Không phải trẻ nào cũng hiểu về khái niệm “ranh giới cá nhân”. Vì vậy, trẻ rất cần sự hướng dẫn của bố mẹ để biết giữ khoảng cách hợp lý khi giao tiếp với người khác.
Hầu như trẻ nào cũng hiểu rằng khi nói chuyện với người khác thì mình phải biết giữ khoảng cách phù hợp. Tuy nhiên, một số trẻ gặp khó khăn trong việc “đọc” các tín hiệu xã hội, nên không có nhận thức tốt về việc giữ khoảng cách. Vì vậy, trẻ có thể đứng quá gần, khiến người khác thấy khó chịu. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu 3 điều quan trọng cần dạy trẻ về “ranh giới cá nhân” nhé!
Giúp trẻ hiểu khoảng cách thế nào là “quá gần”
Bố mẹ hãy bảo trẻ đứng cách mình khoảng 60cm và hỏi xem trẻ có cảm thấy thoải mái nếu đứng thế để nói chuyện không. Nếu trẻ thấy bình thường, hãy bảo trẻ từ từ tiến dần về phía bố mẹ, đến khi trẻ thấy không thoải mái nữa. Lúc này, bố mẹ hãy giải thích với trẻ rằng, sự “không thoải mái” đó chính là điều mà người khác cảm thấy khi chúng ta đứng quá gần họ. Và ngoài ra, một số người còn cần ranh giới cá nhân rộng hơn, tức là muốn chúng ta đứng xa họ hơn một chút nữa.
>>>Tham khảo thêm: 4 kiểu tín hiệu xã hội trong giao tiếp mà bố mẹ nên dạy trẻ
Bố mẹ hãy chỉ cho trẻ biết rằng khoảng cách quá gần sẽ khiến trẻ cảm thấy không thoải mái.
Chỉ cho trẻ biết khoảng cách thế nào là hợp lý
Thông thường, chúng ta đứng cách người khác khoảng 45-60cm là vừa phải. Bố mẹ có thể dùng một dụng cụ nào đó (như cái thước kẻ, chiếc vợt cầu lông…) để trẻ hình dung ra khoảng cách đó một cách rõ ràng hơn.
Bố mẹ cũng có thể cho trẻ luyện tập bằng cách vẽ vòng tròn có bán kính 45-60cm, rồi bản thân mình đứng vào tâm vòng tròn, còn trẻ đứng bên ngoài vòng tròn để trò chuyện. Dần dần, trẻ sẽ quen với việc đứng cách người khác một khoảng hợp lý.
Hoặc bố mẹ cũng nên quay một video với các thành viên trong gia đình lần lượt đứng nói chuyện ở khoảng cách quá gần hoặc khoảng cách phù hợp. Sau đó, hãy cùng trẻ xem lại video để trẻ hiểu thêm về khoảng cách vừa phải khi đứng trò chuyện với người khác.
Bố mẹ hãy kiên nhẫn dạy cho trẻ cách nhận biết khoảng cách hợp lý khi giao tiếp với người khác nhé!
Dạy trẻ nhận biết các tín hiệu xã hội liên quan đến ranh giới cá nhân
Bố mẹ nên giải thích với trẻ rằng, nếu người đang nói chuyện với mình bước lùi một bước, thì mình nên đứng yên. Bởi vì có thể người đó đang thể hiện rằng họ cần giữ khoảng cách xa hơn một chút. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần dạy cho trẻ biết một số tín hiệu xã hội mà trẻ có thể gặp khi giao tiếp với người khác, để trẻ có thể nhận ra khi người đối diện thấy không thoải mái.
Bằng cách luyện tập lặp đi lặp lại, trẻ sẽ dần hiểu khái niệm ranh giới cá nhân và biết cách giữ khoảng cách phù hợp khi trò chuyện. Bố mẹ cũng có thể tự đặt ra một lời nhắc dễ nhớ, như: “Cách một sải tay, thế là vừa hay!”, để trẻ tự nhắc mình về khoảng cách mỗi khi trò chuyện với người khác nhé!