt hơn khi lớn lên.
8. Làm sai thì phải sửa
Nhà văn Elbert Hubbard từng viết: "Sai lầm lớn nhất thường mắc phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm". Một khi đủ can đảm để thừa nhận những sai sót, không đổ lỗi hay giấu diếm thì đó sẽ là một liều thuốc hữu hiệu nhất giúp trẻ nên người.
Việc quan trọng là bố mẹ nên hiểu tư duy của trẻ còn khá non nớt, chưa hiểu chuyện nên dễ mắc sai lầm. Vì vậy, người lớn nên có thái độ cảm thông, thấu hiểu, dạy trẻ cách tự nhìn nhận lỗi sai của mình mà sửa chữa. Nên khuyến khích trẻ mạnh dạn nhận lỗi khi làm sai, nên dám nhìn thẳng vào lỗi sai của mình. Đồng thời, cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ hướng khắc phục, sửa đổi những lỗi sai ấy.
9. Dám thử, dám nghi ngờ
Trên đời không có con đường chắc chắn nào dẫn đến thành công. Cuộc sống bên ngoài tiềm ẩn nhiều điều bất ngờ khó nắm bắt.
Vì vậy, muốn thành công, trẻ phải có dũng khí để cố gắng. Trong những môi trường không chắc chắn, tinh thần mạo hiểm là nguồn lực quý hiếm nhất. Khuyến khích trẻ cố gắng và khuyến khích trẻ nghi ngờ là rèn luyện tinh thần dũng cảm, tự tin, trách nhiệm và tư duy độc lập.
10. Kiểm soát tốt cảm xúc
Với trẻ không kiểm soát được cảm xúc, bố mẹ cần kiên nhẫn dạy con nhận diện được cảm xúc và hành vi phù hợp để biểu hiện tâm trạng. Bắt đầu bằng cách dạy trẻ ghi lại những cảm xúc của mình như vui buồn, giận dữ, sợ hãi. Sau đó nói về sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi. Khi chắc chắn rằng trẻ đã hiểu được ý nghĩa những hành động của mình, hãy động viên trẻ biết kìm chế hoặc bộ lộ tâm trạng cho phù hợp với hoàn cảnh.
Kiểm soát tốt cảm xúc là kỹ năng cần thiết đối với phương pháp dạy dỗ con cái của các bậc phụ huynh. Từ đó trẻ có thể trau dồi được những kỹ năng tốt để ứng xử và hòa nhập với thế giới rộng lớn.