Tình bạn thời thơ ấu là một khoảng thời gian vô cùng đẹp đẽ và quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người, đặc biệt đối với trẻ thơ. Với tình bạn, trẻ sẽ học cách chia sẻ, thỏa hiệp và làm việc cùng nhau qua sự hợp tác hay thậm chí là vượt qua những hiểu lầm về nhau. Tuy nhiên, trẻ em cũng hay gặp nhiều vấn đề trong tình bạn như không biết cách kết bạn hay không biết cư xử trong tình bạn. Dưới đây là 7 lời khuyên hữu ích giúp bố mẹ xây dựng tình bạn cho bé.
Dạy cho trẻ biết kỹ năng về tình bạn
Trẻ em rất muốn chơi với những bạn cùng trang lứa biết nhường nhịn, vui vẻ, không dành đồ chơi và hòa đồng với mọi người xung quanh. Bài học đầu tiên về việc xây dựng tình bạn mà trẻ học được là từ việc quan sát cách đối xử của bố mẹ với những người bạn.
Bạn có thể dạy về sự đồng cảm cho trẻ bằng cách nhờ bé làm những việc như đưa thức ăn cho một người hàng xóm bị bệnh, làm thiệp chúc mừng cho ông bà…
Chấp nhận cách kết bạn của con
Khuyến khích con trẻ và ép buộc chúng là hai việc đối lập nhau.
Bạn nên dành không gian cho trẻ để bé thể hiện cho bạn thấy tương tác với xã hội nào phù hợp với con yêu của mình. Bố mẹ sẽ cảm thấy thật tuyệt vời khi bé hòa hợp với một nhóm bạn nhưng cũng đừng buồn nếu con cảm thấy tốt hơn khi chỉ cần từ một đến hai người bạn.
Đón chào bạn bè của trẻ đến nhà chơi
Việc sắp xếp và tạo điều kiện để các bé được chơi với nhau ngay tại nhà bạn là một ý kiến không tồi. Con trẻ cần sự hướng dẫn từ người lớn vì thế quý phụ huynh cần nghĩ ra các hoạt động vui nhộn nhằm gây hứng thú cho chúng như thiết kế thời trang hay làm bánh cookie…
Kể cả khi các thiên thần của bạn đủ tuổi để tự lên kế hoạch cho những hoạt động với bạn thân, bố mẹ cũng cần khuyến khích trẻ có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè mới. Một phương pháp hay cho bạn là hãy luôn sẵn lòng mở rộng cửa chào đón bạn bè của bé yêu. Thông qua việc làm ấy, trẻ sẽ xây dựng được một tình bạn vững bền đồng thời các bạn cũng có cơ hội tìm hiểu về tính cách những người bạn của con.
Giúp con xử lý các rắc rối và hiểu lầm
Hiểu lầm là vấn đề thường xuyên xảy ra trong tình bạn. Khi tức giận, có nhiều khả năng trẻ sẽ kết thúc tình bạn ngay lập tức, nên con cần được giúp đỡ trong việc điều khiến cảm xúc.
Điều này không có nghĩa là bạn sẽ giải quyết hết mọi rắc rối cho trẻ. Phụ huynh nên phân tích và chỉ ra hai mặt của một vấn đề để con yêu của bạn tập nhìn nhận theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Cho phép con thoải mái lựa chọn bạn bè phù hợp
Tình bạn giúp trẻ mở rộng tầm nhìn về thế giới. Điều đó có nghĩa là bố mẹ nên khuyến khích cho trẻ kết bạn với nhiều bé có sự khác nhau về giới tính, tôn giáo cũng như dân tộc… để con yêu mở rộng thêm nhiều kiến thức thông qua những mối quan hệ bạn bè hằng ngày.
Nếu việc kết bạn trên trường khiến bé trở nên hư hỏng thì phụ huynh nên gặp nhà trường để trao đổi và tìm cách xử lý.
Bảo vệ trẻ không bị trêu chọc, ngược đãi
Chòng ghẹo là một phần trong tuổi thơ, nhưng nếu trẻ thường xuyên bị trêu chọc thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lí của bé về sau.
Ngược đãi là một diễn tiến xấu hơn của sự trêu chọc. Con trẻ cần hiểu rõ từ ngữ hay hành động nào gây ra sự tổn thương cho các bạn đồng trang lứa. Phụ huynh nên tâm sự và hướng dẫn con rằng trong gia đình, mọi thành viên không đối xử với nhau như thế và các bạn đồng trang lứa cũng cần được quan tâm như người một nhà vậy.
Việc bé cảm thấy tin tưởng để chia sẻ với bố mẹ không đơn giản chút nào. Phụ huynh cần cân nhắc từ ngữ sử dụng với trẻ để con sẵn sàng tâm sự với mình. Nếu con bạn bị đánh hoặc bị đe dọa, cách tốt nhất hãy liên hệ với bố mẹ của đứa trẻ kia để cùng nhau ngồi lại và giải quyết để khi mâu thuẫn qua đi, con trẻ vẫn còn có thể tiếp tục làm bạn với nhau.
Giúp đỡ con vượt qua ảnh hưởng của số đông
Thông thường, thiểu số sẽ phục tùng đa số. Điều này rất phổ biến khi trẻ chơi trong 1 nhóm. Giai đoạn trẻ từ khoảng 9 tuổi đến 10, trẻ bắt đầu trở nên nhạy cảm với những gì người khác nghĩ về chúng. Thật không may, bố mẹ không thể thay đổi được trạng thái này của trẻ. Tuy nhiên, thay vào đó, bố mẹ hãy lắng nghe những tâm sự và chia sẻ về thời thơ ấu của mình với trẻ. Đây là một cách hữu ích để giúp trẻ trải lòng mình để chia sẻ và hòa đồng hơn.
Nhiều phụ huynh lơ là khi thấy con mình không vui vẻ, hoà đồng bởi họ nghĩ rằng trẻ sẽ tự học được cách kết bạn. Thực tế, với vai trò là bố mẹ, việc giúp vun đắp tình bạn mà không can thiệp quá nhiều vào đời sống riêng tư của trẻ là một điều cần thiết, đòi hỏi nhiều sự tinh tế và nỗ lực.