Tiền lì xì là gì hả mẹ?
Không phải mẹ nào cũng lưu ý đến việc dạy con về tiền lì xì
Ngày Tết, bố mẹ thường phải lo lắng nhiều thứ nên rất mệt. Nhưng trẻ nhỏ thì “vui như Tết” vì được ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi, thăm quê nội, ngoại. Và mong đợi nhất, vui nhất là được nhân tiền lì xì của ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, người thân đến chúc Tết gia đình.
Để không phải “bẽ mặt” với phản ứng của con khi nhận lì xì, bố mẹ nên chia sẻ trước với con về việc này. Bố mẹ nên cho con biết, tiền lì xì không phải quý ở giá trị giá vật chất nên nhiều hay ít không quan trọng, mà chủ yếu là giá trị tinh thần với lời chúc từ người lớn tuổi mong bé 1 năm mới khoẻ mạnh, học giỏi, ngoan ngoãn hơn. Vì vậy bé nên nhận tiền mừng tuổi với thái độ trân trọng và lễ phép nhất. Ngoài lời cảm ơn, bé cũng nên chúc Tết lại người lớn.
Dạy trẻ chúc Tết
Khi chúc Tết không chỉ có người lớn mới cần phải chúc nhau mà trẻ em cũng nên học cách chào hỏi đầu năm để tạo thêm thật nhiều may mắn. Khi trẻ nhỏ đã bắt đầu có thể nói lưu loát và rõ ràng thì cha mẹ nên bắt đầu tập cho trẻ cách chúc Tết nhé!
Anh Xuân Thơ (Đồng Nai) cho biết: “Gia đình tôi luôn duy trì thói quen cùng nhau đón giao thừa và mừng tuổi cho người già và các bé trong ngày tết. Điều này sẽ giúp bé có ý thức về tình cảm gia đình, kính trên nhường dưới, yêu thương nhau”.
Để tiền lì xì đúng nghĩa là món quà của tình thân gia đình, khi con còn nhỏ, chưa ý thức được về giá trị tiền,bố mẹ không nên nói trước mặt con những câu như “Cô Hai năm nay lì xì ít thế” hay “Ông bà nội cho nhiều hơn ông bà ngoại” khiến bé có sự so sánh người này với người kia và hiểu lầm rằng ai cho nhiều tiền mới thương bé. Và nếu bé cầm lì xì của mình đi lì xì lại cho 1 em nhỏ hơn thì bố mẹ cũng nên vui vẻ và khuyến khích bé chúc Tết em, bởi đó là một cách hay để dạy con chia sẻ, yêu thương.
Được lì xì, con phải làm sao?
Nhiều người với suy nghĩ trẻ con thường không biết gì, nên khi trẻ quên có lời cảm ơn tới người thân, bạn bè thì cũng bỏ qua mà không uốn nắn trẻ ngay. Anh Hoàng Hà (Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần khách đến chơi nhà ngày Tết có lì xì cho con, tôi luôn thay mặt con cái cảm ơn ông/bà, chú/bác và bảo bé nói theo, hoặc nhắc nhở con mình chúc tết lại người lớn. Tôi nghĩ trẻ con như tấm gương phản chiếu hình ảnh của bố mẹ. Muốn dạy con tốt nhất bố mẹ nên làm gương”.
Bố mẹ cũng nên chuẩn bị cho bé 1 chiếc túi đeo xinh xắn để bé cất tiền lì xì vào túi, và nếu được, không nên xé bao lì xì ngay trước mặt khách.
Mẹ đã dạy con văn hóa lì xì?
Làm thế nào để dạy con cách nhận lì xì một cách “văn hóa” nhất, đồng thời giúp con hiểu đúng về ý nghĩa của phong tục nhận lì xì vào năm mới? Vấn đề tưởng chừng rất nhỏ này lại là mối bận tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Con có thể dùng tiền lì xì như thế nào?
Để tiền lì xì năm mới của con trẻ có ý nghĩa, thực sự hữu ích, cha mẹ nên hướng dẫn con trẻ quản lý tiền ngay từ khi còn nhỏ. Trong năm, chỉ có ngày Tết, bé mới có trong tay 1 số tiền tương đối lớn nên bố mẹ có thể mua cho bé 1 chú heo đất để bé cất tiền lì xì. Song song đó là những cách giúp con dùng tiền lì xì ý nghĩa và bé cảm thấy tự hào. Ví dụ như sau tết, 2 mẹ con cùng tổng kết lì xì và ngồi cất vào heo đất. Đến dịp 8/3, sinh nhật bố mẹ, sinh nhật ông bà, bé sẽ trích 1 phần tiền để mua quà tặng cho mọi người như khi sinh nhật bé mọi người sẽ tặng quà cho bé vậy. Hoặc khi bé muốn mua đồ chơi, đồ dùng học tập mới, bố mẹ có thể nói bé suy nghĩ xem tiền trong heo có còn đủ cho những dịp quan trọng khác hay không? Chúng ta có nên chi tiêu phung phí để mua đồ chơi hay chỉ nên mua những thứ thật cần thiết? Bố mẹ cũng có thể mở cho bé 1 tài khoản ngân hàng để bé đứng tên và cho bé giữ thẻ ATM, dặn bé khi nào thật cần thiết mới dùng đến chiếc thẻ này như để dành đến hè đi du lịch cùng cả nhà, mua vé tàu/xe về thăm ông bà… Chắc chắn bé sẽ vô cùng thích thú và tự hào vì có tài sản của riêng mình.
Ngay từ khi bé còn nhỏ, bố mẹ đã nói đi nói lại những bài học này với bé, chắc chắn bé sẽ hiểu và biết cách tiết kiệm hơn.