1. Dạy con lễ phép, kính trọng người lớn tuổi
Thật sự thì việc lễ phép, kính trọng người lớn tuổi là một trong những quy tắc xã giao. Có những ông bà rất khó tính, nếu thấy các cháu họ hàng không chào mình là mang ra soi xét, đánh giá. Bản thân mình cũng không thích điều này. Mình không coi việc lễ phép, chào hỏi là bắt buộc. Tuy nhiên, nếu con bạn biết lễ phép, kính trọng người lớn tuổi, hẳn con bạn sẽ được rất nhiều người yêu quý.
Bản thân mình là người dễ tính. Các cháu mình đến chơi, nếu cháu nào không chào hỏi thì mình cũng không thấy có vấn đề gì. Nhưng có những cháu còn nhỏ vừa gặp mình đã chào rất to. Ngay lúc đó, tâm trạng của người lớn cũng cảm thấy vui tươi hơn. Lời chào cao hơn mâm cỗ. Lời chào cũng hoàn toàn miễn phí nhưng lại mang rất nhiều ích lợi. Nó làm cho việc giao tiếp sau này trở nên dễ dàng và thân thiện hơn.
Nếu con bạn đến nhà ai đó và không chào hỏi, bạn cũng đừng xấu hổ mà mắng quát con. Hãy kiên trì dạy con thói quen. Các bé không chào nhiều khi vì không có thói quen từ nhỏ, đến khi lớn hơn cảm thấy muốn chào ai đó nhưng lại thấy ngại ngùng. Thay vì cứ gặp ai bạn lại bảo con là “Con chào ông đi nào? ” thì bạn hãy phân tích ích lợi của việc chào hỏi từ trước. Ví dụ bạn bảo với con rằng nếu gặp ai đó con chào họ, họ sẽ rất vui vì con là đứa bé ngoan. Sau đó trước mỗi lần đi chơi hoặc trước khi có khách đến chơi, bạn dặn con rằng: Hôm nay có bác A đến chơi, con chào bác nhé. Bác sẽ thích lắm đấy.
Bé biết lễ phép khi còn nhỏ sẽ luôn cởi mở trong giao tiếp
2. Dạy con thói quen ngăn nắp
Có rất nhiều bé có thói quen ngăn nắp, gọn gàng. Mỗi khi bé chơi xong đều thu dọn lại chỗ cũ. Tuy nhiên, cũng có nhiều bé không có được thói quen này. Thậm chí nhiều bạn đến khi học tiểu học cũng chỉ biết bày đồ ra chơi, không biết thu dọn.
Để rèn bé tính này, ban đầu cha mẹ hãy nhắc nhở con. Nếu bé hợp tác thì rất dễ dàng. Cha mẹ chỉ cần nhắc nhở vài lần, những lần sau bé sẽ nhớ vì đã hình thành thói quen. Tuy nhiên, nếu bé không chịu hợp tác, bạn cần để bé chịu trách nhiệm. Ví dụ hôm nay bé lôi đồ ra chơi, chơi xong liền chạy tót đi làm cái khác mà nhất quyết không chịu dọn đồ cho dù bố mẹ đã nhắc nhở. Nếu con bạn ở trường hợp này bạn hãy cứ để bãi đồ chơi lộn xộn ở đấy, đừng dọn giùm bé làm gì. Dọn dẹp giúp bé thì có ích gì đâu, vì bạn dọn xong thì con bạn lại bày ra ấy chứ.
Sau đó, nếu bạn và bé chuẩn bị đi chơi hay làm gì mà bé thích, bạn hãy yêu cầu bé hoàn thành nhiệm vụ dọn dẹp trước rồi mới được xem ti vi, đi chơi hoặc ăn món gì đó chẳng hạn. Đồng thời, cha mẹ nên giảng giải cho con về quy tắc: Ai bày ra thì người đó phải dọn. Ai làm đổ vỡ cái gì thì người đó cũng phải dọn. Ai làm hỏng gì thì người đó phải chịu trách nhiệm. Bạn phải nhất quán và kiên quyết mới được. Nhất định bé phải dọn dẹp xong mới được làm những thứ bé thích.
3. Dạy con thói quen tiết kiệm điện, nước
Mình thấy không chỉ các bé đâu, mà rất nhiều người lớn cũng hay quên các việc nhỏ như khi không dùng quạt nữa thì tắt quạt; không xem ti vi nữa thì tắt ti vi đi… Có nhiều người bảo cái này là do quên. Thực ra quên là do một vài lần ban đầu bạn cố tình quên vì vội việc gì đó, hoặc đơn giản là vì lười. Sau vài lần như vậy, bạn không có thói quen dẫn đến quên bẵng việc tắt quạt, tắt ti vi khi không dùng.
Nếu bạn hiểu được nguyên tắc trên thì bạn sẽ biết cách rèn bé. Tất nhiên, trước hết cha mẹ phải làm gương. Nếu cha mẹ có thói quen này rồi thì việc rèn con rất dễ dàng. Bạn chỉ cần nhắc con vài lần, những lần sau con tự nhớ. Nếu bé trót quên 1 lần thì có thể thông cảm, nhưng nếu bé quên nhiều lần thì bạn cũng nên nghiêm khắc nhắc nhở để con điều chỉnh lại thói quen của mình.
4. Dạy con thói quen đi ngủ đúng giờ
Mình nhớ xưa kia khi còn nhỏ, cứ đến khoảng 9 giờ tối là cả nhà mình đã tắt điện đi ngủ. Tuy nhiên, cũng có những hôm bố mẹ mình bận, bố mẹ phải thức khuya làm việc đến 11 giờ đêm. Ấy vậy mà cứ 9h tối là mấy chị em mình tự mắc màn đi ngủ như một thói quen. Bố mẹ cứ bật điện làm việc, còn chị em mình vẫn cứ ngủ bình thường.
Còn ngày nay thì sao ạ. Mình thấy có rất nhiều bạn nhỏ mới học mầm non thôi mà hôm nào cũng 11 giờ mới ngủ. Vì sao có hiện tượng này. Bé bận bài vở ư? Mới mầm non thì bài vở ít thôi, bạn cho con học ở trên lớp là đủ rồi. Bé về nhà đừng bắt bé phải thức khuya để làm bài. Cái lợi thì ít mà tác hại thì nhiều.
Nếu bé còn nhỏ mà thức khuya để chơi thì hẳn là thói quen này cần chỉnh sửa. Việc này không có gì khó cả. Cha mẹ hãy tạo thói quen cứ 9h, 9h30 hoặc 10h, tùy theo bạn muốn con ngủ vào khung giờ nào thì tắt hết điện vào giờ đó. Khi cả nhà đã tắt hết điện rồi thì bé sẽ ngủ ngon lành sau vài phút ngay. Ngủ sớm sẽ tốt hơn cho việc phát triển chiều cao của con. Nếu bé ngủ muộn sẽ ảnh hưởng đến chiều cao cũng như sức khỏe đấy.
5. Dạy con thói quen tắm rửa, đánh răng, súc miệng hàng ngày
Mình quan sát thấy khoảng 80% các bé hầu hết là rất ngại làm những thủ tục hàng ngày như tắm rửa, đánh răng, súc miệng. Có rất nhiều mẹ nói rằng cứ đến giờ buổi chiều là phải hò hét con mới tắm. Thậm chí nhiều mẹ còn phải dùng tay lôi bé ra chỗ đánh răng bé mới chịu đánh răng, súc miệng. Có những bé còn vùng vằng, đòi nọ, đòi kia rồi mới chịu làm.
Để bé tự giác làm những việc này, cha mẹ hãy tạo thói quen cho bé. Ví dụ, ban đầu bạn có thể thỏa thuận với con trước là hàng ngày con phải làm những việc này thì tối đến mẹ thưởng sticker, dập dấu. Khi con đã có thói quen tốt rồi thì bé sẽ tự giác.
Có những bé khi được rèn từ nhỏ sẽ tự biết khi nào người mình bẩn, tự biết tắm rửa, gội đầu. Những bé chăm đánh răng hàng ngày sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu buổi tối không đánh răng. Cái này thì cả người lớn cũng vậy thôi. Khi có thói quen tốt rồi thì không bao giờ quên được việc làm đó đâu.