Ở Việt Nam, bố mẹ thường tránh nhắc đến tiền với trẻ nhỏ vì nghĩ rằng tiền bạc là việc của người lớn chứ không phải trẻ con. Tuy nhiên ngày nay, trong cuộc sống hằng ngày, trẻ em đều trực tiếp hoặc gián tiếp có tiếp xúc với tiền nên nếu được, bố mẹ hãy khéo léo dạy con những hiểu biết cơ bản về tiền nhé.
Lợi ích đầu tiên khi con hiểu về giá trị của tiền bạc là bé sẽ có thói quen tiết kiệm tiền, học được cách tiết kiệm cũng như tiêu dùng thông minh, đặc biệt là sẽ biết không phải muốn gì là có ngay lập tức. Khi con lớn lên, những nền tảng về tiền bạc sẽ giúp con biết cách quản lý chi tiêu, tránh được nợ nần và có kế hoạch tài chính hợp lý đó bố mẹ ạ.
Những nền tảng về tiền bạc sẽ giúp con biết cách quản lý chi tiêu, tránh được nợ nần và có kế hoạch tài chính hợp lý
Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu một vài cách thức đơn giản nhưng hiệu quả để dạy bé giá trị của tiền bạc nhé:
Mục lục
1. Giải thích cho con biết làm sao để có tiền và tiền ở ngân hàng cũng như cây ATM không phải là miễn phí
2. Cho con một khoản tiền tiêu vặt hằng tuần và hướng dẫn con quản lý nó
3. Tiết kiệm thật là tuyệt
4. Tự viết ra một danh sách mua sắm theo thứ tự ưu tiên
5. Cùng tham gia vào chi tiêu của gia đình
6. Giới thiệu với bé một số cách để tăng tiền tiêu vặt
7. Chia sẻ là hạnh phúc
1. Giải thích cho con biết làm sao để có tiền và tiền ở ngân hàng cũng như cây ATM không phải là miễn phí
Jayne Pearl – đồng tác giả của quyển “Trẻ em, sự giàu có và hậu quả” kể rằng: một ngày, cậu bé con 3 tuổi nói với cô ấy: “Chỉ cần đến ngân hàng, các cô chú ở đó sẽ cho mình tiền thôi mà mẹ” sau khi cô ấy từ chối mua một món đồ chơi mới cho cậu bé. Cô ấy chợt giật mình nhận ra rằng đã đến lúc giải thích cho con biết tiền từ đâu mà đến cũng như tiền ở ngân hàng và cây ATM không phải là miễn phí.
Từ 3 – 5 tuổi, các bạn bé có thể hiểu được những thông tin này rồi nên bố mẹ có thể giải thích với bé bằng cách nói rằng mỗi ngày ai cũng có việc để làm, các bạn nhỏ đến trường để học còn bố mẹ đến công ty để làm việc. Sau khi làm việc chăm chỉ và nghiêm túc, bố mẹ sẽ được công ty đánh giá kết quả và trả lương cho công việc mà mình đã làm. Do đó, tiền không phải là món đồ miễn phí hay tự nhiên mà có, nó là phần thưởng cho những ai nỗ lực và siêng năng thôi.
Đồng thời, hãy giải thích một cách đơn giản với con bạn về hoạt động của ngân hàng, nơi đó giống như một chú heo đất khổng lồ cất tiền giúp bố mẹ mà thôi, nó không phải là nơi sản xuất tiền và phát cho mọi người đâu nhé.
Song song với việc giải thích cho con ý nghĩa của các khái niệm trên, bố mẹ cũng có thể hướng dẫn con tham gia vào một số hoạt động về quản lý tiền và kiếm tiền đơn giản như một số gợi ý dưới đây nha:
2. Cho con một khoản tiền tiêu vặt hằng tuần và hướng dẫn con quản lý nó
Một cách hữu hiệu để bắt đầu việc dạy con quản lý tài chính chính là việc cho con bạn một khoản ngân sách, thậm chí rất nhỏ. Đừng thỉnh thoảng đưa con ít tiền lẻ tẻ mỗi khi chúng xin, thay vào đó, bố mẹ nên cho con tiền định kỳ để trẻ biết học cách hoạch định ngân sách tài chính từ sớm. Bạn có thể giúp việc quản lý tiền bạc này trở nên thú vị hơn bằng cách tặng cho con bạn một “Ngân hàng hình chú heo xinh” để con bạn hứng thú với nhiệm vụ mới mẻ này:
- Ban đầu, bạn có thể hướng dẫn con cách cân đối chi tiêu sao cho hợp lý từ số tiền này.
- Con có thể dùng tiền để mua những món đồ con thích trong tuần đó: có thể là 1 cái kẹp tóc, một cây kem, một món đồ chơi, một quyển sách hoặc bất kì thứ gì mà bé thích.
- Nếu một ngày bé nhà bạn đã dốc hết ngân quỹ để mua một món đồ chơi nhưng ngay sau đó lại thèm ăn kem, hoặc chuyển sang rất thích một chiếc đĩa DVD nhưng bé không thể mua vì đã hết tiền rồi.
- Như vậy đây thực sự là một điều rất tốt vì các bạn nhỏ đang học được bài học đầu tiên về việc bội chi ngân quỹ.
Một cách hữu hiệu để bắt đầu việc dạy con quản lý tài chính chính là việc cho con bạn một khoản ngân sách, thậm chí rất nhỏ và hướng dẫn bé cách chi tiêu
Hãy nói với con bạn rằng, con phải đợi đến kỳ nhận được tiền tiêu vặt tiếp theo để được mua cây kem/quyển truyện đó. Hãy nhớ rằng, nếu bạn nhượng bộ và cho con số tiền con cần ngay lúc đó, bé sẽ chẳng học được gì cả và bạn đã thất bại ngay khi mới bắt đầu rồi đấy.
3. Tiết kiệm thật là tuyệt
Con gái của bạn thích một con búp bê mới nhưng cô bé không có đủ tiền để mua nó? Hãy nói con bạn tiết kiệm!
Bạn có thể giúp con bạn bằng cách cho con tiền tiêu vặt đều đặn hàng tuần và nhắc nhở con cất giữ từng ít một, một cách chậm rãi nhưng chắc chắn cho mục tiêu của con. Khi đủ tiền, cùng đi với cô bé đến cửa hàng và để cô bé tự trả tiền cho món đồ đó. Chắc hẳn cô bé sẽ không thể nào quên được cảm giác tuyệt vời khi đạt được mục tiêu và phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực đó.
Dạy con trẻ về giá trị của việc tiết kiệm là một bài học rất quan trọng mà con bạn sẽ mang theo đến khi trưởng thành
Dạy con trẻ về giá trị của việc tiết kiệm là một bài học rất quan trọng mà con bạn sẽ mang theo đến khi trưởng thành. Không chỉ vậy, nó còn giúp trẻ phát triển được thói quen tiết kiệm thông minh, và nó sẽ là động lực để con tiết kiệm và nhìn thấy “kho báu” của mình lớn lên từng ngày.
4. Tự viết ra một danh sách mua sắm theo thứ tự ưu tiên
Khi được bố mẹ gợi ý những món cần phải mua với ngân sách có sẵn, một số bạn bé bày tỏ thích rất nhiều thứ, và không biết mình thích món gì nhất. Đôi khi khá khó khăn cho các bạn nhỏ phải lựa chọn nên mua thứ gì và bỏ thứ gì hoặc lựa chọn thứ gì nên được ưu tiên mua trước.
Trong trường hợp này, bố mẹ hãy cùng ngồi với bé và gợi ý bé viết ra một danh sách thứ tự ưu tiên mua sắm của mình. Bố mẹ có thể giải thích với bé rằng món đồ này con chưa có, con có thể ưu tiên mua nó trước, món đồ kia con cũng có 1 bạn tương tự rồi, con có thể bỏ nó ra không cần mua nữa hoặc con có thể để nó lại sang tuần sau hoặc sau nữa rồi hẵng mua. Bằng cách này, bé sẽ học được cách mua sắm khôn ngoan khi biết lựa chọn những món gì thật sự cần thiết và món gì không cần thiết khi đi mua sắm.
5. Cùng tham gia vào chi tiêu của gia đình
Đối với một số bạn lớn hơn một chút, từ 6 – 7 tuổi, bạn có thể nhờ các bạn ấy làm trợ lý trong việc chi tiêu của gia đình. Bạn có đồng ý là người lớn chúng ta quá bận rộn cho việc theo dõi chi tiêu của gia đình không? Chúng ta chỉ đơn giản thanh toán hóa đơn ngay khi chúng ta nhận được nó, thậm chí nhiều bố mẹ cũng không nhớ là mình đã thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền ga của tháng này hay chưa? Không nhớ lần cuối cùng mình thanh toán tiền truyền hình cáp là khi nào.
Vậy thì còn ngần ngại gì mà không nhờ đến sự giúp đỡ của các trợ lý tí hon, các bạn bé sẽ vô cùng hào hứng khi được thử làm người lớn đấy. Hãy giao cho bé các hóa đơn mà bạn đã thanh toán, nhờ con bạn làm 1 bảng liệt kê những chi phí nào trong tháng đã được thanh toán, khoản phí nào chưa. Việc này rèn luyện bé tính ghi chép và quản lý chi tiêu vô cùng hiệu quả cho bé đấy.
Bởi khi bé biết được tiền điện tháng này tăng cao hơn tháng trước, bé sẽ có ý thức hơn trong việc tắt điện khi ra khỏi phòng hoặc tắt tivi khi không xem nữa mà không cần bố mẹ nhắc nhở đâu.
6. Giới thiệu với bé một số cách để tăng tiền tiêu vặt
Trẻ em nên được học rằng chúng có thể tăng số tiền chúng có bằng cách lao động tích cực. Bạn có thể liệt kê một số việc mà bé có thể làm ngoài những công việc hằng ngày như:
– Phân loại một số món đồ có thể tái chế để bán cho các bà, các cô thu mua đồng nát như: vỏ lon bia, nước ngọt của ba mẹ, giấy báo cũ của ông bà, tài liệu cũ mà bố mẹ không dùng đến, những thùng carton đựng sữa…
Đặc biệt, phần lớn các chuyên gia đồng ý rằng việc cho tiền tiêu vặt của một đứa trẻ không nên gắn liền với công việc gia đình. “Trẻ em nên giúp đỡ việc nhà vì chúng là một phần của gia đình và chúng phải có trách nhiệm với nó, không phải vì chúng được trả tiền để làm điều đó”, Irene Leech, tiến sĩ, phó giáo sư và chuyên gia về giáo dục tiêu dùng tại Đại học Virginia Tech, Blacksburg khuyên.
7. Chia sẻ là hạnh phúc
Đối với các bạn nhỏ lớn hơn một chút, có thể từ 6 – 7 tuổi trở lên, bố mẹ có thể gợi ý con quyên qóp một phần nhỏ tiền tiêu vặt của mình cho hoạt động từ thiện. Tất nhiên trước đó bạn hãy giới thiệu đến bé những hoàn cảnh khó khăn, kể cho bé nghe những câu chuyện về tấm gương sáng dù nghèo khó nhưng vẫn vươn lên thành công để bé hiểu mục đích của từ thiện là thế nào.
Việc này sẽ dạy cho bé biết rằng, tiền không phải chỉ để mua sắm đồ đạc cho bản thân mà hơn hết, tiền còn là để giúp người và cứu người.
Hơn hết, dần dần bé sẽ học được lòng nhân ái, về sự cho đi và hiểu được giá trị đích thực của tiền bạc khi biết rằng ở ngoài kia, rất nhiều người thậm chí còn không đủ tiền cho những món đồ cơ bản nhất như thức ăn, nước uống hay áo quần lành lặn.
Hi vọng với 7 cách thú vị trên đây, bố mẹ sẽ giúp các bạn nhỏ sẽ thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền và sẽ trở thành những người biết cách sử dụng nguồn tài chính thông minh trong tương lai nhé.