Trẻ chậm nói, phát âm không chuẩn, nói líu lưỡi ... là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Vậy cha mẹ cần làm gì để hỗ trợ trẻ?
Bài viết dưới đây của PGS. TS. Phạm Thị Bích Đào - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng Trường Đại học Y Hà Nội sẽ hướng dẫn các cha mẹ về vấn đề này.
Dưới đây là một số giải pháp hỗ trợ ở trẻ chậm nói mà cha mẹ nào cũng cần phải biết
1. Không bắt chước ngôn ngữ
Trẻ chậm nói sẽ phát âm không chuẩn, thậm chí còn nói ngọng, nói líu lưỡi. Nguyên tắc đầu tiên là không được bắt chước cách nói của trẻ, vì điều này khiến trẻ hình thành thói quen khó sửa, lâu dần sẽ khiến trẻ nói sai, nói ngọng nhiều hơn.
2. Giao tiếp với trẻ ở vị trí ngang tầm mắt
Khi giao tiếp với trẻ, hãy gọi tên và yêu cầu trẻ nhìn bằng mắt. Điều này gây sự chú ý và tương tác mắt, cũng như tạo chiều sâu trong quá trình giao tiếp. Thường xuyên thể hiện hoạt động này giúp trẻ ghi nhớ và khắc sâu được hoạt động giao tiếp. Nhờ đó mà tạo ra những phản ứng tích cực trong khi giao tiếp.
Khi giao tiếp với trẻ, hãy gọi tên và yêu cầu trẻ nhìn bằng mắt
Khi giao tiếp với trẻ, hãy gọi tên và yêu cầu trẻ nhìn bằng mắt
3. Nói chậm, rõ ràng, dễ hiểu
Có một nguyên tắc trong bài tập cho trẻ chậm nói đó là:
- Dạy từng âm cho đến khi trẻ hoàn thiện được
Bắt đầu bằng cách nguyên âm
+ u….. a….. i….e…..ê
+ Sau đấy đến các phụ âm: b……… p…… d….. đ……k…..n….m
+ Khi giao tiếp với trẻ được thực hiện theo nguyên tắc 2/1/2.
Có nghĩa là ngắt câu chậm và theo nhịp như 2/1/2 như: Lấy/cho mẹ/ cái/cốc… Hoạt động này giúp trẻ hiểu được yêu cầu và có phản ứng tốt hơn khi giao tiếp cũng như thực hiện yêu cầu.
4. Dùng đồ chơi dạy trẻ chậm nói
Bằng cách mua cho trẻ những món đồ chơi như các con thú, hay các con vật dưới nước. Mẹ vừa chơi cùng bé và chỉ vào các con thú, sau đó đọc tên chúng lên, giúp trẻ kết nối được với ngôn ngữ nhanh hơn, vừa có thể ghi nhớ hình dáng con vật và cả tên của chúng. Đây là cách dạy trẻ chậm nói tại nhà đơn giản, rất hiệu quả mà mẹ có thể áp dụng.
Dùng đồ chơi dạy trẻ chậm nói
5. Dùng thẻ học kích thích bé chậm nói
Mẹ có thể dùng thẻ học gồm có các con vật, các loại quả, các loại hoa… vừa chỉ tay và đọc to cho bé nghe, rồi dạy trẻ nói các từ đơn như: Cá, gà, quả, nhà… Việc làm này kích thích trẻ, giúp trẻ hứng thú hơn bởi thẻ học có nhiều màu sắc bắt mắt.
6. Để trẻ tự xử lý thông tin
Hãy cho trẻ có thời gian để xử lý thông tin khi đưa ra yêu cầu đối với trẻ. Cùng chờ đợi phản ứng từ 5-10 giây, nếu trẻ không thực hiện được, hãy làm mẫu giúp trẻ. Lặp lại nhiều lần trong những tình huống và các trường hợp khác nhau.
7. Nên cho trẻ đi lớp, nhà trẻ
Ở lớp học, trẻ phải tự lực nhiều thứ như tự ăn, tự uống, tự đòi đi vệ sinh và trẻ bắt buộc phải biết ngôn ngữ để hòa nhập với các bạn khác. Khi đó, chứng chậm nói sẽ tự khắc phục được.
8. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử
Đừng vì công việc quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc trẻ, trò chuyện cùng trẻ mà cho trẻ làm quen vào những thiết bị như: Tivi, iPad, điện thoại… Chính điều này sẽ hạn chế khả năng giao tiếp của trẻ, khiến trẻ bị chậm nói.
9. Trò chuyện với trẻ nhiều hơn
Đơn giản bằng cách đọc truyện cho trẻ nghe. Cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian để chơi đồ chơi cùng trẻ, tranh thủ cho trẻ biết những điều mới lạ xung quanh. Khi làm như vậy sẽ giúp trẻ học được kỹ năng giao tiếp và hạn chế tình trạng chậm nói ở trẻ.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn