Cô giáo Đinh Thu Hồng (giáo viên tiểu học tại Hoa Kỳ) chia sẻ với bạn đọc 13 cách giúp nuôi dạy trẻ vào nề nếp.
Nền tảng của những điều như sự hào phóng, tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn, sự tử tế, hay giúp đỡ, tinh thần làm việc chăm chỉ… đều bắt đầu từ những năm tháng đầu đời.
Và chính bố mẹ là những người tạo nên nền tảng đó. Sự thay đổi bắt đầu từ chính chúng ta, những ông bố bà mẹ, những người lớn. Vì trẻ em chưa thể suy nghĩ ở mức độ chín chắn cần thiết để tự phá vỡ thói quen.
Dưới đây là 13 cách giúp nuôi dạy trẻ dễ vào nền nếp:
1. Giới hạn: nghe thì dễ nhưng đặt ra những giới hạn và làm các con tuân thủ những giới hạn đó không hề đơn giản.
Nhất là khi con đẩy ra, hét lên, hoặc đe doạ kiểu như “Con ghét mẹ”.
Hãy nhớ rằng khi con làm vậy là con đang làm thoả mãn những nhu cầu của con theo cách chỉ con mới biết.
Tùy thuộc vào từng giới hạn mà nhiều khi phải mất rất lâu con mới chịu vui vẻ theo giới hạn bố mẹ đã ra.
Khi con bắt đầu đẩy ra hay hét lên, chính là lúc con có xu hướng chấp nhận giới hạn.
Nếu giới hạn bố mẹ đặt ra được ví như một bức tường (tường chứ không phải cánh cửa lúc mở lúc đóng gây bối rối cho con) thì con sẽ bật ra và cuối cùng sẽ tìm cách thoả mãn nhu cầu của mình theo cách khác tích cực hơn.
Thế giới bên ngoài là một chốn hỗn loạn. Những giới hạn giúp con trẻ không chỉ thấy mình đang bị phạt mà còn là có cơ hội vươn lên.
Hãy nhớ rằng, giới hạn thực sự là những bức tường gạch, không phải cánh cửa.
2. Thói quen/nếp hàng ngày:
Có quá nhiều điều mới mẻ và khó khăn khi các con còn thơ ấu. Nào là học để đồng cảm và tự kiểm soát, học để trở thành một người bạn và tương tác với những người xung quanh. Tất cả những điều này đều là chuyện lớn đối với các em nhỏ.
Để giúp các em thư giãn và thoải mái hơn, có thể sử dụng những thẻ nhắc việc (routine cards): vẽ/in màu hình và tên công việc (như đánh răng, chải đầu, gập quần áo…) ra tờ giấy nhỏ, rồi dán những giấy/thẻ này lên tường theo thứ tự các việc cần làm cho buổi sáng, buổi chiều, và buổi tối.
Nếu con lại rất cá tính? Vậy thì càng tốt vì làm việc theo nếp mỗi ngày cho các em cảm thấy mình có quyền điều khiển, làm chủ - điều hết sức quan trọng đối với các bạn nhỏ mạnh mẽ, cá tính.
Cô giáo Thu Hồng và con trai. (Ảnh do tác giả cung cấp)
3. Ngủ sớm:
Giấc ngủ là thành tố quan trọng trong việc phát triển não bộ khỏe mạnh. Giấc ngủ giúp chúng ta xử lý những sự việc, sự kiện trong ngày và học tập từ những sự việc, sự kiện ấy.
Bộ não của trẻ em liên tục phát triển và tạo ra những tế bào cũng như dây thần kinh mới. Các em nhất thiết phải ngủ đủ để nuôi dưỡng những dây thần kinh này.
Trẻ em thời nay có xu hướng đi ngủ muộn và mãi chưa yên lại, xong xuôi để đi ngủ do việc học ở trường, rồi các hoạt động khác nhau, và thời gian ngồi trước màn hình máy tính hay ti vi.
Buộc con ngủ đủ là một trong những điều căn bản nhất bố mẹ có thể làm để con khỏe mạnh và ngoan ngoãn.
4. Đồng cảm:
Trẻ con cần gì để hạnh phúc và thành công? Câu trả lời sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người: sự đồng cảm.
Đó là đức tính giúp chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác (walk/put in another person’s shoes).
Nhiều nghiên cứu mới chỉ ra rằng đồng cảm đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo sự thành công và hạnh phúc của trẻ.
Mặc dù trẻ thường biết quan tâm, nhưng chúng không sinh ra là đã biết đồng cảm. Đó là hành vi cần phải học mới có được.
“Sự đồng cảm dẫn tới và gây dựng lòng tốt, sự tử tế, đức độ; đó là liều thuốc giải độc cho hành vi bắt nạt, tấn công, định kiến, và phân biệt đối xử.
Đó là lý do vì sao Forbes hối thúc các công ty áp dụng những quy tắc về đồng cảm và thu nhận quan điểm, và tạp chí Harvard Business Review gọi nó là một trong những thành tố quan trọng cho sự lãnh đạo thành công và làm việc xuất sắc”- theo giáo sư Michele Borba, nhà tâm lý học và chuyên gia về kỹ năng làm cha mẹ.
5. Những cái ôm
Theo chuyên gia danh tiếng về trị liệu cho các vấn đề về gia đình Virginia Satir, chúng ta mỗi ngày cần 4 cái ôm để tồn tại, 8 cái ôm để duy trì, và 12 cái ôm để phát triển/lớn mạnh.
Những cái ôm kích thích sự bài tiết oxytocin, hay còn gọi là hormone tình yêu.
Loại hormone khiến cho người ta cảm thấy vui này có rất nhiều tác dụng quan trọng đối với cơ thể, như kích thích phát triển.
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ôm ngay lập tức làm tăng lượng oxytocin, dẫn đến những hormone tăng trưởng khác như IGF-1 và NGF cũng tăng lên. Những cái ôm giúp củng cố sự tăng trưởng/phát triển của trẻ nhỏ.
Ảnh do tác giả cung cấp.
6. Bố mẹ thích vui đùa
Khi buồn, trẻ em sẽ không nói “Ngày hôm nay của con rất chán. Mẹ nói chuyện với con được không?” Mà các em sẽ nói “Bố/mẹ chơi với con được không?” (theo Lawrence Cohen - nhà tâm lý học và tác giả của nhiều đầu sách).
Dường như chúng ta không dành nhiều chỗ (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) cho các trò chơi và niềm vui.
Những ngày tháng của phụ huynh chúng ta toàn nghĩa vụ, căng thẳng, làm việc; và rồi tự lúc nào không hay, chúng ta xa rời dần những đứa con của mình. Chơi là công việc của trẻ nhỏ. Và để kết nối với trẻ nhỏ, chúng ta sẽ phải chơi với chúng.
Hãy dành thời gian bỏ điện thoại xuống, bạn sẽ nhận thấy bọn trẻ cần chúng ta chơi với chúng đến nhường nào.
Nghe thì có vẻ ngốc nghếch nhưng sự thật là: về sau, nhiều năm sau nữa, những video hài hước bạn đang xem hay những công thức nấu ăn bạn đang đọc vẫn còn đó, nhưng những đứa trẻ của chúng ta thì không.
7. Thời gian ngoài trời
“Sự chuyển động qua những hoạt động vui chơi tự do, đặc biệt ở ngoài trời, cải thiện mọi thứ từ tính sáng tạo đến việc học tập rồi sự ổn định về mặt cảm xúc.
Những đứa trẻ không được vận động ngoài trời nhiều gặp rất nhiều vấn đề như thể hiện và điều chỉnh cảm xúc (chẳng hạn hơi một tí là khóc), hay không biết cầm bút, rồi đụng chạm người khác với lực quá mạnh.” -theo Meryl Davids Landau, tác giả cuốn sách Làm cha mẹ tường minh (Enlightened Parenting).
8. Việc nhà
Mặc dù rất khó bắt trẻ làm việc nhà nhưng một khi chịu làm thì rất nhiều lợi ích từ đó.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ hay làm những việc nhà nhất định thường có lòng tự trọng cao hơn, có trách nhiệm hơn, và có khả năng xử lý tốt hơn mỗi khi bị thất bại hay biết cách trì hoãn sự thoả mãn.
Tất cả những điều này đóng góp cho sự thành công của các em tại trường học.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Marty Rossman, việc để trẻ tham gia làm việc nhà từ lúc còn bé sẽ có tác dụng tích cực về sau.
Rossman nói, “Chỉ số tốt nhất để dự đoán sự thành công của những thanh niên tuổi 20 là việc họ có làm việc nhà khi lên 3 hay 4”.
9. Giới hạn thời gian dùng đồ điện tử
“Để những hệ thống thần kinh của não bộ phát triển bình thường trong giai đoạn vàng, một đứa trẻ cần có những kích thích cụ thể nhất định từ môi trường bên ngoài.
Đây là những quy luật đã phát triển qua nhiều thế kỷ. Thế nhưng, không hề ngạc nhiên là những kích thích này không hề được tìm thấy trên màn hình các thiết bị điện tử thời nay.
Khi một đứa trẻ dành quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình và không có đủ những kích thích cần thiết từ thế giới đời thực, sự phát triển của bé sẽ bị chững lại và đảo lộn.”- giáo sư Liraz Margalit cho biết.
10. Trải nghiệm chứ không phải vật chất
Theo cô Sally White, nhà văn chuyên viết về việc làm cha mẹ, thì trẻ con chẳng cần nhiều những thứ vật chất, mà cần những trải nghiệm có ý nghĩa.
Khi con lớn lên, cái chúng nhớ không phải những của cải vật chất mà là những kỷ niệm - lúc đi bắt nòng nọc ngoài hồ, hay chiếc lâu đài cát mà 2 mẹ con cùng xây rồi sóng ngoài khơi xô vào đánh đổ…
Những trải nghiệm cuộc sống tuyệt vời nhất hầu như không tốn gì cả, như buổi đi chơi hay dã ngoại ngoài công viên, thổi bong bóng xà phòng ở sân sau, dùng phấn vẽ hình trên đường, chơi tung đỡ bóng.
Tất cả những trải nghiệm này có một điểm chung: bố mẹ làm cùng con, với con. Cái những đứa trẻ thực sự cần là thời gian chất lượng bên cạnh cha mẹ.
11. Những ngày sống chậm
Theo bác sĩ tâm lý John Duffy, bố mẹ cần dành thời gian ngắm nhìn con cái của mình- lúc con chơi, lúc con học, hay lúc con ăn. Dành những khoảnh khắc để ngắm nhìn và ghi nhớ. Để thấy các con tuyệt vời thế nào. Những khoảng lặng dừng như thế, dù chỉ trong chốc lát, sẽ làm thay đổi và ảnh hưởng tích cực đến nhịp sống hàng ngày.
12. Đọc sách cho trẻ
“Một trong những điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm, ngoài chăm cho con khỏe mạnh và an toàn, là đọc sách cho con, cùng con.
Hãy bắt đầu đọc từ khi con mới được sinh ra đời, chưa biết nói, cho đến ngay cả những năm tháng sau này khi con đã tự biết đọc.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đọc sách cùng con từ thơ bé giúp con biết nói, tương tác, gắn kết với bố mẹ, và tự sớm biết đọc.
Đặc biệt, đọc sách cùng con đã biết đọc giúp thắt chặt tình cảm trong gia đình, giúp các em hiểu thế giới xung quanh, và trở thành những công dân biết đồng cảm.” (theo cô Amy Joyce, chuyên gia viết về làm cha mẹ)
13. Âm nhạc
Khoa học đã chỉ ra rằng khi trẻ em học nhạc, bộ não của các em bắt đầu nghe và xử lý những âm thanh mà bình thường các em không nghe thấy.
Điều này giúp các em phát triển sự phân biệt sinh lý thần kinh giữa các âm thanh nhất định - các âm thanh hỗ trợ cho việc học tập, vốn có thể cải thiện kết quả học tập của các em.