Để trẻ có thể thỏa mãn với cuộc sống và sẵn sàng đương đầu với những nghịch cảnh trong tương lai thì ngay từ khi còn nhỏ cha mẹ phải tác động vào tư duy của trẻ bằng cách giúp trẻ xây dựng ý thức sẻ chia, cảm thông và kiềm chế sự ích kỷ. Vậy dạy trẻ kiềm chế sự ích kỷ như thế nào?. Hãy thực hiện theo lời khuyên sau của các chuyên gia.
1. Dạy trẻ kiềm chế sự ích kỷ bằng việc giúp con nhận biết được những gì người khác thích hoặc muốn
Tạo cho trẻ có điều kiện được vui chơi với nhiều bạn bè để tư duy của trẻ phát triển và hình thành được những kỹ năng sống cơ bản, giúp trẻ tự mình phát hiện ra sự khác nhau trong ý muốn của mình và người khác, từ đó trẻ tự phát hiện ra những quy tắc để có thể sống chung trong tập thể.
Trong quá trình vui chơi của trẻ và bạn bè, nhất là khi vui chơi tại ngay chính nhà mình thì cha mẹ nên đề nghị trẻ để cho các bạn tự quyết định chơi trò gì và để các bạn được chơi trước.
Với những trẻ ở độ tuổi thiếu niên thì có thể kiềm chế sự ích kỷ của trẻ bằng việc khuyến khích trẻ nhường lượt khi xếp hàng thanh toán hay mua vé, nhường ghế trên phương tiện công cộng…cho những người có nhu cầu hơn mình.
2. Cha mẹ phải trở thành tấm gương để dạy trẻ kiềm chế sự ích kỷ
Dạy trẻ bằng lời nói nhiều khi không đem lại hiệu quả cao đối với sự phát triển tư duy của trẻ bằng chính những hành động thực tế của cha mẹ. Cha mẹ phải thường xuyên giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, người thân để trẻ có thể quan sát và học tập.
Bạn cũng cần kể cho trẻ nghe cảm xúc của mình khi thực hiện các hành vi giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn,…để trẻ cảm nhận được cảm giác tuyệt vời đó. Cha mẹ cũng có thể tìm một dự án từ thiện hay tình nguyện như quyên góp đồ dùng, thăm hỏi người có hoàn cảnh khó khăn… để cùng trẻ tham gia. Từ những hoạt động cụ thể này trẻ sẽ phát triển được tình yêu thương, sẻ chia và kiềm chế được sự ích kỷ của bản thân.
3. Dạy trẻ sự cảm thông
Sự cảm thông là điều rất quan trọng để có thể kiềm chế sự ích kỷ của trẻ. Cha mẹ hãy dạy cho trẻ cảm thông bằng cách giúp trẻ tưởng tượng được cảm xúc khi ở vào vị trí của người khác, hiểu được cảm giác của người khác thông qua việc đưa ra những ví dụ hay những tình huống cụ thể thường xảy ra trong thực tế và yêu cầu trẻ phải suy nghĩ về tình huống đó. Điều này sẽ giúp trẻ nhạy cảm hơn với nhu cầu và suy nghĩ của người khác.
4. Từ chối trước những đòi hỏi vật chất của trẻ khi thấy cần thiết
Sự nuông chiều quá mức, hay việc sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của trẻ của cha mẹ sẽ dẫn tới việc trẻ tin rằng mọi người luôn phải quan tâm tới ước nguyện của chúng và chúng xứng đáng có mọi thứ. Từ đó trẻ sẽ nảy sinh những ý nghĩ ích kỷ. Vì vậy, trong một số trường hợp, cha mẹ cũng cần phải nói không trước những đòi hỏi của trẻ.
Trả lời cho câu hỏi: Dạy trẻ kiềm chế sự ích kỷ như thế nào? chúng ta có thể có rất nhiều cách. Nhưng để áp dụng thành công trong việc giáo dục trẻ, phát triển tư duy của trẻ thì cha mẹ cần phải thực hiện một cách linh hoạt và lựa chọn phương pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và tính cách của trẻ.