Vai trò của giáo dục cảm xúc đối với trẻ mầm non
Cảm xúc là tập hợp những phản ứng tự nhiên được bộ não phát ra ví dụ như vui, buồn, tức giận… một cách tự động – để giúp cơ thể và tâm trí chuẩn bị hành động thích hợp – khi cảm giác phát hiện ra điều gì đó đang xảy ra liên quan đến bản thân.
Cảm xúc đóng vai trò quan trọng đến cách trẻ tư duy và hành động. Cảm xúc kích thích não bộ để đưa quyết định tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non giúp trẻ có được các kỹ năng cần thiết trong việc điều khiển cảm xúc, như trẻ có thể kiểm soát được tâm trạng buồn, vui của bản thân, tự đưa ra quyết định, mục tiêu, hoặc học cách giao tiếp, hòa thuận với mọi người xung quanh.
Trẻ được trang bị các kỹ năng cảm xúc cần thiết sẽ có khả năng đương đầu với những thách thức, khó khăn trong cuộc sống. Với những trẻ được giáo dục cảm xúc tốt từ bé, các em sẽ phân biệt được tốt – xấu và hình thành được lối sống lành mạnh, duy trì được tâm trạng vui vẻ, năng lượng tích cực, xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt và biết cách đưa ra các quyết định sáng suốt. Nhờ vậy, trẻ sẽ học được các thích nghi với mọi hoàn cảnh
Những kỹ năng này hoàn toàn có thể được dạy ngay từ khi trẻ học mầm non và theo suốt khi trẻ lớn lên.
Nguyên tắc giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non
Để giáo dục cảm xúc cho trẻ đạt hiệu quả, nguyên tắc đầu tiên là chương trình giáo dục phải hướng đến trẻ, lấy trẻ làm trung tâm. Tùy theo tính cách của từng trẻ để có những phương pháp giáo dục riêng, nếu giáo dục tất cả trẻ như nhau thì sẽ không thể giúp trẻ phát triển những điểm mạnh riêng của bản thân được. Ví dụ với bé hay nóng tính, có thể hướng dẫn bé cách kiểm soát tâm trạng, từ từ rèn luyện sự kiên nhẫn; với bé nhút nhát ít nói, giáo viên nên quan tâm, hỏi han bé để bé có thể lên tiếng thể hiện quan điểm nhiều hơn.
Nguyên tắc thứ 2, giáo dục cảm xúc cần được thực hiện thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, ở tất cả các thời điểm trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ ở trường mầm non. Ở độ tuổi mầm non, khi nhận thức còn chưa được hình thành sắc nét, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng và tiếp thu những thói xấu và tốt của mọi người xung quanh. Duy trì giáo dục cảm xúc liên tục bằng cách tăng cường cho trẻ tham gia các trải nghiệm, thực hành gắn với cuộc sống thực tế là một cách để giúp trẻ nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng xử với những tình huống trong đời sống hàng ngày.
Nguyên tắc quan trọng nhất khi giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non là người lớn phải luôn làm gương và là hình mẫu trong cách thể hiện tình cảm, biểu lộ cảm xúc, các hành vi giao tiếp và ứng xử trong cuộc sống. Lúc ở nhà, trẻ sẽ học theo bố mẹ, đến trường sẽ học theo thầy cô. Chính vì vậy, cả gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp để mỗi đứa trẻ đều được sống và giáo dục trong môi trường tích cực, thân thiện và đều được yêu thương, chăm sóc, an toàn, tôn trọng, đối xử công bằng và phát huy mọi tiềm năng sẵn có.
Một số trò chơi, hoạt động liên quan đến giáo dục cảm xúc
Ở mỗi độ tuổi, mỗi người sẽ có những hoạt động liên quan đến giáo dục cảm xúc riêng. Với trẻ mầm non, giáo án sẽ tập trung vào các hoạt động giúp các em có thể thêm hiểu biết về “cảm xúc” như trò nhận biết các cảm xúc vui, buồn, giận, khóc, cười… thông qua các biểu tượng khuôn mặt tương ứng. Qua đó, các em sẽ biết được đâu là cảm xúc tích cực, đâu là tiêu cực và khi nào một người đang vui hay buồn để từ đó trẻ sẽ có những hành động ứng xử phù hợp với tình huống thực tế.
Bộ các tấm thẻ giúp các em nhận biết cảm xúc qua biểu cảm của nhân vật
Ở giai đoạn này, bé cũng sẽ bắt đầu kết bạn và giao lưu. Giáo viên có thể ghép nhóm để các bé cùng thực hiện thử thách, một nhiệm vụ như biểu diễn một tiết mục hát nhảy, lắp ráp một mô hình trong thời gian quy định…., qua đó bé sẽ học được cách điều khiển cảm xúc khi giao tiếp và tương tác với mọi người. Những hoạt động này đồng thời cũng giúp trẻ hiểu hơn về sự chia sẻ, tinh thần làm việc nhóm và biết tôn trọng lẫn nhau.
Đồng thời, bên cạnh việc kiểm soát cảm xúc, trẻ cũng cần học được cách giải phóng cảm xúc của mình. Giáo dục cảm xúc dạy trẻ nhận biết các môi trường xung quanh có những tác động không tốt lên bản thân như thế nào, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi… ra sao để từ đó đưa ra những trò chơi, hành động như bóp cam hoặc đập bột, tô màu… để trẻ thiết lập cân bằng và loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực.
Một số đầu sách hướng dẫn cha mẹ giáo dục cảm xúc cho con
Hiện nay có rất nhiều tranh ảnh, sách chuyện hướng dẫn cha mẹ giáo dục cảm xúc cho con, có thể kể một số đầu sách tiêu biểu là “Từ điển cảm xúc cho bé” (NXB Kim Đồng), Combo 6 cuốn Phát triển trí tuệ cảm xúc (Jayneen Sanders), Bộ sách EQ – Trí tuệ cảm xúc (Công Ty Cổ Phần Văn Hóa Đông A)…