Vận động – Khỏe mạnh trên mọi phương diện
Theo nhiều nghiên cứu khoa học thì trẻ em nên vận động hoặc tập luyện thể thao thường xuyên để có thể trở nên khỏe mạnh trên mọi phương diện. Bởi việc vận động và tập luyện thể thao không chỉ giúp trẻ phát triển thể chất mà còn hoàn thiện về mặt tinh thần của trẻ.
Hơn nữa, nếu cả nhà cùng nhau chơi thể thao, cả cha mẹ và con cái sẽ có cơ hội giao lưu với nhau nhiều hơn, từ đó tình cảm gia đình cũng sẽ thêm gắn bó, bền vững hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện cuộc sống đầy đủ tiện nghi và rất sẵn nhiều trò chơi điện tử giải trí như hiện nay thì các bé thường trở nên khá thụ động, có thể còn lười vận động cả trong sinh hoạt hàng ngày chứ chưa nói đến việc tập luyện thể thao.
Để biến sự vận động, tập luyện thể thao trở thành một hoạt động vui chơi giải trí, thành sự yêu thích, say mê của trẻ chứ không phải là một sự ép buộc, các bố mẹ sẽ cần tới những “bí quyết” đặc biệt để có thể lôi kéo con.
Khuyến khích trẻ yêu vận động
1. Hãy tôn trọng trẻ
Việc tôn trọng trẻ em không chỉ vì chúng nhỏ tuổi, cần sự ưu ái, quan tâm, chăm sóc mà còn vì mỗi đứa trẻ ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Khi được tôn trọng và được tự ý lựa chọn, trẻ chắc chắn sẽ sẵn sàng vận động mà không cần bạn phải thúc ép. Do đó, nếu con chưa thích một hình thức vận động hay một môn thể thao nào đó, bạn không nên quát mắng hay ép buộc trẻ phải theo ý mình. Thay vào đó bạn nên từ từ đưa ra những gợi ý để con có thể lựa chọn theo sự yêu thích của con.
Ví dụ, nếu con không thích học bơi thì bạn có thể thử cho bé đổi sang học đá bóng, chơi bóng rổ… Nếu bé không thích học võ thì bạn có thể cho con thử học nhảy múa, khiêu vũ… Với trẻ, bao giờ cũng sẽ có một loại hình vận động nào đó mà trẻ yêu thích đủ đế khiến chúng không còn từ chối sự vận động. Chỉ có điều là các vị phụ huynh có đủ kiên nhẫn và nhạy cảm để hiểu được “tâm tư” của con hay không mà thôi.
2. Hãy tạo điều kiện cho bé vận động
Muốn bé vận động nhiều hơn, trước hết các vị phụ huynh cần tạo một môi trường để cho bé vận động nhiều hơn. Ví dụ, khi ở nhà, bố mẹ nên hạn chế thời gian cho con chơi điện tử, xem TV hay lướt web một cách thụ động… Nếu có điều kiện, bạn có thể đầu tư cho con những trò chơi tương tác với màn hình mô phỏng các hình thức vận động thể thao như chơi lướt sóng, đánh tennis hay nhảy múa…
Bên cạnh đó, trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên tranh thủ “nhờ” bé làm các việc vặt bắt buộc phải vận động ngay trong gia đình như: giúp bố mẹ lau dọn nhà cửa; cho bé cùng mình đi siêu thị mua sắm đồ ăn thức uống, đồ dùng cho cả nhà… Nếu nhà bạn có thang bộ, bạn có thể rủ bé cùng đi lên đi xuống tầng lầu mỗi khi có việc cần. Ngoài ra, bạn cũng nên khuyến khích trẻ xách đồ giúp bố mẹ mỗi khi có thể…
3. Hãy biến sự vận động thành niềm vui
Đối với các bé, mỗi khi được chơi là các bé có thể vận động miệt mài đến mức chẳng còn biết mệt là gì. Do đó, nếu như con không thực sự yêu thích một bộ môn thể thao cụ thể nào, bạn hoàn toàn có thể tạo ra các trò chơi vận động để khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn. Ví dụ, bạn có thể cho con chơi các trò chơi đòi hỏi bé liên tục phải vận động như chơi thả đĩa bay Tosy (kiểu chơi bomerang), chơi đánh bóng bay (như chơi cầu lông, bóng bàn) và thậm chí là chơi cầu tuột, chơi nhà bóng…
Hay đơn giản hơn, các vị phụ huynh cũng có thể hướng dẫn cho trẻ các trò chơi dân gian như chơi rồng rắn lên mây, chơi “ủn đẩy”, chơi nhảy ngựa, chơi nhảy dây quay với bạn… Đây đều là những trò chơi đòi hỏi trẻ phải vận động với cường độ cao không thua kém bất kì một môn thể thao thực thụ nào. Để trẻ có thể hào hứng và hết mình tham gia trò chơi, bạn nên cho trẻ đến những sân chơi để bé có thể thể chơi cùng bạn bè đồng trang lứa.
Ngoài ra, các vị phụ huynh cũng có thể trực tiếp chơi đùa, vận động cùng con, để vừa là tấm gương tốt cho trẻ, đồng thời cũng giúp cả gia đình trở nên gắn bó hơn.