Bố mẹ có thể giúp nâng cao khả năng nhận thức và phát triển các giác quan cho trẻ 3-6 tuổi, thông qua một số trò chơi giản dị mà rất vui.
Trẻ 3-6 tuổi bắt đầu hiểu một số khái niệm đơn giản và ham thích khám phá thế giới xung quanh. Để trẻ được nâng cao khả năng nhận thức và phát triển đa giác quan, bố mẹ hãy cùng trẻ thực hiện một số hoạt động thú vị sau đây nhé:
1. Mặt Trăng và Trái Đất
Bố mẹ hãy chuẩn bị hai chiếc đèn pin: một chiếc có tầm sáng rộng, một chiếc có tầm sáng hẹp hơn. Rồi bố mẹ tắt đèn trong phòng đi và cùng trẻ cầm đèn pin, bật và soi lên trần nhà. Người cầm chiếc đèn thứ nhất sẽ từ từ dịch chuyển luồng sáng của đèn theo vòng tròn rộng, giả vờ làm Trái Đất. Người cầm chiếc đèn thứ hai sẽ tạo ra Mặt Trăng (luồng sáng nhỏ hơn) quay quanh Trái Đất. Trò chơi này sẽ giúp trẻ hiểu thêm về vũ trụ và các hành tinh.
2. Hộp lưu trữ kỷ niệm
Bố mẹ có thể cùng trẻ làm một chiếc hộp đựng những vật kỷ niệm, nhắc trẻ nhớ đến những buổi đi chơi mà trẻ thích. Những vật đó có thể chỉ là viên đá ở công viên gần nhà, hay chiếc vòng tay bằng vỏ ốc mua trong kỳ nghỉ ở biển… Bố mẹ hãy bảo trẻ tự trang trí chiếc hộp theo cách mình thích, và thỉnh thoảng lấy ra xem lại. Có một “kho báu” của riêng mình sẽ khiến trẻ rất thích thú, ghi nhớ được nhiều kỷ niệm và biết trân trọng những điều nho nhỏ trong cuộc sống.
Những chiếc hộp lưu trữ kỹ niệm sẽ giúp trẻ có thêm nhận thức về những nơi đã đi qua.
3. Đóng kịch cùng đồ chơi
Đóng kịch là một trong những trò chơi kích thích khả năng sáng tạo của trẻ mạnh nhất. Bố mẹ hãy cùng trẻ lấy vài bé búp bê hoặc gấu bông, rồi giả giọng của chúng để diễn kịch. Tùy theo sở thích của trẻ, bố mẹ cũng có thể cho thú bông thi hát, thi diễn xiếc...
Trẻ có thể nâng cao khả năng nhận thức thông qua việc đóng kịch cùng đồ chơi.
4. Tạo ra tác phẩm nghệ thuật từ thức ăn
Sự đa dạng và màu sắc của thức ăn có thể khiến trẻ sáng tạo ra nhiều kiểu tác phẩm. Bố mẹ có thể giúp trẻ cắt, gọt trái cây, rau củ, rồi cho trẻ trình bày lên chiếc đĩa lớn thành những hình mà trẻ thích, như tàu hỏa, hoa lá… Mà sau đó, chắc chắn là trẻ chẳng từ chối ăn những phần rau củ quả trong “tác phẩm” của mình đâu!
Sáng tạo cùng đồ ăn không chỉ tăng cường khả năng nhận thức mà còn khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ hơn.
5. Thổi bong bóng
Bố mẹ có thể pha nước rửa bát với nước lã theo tỷ lệ 1:10 làm dung dịch thổi bong bóng. Nếu thêm một chút siro ngô thì bong bóng sẽ khó vỡ hơn. Sau đó, trẻ có thể sử dụng rất nhiều dụng cụ, như nắp lon nước ngọt hay ống hút cắt ngắn đi, để thổi bong bóng. Trò chơi này khiến trẻ tha hồ mơ mộng và tưởng tượng, lại được hướng xa tầm mắt khi dõi theo những quả bong bóng bay đi.
6. Ngắm mây
Ngắm mây là một hoạt động nhẹ nhàng nhưng không kém phần thú vị. Bố mẹ có thể cùng trẻ trò chuyện về hình dạng của những đám mây, khuyến khích trẻ tưởng tượng bằng những câu hỏi như: “Con nghĩ kia là con chó hay cái bàn?”... Khi ý kiến của bố mẹ và trẻ khác nhau, trẻ cũng sẽ học được rằng, cùng một sự việc, rất có thể mỗi người sẽ nhìn theo một cách.
Hình thù đa dạng của mây sẽ kích thích trẻ tưởng tượng.
7. Nhảy theo nhạc
Nhảy múa là một trong những hoạt động yêu thích của trẻ nhỏ. Bố mẹ chỉ cần bật nhạc lên và nhảy cùng với trẻ vào bất kỳ lúc nào và theo bất kỳ cách nào mà trẻ muốn. Thậm chí, có khi bố mẹ và trẻ cùng bịa ra nhạc rồi nhảy cũng được. Hoạt động này giúp trẻ được vận động toàn thân, và việc nghe nhạc cũng rất có ích cho sự phát triển của não bộ.
Nhảy là một hoạt động để trẻ phát triển cả khả năng nhận thức và các nhóm cơ.
Tất cả những trò chơi trên đây đều đơn giản, không tốn thời gian, nhưng rất tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Vì vậy, bố mẹ hãy dành thời gian để rủ con chơi nhé, đó cũng là cách để tăng thêm sự gắn bó trong gia đình mà!