Khi bé còn nhỏ thì việc đồng hành cùng bé trong việc học là cần thiết. Chỉ đồng hành cùng con chứ không phải là kèm con làm từng bài tập ở nhà bạn nhé. Cha mẹ có thể chủ động chơi với con các trò chơi giúp bé nhanh nhớ bài, lại yêu thích việc học. Học bài không có nghĩa là cứ phải cả buổi ngồi ở bàn tính toán, viết lách. Trẻ có thể học được rất nhiều thông qua chơi. Dưới đây, bài viết sẽ đưa ra 5 trò chơi giúp con giỏi Toán, Tiếng Việt cha mẹ hoàn toàn có thể chơi với con ở nhà.
Mục lục
1. Đếm các đồ vật trong nhà
2. Đếm tiền
3. Xếp hình bằng que diêm, que tính
4. Xem hình dạng các đồ vật trong nhà
5. Đo các vật dụng trong nhà
6. Cắt thủ công các hình
7. Cách thưởng cho bé sau mỗi trò chơi
8. Lưu ý khi chơi cùng bé
1. Đếm các đồ vật trong nhà
Trò chơi này dành cho trẻ học tập đếm, từ 3 tuổi đến lớp 1. Tùy vào lứa tuổi mà bạn có thể dạy con đếm các vật với số lượng từ nhỏ đến lớn như 1-10, 1-20, 1-50, 1-100. Các vật trong nhà có thể đếm bao gồm cốc, bát, sách, vở, bút. Nếu bạn muốn dạy con đếm với số lượng nhiều mà không có vật nào thì có thể lấy một ít gạo ra. Tất nhiên gạo thì bao nhiêu hạt bạn muốn cũng đều đủ hết.
Khi bé mới học đếm, bạn cần đếm cùng bé và đếm chậm, đọc to, rõ ràng. Đến khi bé học đếm thành thạo hơn thì bạn có thể để bé đếm một mình. Nếu bé đếm chuẩn bạn hãy khen bé với các từ như: chính xác, đúng rồi, con đếm tốt quá rồi…
2. Đếm tiền
Trò này mình đã áp dụng với con mình và rất hiệu quả. Con mình từ khi học mầm non lớp 4 tuổi, mình đã nhờ con đếm tiền giúp xem trong ví của mẹ có bao nhiêu. Ban đầu bạn dạy bé các mệnh giá tiền như 1000, 2000, 5000, 10000, 20000, 50000,100000, 200000, 500000. Bé rất thích. Thật sự việc đếm tiền giúp bé cộng trừ khá nhanh. Bé vô cùng hào hứng mỗi khi được mẹ nhờ đếm tiền. Bạn dạy bé cách xếp tiền sao cho đếm được nhanh. Ví dụ bé cần xếp các mệnh giá to trước, sau đó đến các mệnh giá nhỏ. Khi đếm thì đếm các mệnh giá to trước rồi cộng với các mệnh giá nhỏ. Cứ mỗi lần thấy con đếm đúng, bạn hãy cảm ơn con đã giúp mẹ biết mẹ còn bao nhiêu tiền.
Ngoài ra để việc chơi thêm phần hấp dẫn, bạn có thể nói với con những câu đầy cảm xúc như: ôi, mẹ còn ít tiền quá, mẹ sẽ chi tiêu hợp lý hơn. Hoặc tuần này mẹ có nhiều tiền hơn tuần trước con nhỉ, hôm nay mẹ sẽ đi chợ mua nguyên liệu về làm cho con món con thích nhé… Thông qua trò chơi này, bạn cũng dạy con về giá trị của đồng tiền luôn. Bạn hãy giải thích để bé hiểu đồng tiền là quan trọng, không phải đồ chơi vì vậy luôn luôn phải cất cẩn thận trong ví, không làm rơi hay để mất.
3. Xếp hình bằng que diêm, que tính
Bạn có thể mua bao diêm hoặc bộ que tính để cho bé xếp thành các hình như hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật, hình tứ giác, hình thoi, góc vuông, góc nhọn, góc tù. Ngoài ra, bạn cũng dạy bé luôn xem trong hình lớn con vừa xếp có tổng bao nhiêu hình vuông, bao nhiêu hình tam giác, hình chữ nhật, hình tứ giác, góc… Bé chắc chắn sẽ thích thú hơn nhiều so với việc giải bài toán trên giấy với các hình trên.
4. Xem hình dạng các đồ vật trong nhà
Ngay khi con mình còn học mầm non, mình đã dạy con về hình học thông qua các hình dáng của đồ vật trong nhà. Ví dụ mình dạy con cái bàn ăn nhà mình hình tròn, khung cửa sổ hình chữ nhật, màn hình ti vi hình chữ nhật, chiếc bàn có 4 góc vuông, cái khăn này hình vuông… Bạn có thể cầm rõ cái khăn lên và giải thích rằng: con quan sát cái khăn này nhé: khăn này hình vuông vì có 4 cạnh bằng nhau và có 4 góc đều vuông…
Sau khi bạn thấy con hiểu về các hình rồi thì hãy áp dụng ngay để thực hành nhé. Bạn nói: Mẹ đố con biết cái tấm gương kia nhà mình hình gì? Nhớ là phải dùng từ “đố con biết” bé mới thích nhé. Chứ bạn chỉ nói “con xem cái tấm gương hình gì ? ” thì bé sẽ không thích thú bằng việc được mẹ đố. Hãy khen con nếu con trả lời đúng nhé. Còn nếu bé trả lời sai thì cũng không sao cả, bạn sửa và giải thích cho bé để bé hiểu là được.
Trò chơi hình học giúp bé học một cách say mê, hứng thú
5. Đo các vật dụng trong nhà
Trò chơi này giúp bé nhận thức tốt hơn về độ dài. Đầu tiên bạn cần đưa cho con chiếc thước kẻ có vạch chia độ dài mm, cm. Bạn dạy con thế nào là mm, cm rồi dạy con cách đo xem các đồ vật dài bao nhiêu. Các đồ vật có thể đo bằng thước kẻ bao gồm sách, vở, bút, bàn, ghế… Ngoài ra khi bé lớn hơn, bạn có thể dạy bé dùng thước dây mét để đo chiều dài, chiều rộng, chiều cao các vật lớn. Việc học độ dài gắn liền với thực tế giúp bé nhanh hiểu và nhớ lâu.
6. Cắt thủ công các hình
Bạn mua cho bé bộ giấy màu và kéo thủ công, sau đó bạn và con cùng cắt các hình. Bạn hãy dạy con trước khi cắt cần lấy bút chì, thức kẻ để vẽ hình cho chuẩn trước rồi hãy cắt. Một khi bé đã cắt và dán được các hình là bé đã nắm rất chắc về các hình rồi đấy. Mẹ và con có thể thi nhau trong một thời gian cố định như 15 phút, ai cắt và dán được nhiều hơn. Tất cả các hình cắt ra sẽ được dán vào một tờ giấy A4. Tờ giấy đó bé có thể dán vào tường để thỉnh thoảng chiêm ngưỡng tác phẩm của mình.
Nhớ là nên dùng giấy màu để cắt, vì giấy màu đã có sẵn kẻ ô ở mặt sau rồi. Ngoài ra việc bé dùng màu để cắt các hình khối giúp bé hào hứng với công việc học hơn và giúp cho đôi tay thêm khéo léo, não bộ cũng phát triển.
7. Cách thưởng cho bé sau mỗi trò chơi
Bạn có thể dành mỗi ngày chỉ khoảng 10-20 phút để chơi với bé các trò chơi này. Trò chơi có thể giữa bé và bạn nào đó của bé bằng tuổi hoặc giữa bố với con,mẹ với con xem ai thắng, ai thua thì càng hay. Nếu mẹ chơi với con thì bố của bé sẽ là giám khảo chấm điểm. Nếu bố chơi với con thì mẹ bé sẽ là giám khảo.
Bố mẹ nên giả vờ để có những lần chơi lúc thì để bé thắng, lúc thì để bố mẹ thắng, như vậy thì trò chơi mới hấp dẫn. Sau mỗi lần thắng cuộc, người chơi sẽ được thưởng các món quà về tinh thần như một tràng vỗ tay, một dấu hoặc 1 sticker có các hình ngộ nghĩnh, đáng yêu. Hiện nay ở các cửa hàng văn phòng phẩm đều có bán các dấu hình các con vật, bông hoa, hoa quả, còn sticker thì đủ các loại màu sắc hấp dẫn khác nhau. Bạn hãy đóng dấu và dán sticker cho bé vào một quyển sổ nho nhỏ của bé và bảo bé sưu tập. Bé nhà mình trước đây rất thích và thỉnh thoảng còn bỏ ra ngắm và đếm.
8. Lưu ý khi chơi cùng bé
Bạn cũng cần chú ý rằng việc dạy con thông qua các trò chơi là muốn con được học vui vẻ, chứ đừng coi nặng kiến thức. Vì vậy các trò chơi cần đơn giản, dễ hiểu. Nếu trò nào khó với bé, bạn có thể thay đổi cách thức phù hợp. Nếu con chưa biết cứ nhẹ nhàng giải thích với bé chứ đừng tức giận, quát nạt, bé sẽ không bao giờ muốn chơi nữa đâu.