Những thói quen này ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ trong tương lai nhưng lại rất dễ thực hiện. Vì vậy, bố mẹ nên rèn cho con từ sớm.
Hiện nay, hầu hết mọi người đều chú trọng đến việc rèn luyện sức khỏe, cho cả bản thân và những đứa con của mình. Những phương pháp mà mọi người lựa chọn có thể là chăm chỉ tập gym hay thiết lập một chế độ ăn uống có chọn lọc. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, phương pháp tập luyện cường độ cao và chế độ ăn kiêng hoàn toàn không phù hợp với trẻ em.
Do đó, nếu cha mẹ muốn hướng con đến một lối sống lành mạnh, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần thì hãy tập cho con 7 thói quen sau đây ngay từ khi con còn bé:
1. Không bỏ bữa sáng
Người ta hay bảo: "Hãy ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một kẻ ăn mày". Ý muốn nói rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Bởi nó không chỉ giúp trẻ bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng, mà còn dạy trẻ có thói quen không bỏ bữa sáng.
Ăn sáng đầy đủ giúp trẻ bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng (Ảnh minh họa).
Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng thật ra lại khá quan trọng. Vì việc ăn sáng dạy cho con biết giá trị của việc tự kỷ luật, biết lắng nghe và tuân theo cơ thể của mình. Ăn sáng đầy đủ còn giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Một bữa sáng cân bằng và bổ dưỡng sẽ mở đầu cho một lối sống lành mạnh.
2. Ra chơi ngoài trời
Nếu con không bị mệt, ốm thì cha mẹ hãy cho con được chạy nhảy, chơi ở ngoài trời ít nhất 1 giờ mỗi ngày. Hoạt động thể chất này không chỉ giúp trẻ năng động hơn mà còn cải thiện điểm số ở trường, cũng như trẻ sẽ năng nổ tham gia các hoạt động thể thao hơn.
Ngoài ra, khi chạy chơi ở bên ngoài ngôi nhà, cơ thể trẻ sẽ giải phóng Endorphins – một hoạt chất được não tiết ra làm giảm đau, chống căng thẳng trong học tập và chống lại những cảm xúc tiêu cực. Chơi một môn thể thao nào đó cũng dạy trẻ cách đối phó với những thăng trầm trong cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời nó cũng giúp nâng cao kỹ năng xã hội của các con.
3. Thường xuyên đọc sách
Đọc sách cho con nghe 10 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ sẽ giúp trẻ thư giãn và ngủ ngon hơn (Ảnh minh họa).
Đọc sách cho con nghe 10 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ hoặc để con tự đọc sách cũng là một thói quen lành mạnh mà các cha mẹ cần rèn con thực hiện hàng ngày. Đọc sách không những làm cho kỹ năng đọc tốt, vốn từ của con trở nên phong phú, mà còn cung cấp cho trẻ những kiến thức, khơi gợi trí tưởng tượng của con phát triển.
Cha mẹ có thể biến việc đọc sách trở thành một trò chơi thú vị như cùng nhau dự đoán diễn biến tiếp theo của câu chuyện để xem ai đoán đúng, hoặc đọc bằng nhiều giọng nói hài hước khác nhau… để trẻ không bị nhàm chán.
4. Cả gia đình dành thời gian bên nhau
Gia đình gắn kết là một môi trường sống lý tưởng đối với trẻ em. Ở đó, trẻ được thoải mái là chính mình khi ở bên cạnh cha mẹ, được trải nghiệm những giờ phút hạnh phúc khi cả nhà quây quần bên bữa cơm tối, hay được trải lòng khi có tâm sự cần chia sẻ.
Cha mẹ hãy xem bữa tối là một cơ hội tuyệt vời để trò chuyện về ngày hôm nay cùng con, thảo luận với con về phim, văn học, hay bất cứ thứ gì khiến cả gia đình hứng thú. Hãy luôn quan tâm và tôn trọng đến sở thích của con, cho dù nó "trái khuấy" trong mắt cha mẹ. Và cuối cùng, hãy luôn mở rộng lòng mình đón nhận sự thay đổi của con để trẻ cảm thấy thoải mái khi nhờ cha mẹ giúp đỡ việc gì đó.
5. Ngủ sớm và đúng giờ
Giấc ngủ đối với trẻ em rất quan trọng. Ngoài việc giúp trẻ phục hồi lại năng lượng, ngủ ngon còn giúp cho não bộ và các cơ quan của trẻ được phát triển một cách tối ưu. Vì nếu trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc, mất ngủ sẽ là giảm việc cơ thể giải phóng các hormone tăng trưởng, từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, mô và các tế bào khác.
Ngủ ngon giúp trẻ phục hồi lại năng lượng, và giúp não bộ cũng như các cơ quan trong cơ thể được phát triển một cách tối ưu (Ảnh minh họa).
Mất ngủ còn tác động tiêu cực lên hệ miễn dịch dẫn đến trẻ hay quên và thiếu tập trung, hay bị bệnh.
Và một chế độ ngủ sớm, đúng giờ, ngay cả trong những ngày cuối tuần, sẽ giúp trẻ có sức khỏe tốt về lâu dài.
6. Vệ sinh thân thể thường xuyên
Cho dù ở lứa tuổi nào thì việc vệ sinh thân thể cũng đều rất quan trọng và cần được rèn luyện từ khi còn bé. Những thói quen như đánh răng ngày 2 lần, dùng chỉ nha khoa, rửa tay trước và sau bữa ăn là những thói quen đơn giản mà hiệu quả để ngăn ngừa bệnh tật. Vì thế, cha mẹ nhớ nhắc nhở trẻ về tầm quan trọng của việc sạch sẽ.
7. Không nên che giấu cảm xúc của mình
Tức giận, khóc lóc, thất vọng… là những cảm xúc tiêu cực mà không một ai không có. Điều cha mẹ cần dạy con không phải là che giấu cảm xúc đó đi, mà dũng cảm đối mặt và xử lý nó một cách đúng đắn.
Cha mẹ hãy bắt đầu bằng việc dạy trẻ nhận diện các loại cảm xúc. Sau đó cho phép con giải phóng sự tức giận buồn bã bằng những hành động lành mạnh như ném gối vào tường, hoặc ngồi thiền, viết nhật ký… Hãy nói chuyện với con về cách quản lý cơn tức giận để trẻ kiểm soát và ngăn chặn nó ngay từ đầu. Bên cạnh đó, cha mẹ đừng cấm con khóc vì đó là một cách để con giải tỏa những khó chịu trong lòng.
Điều đặc biệt, cha mẹ cần khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc chứ đừng kìm nén giấu giếm nó.
Song, nói gì thì nói, trước tiên cha mẹ cần phải làm gương cho con bằng một lối sống khoa học và lành mạnh. Có như thế, con mới học theo và tạo thành một thói quen tốt khi lớn lên.