Người lớn chúng ta thường lấy những hình mẫu làm tiêu chuẩn cho con của mình. Một em bé ngoan là một em bé biết nghe lời và biết chào hỏi lễ phép. Nên chỉ cần em bé không nghe lời thì đó đã là em bé hư rồi. Tuy nhiên, nếu cứ dạy con theo kiểu khuôn mẫu sẽ khiến trẻ thui chột sáng tạo.
Hãy để trẻ tự tin với những khám phá riêng
Đừng cứng nhắc khi dạy trẻ
Mỗi lần đến chơi nhà chị Lan ở khu Vĩnh Hưng (Hà Nội), mọi người đều thán phục chị về cách chị giáo dục con. Hai đứa trẻ một lên 5 một lên 8 đều rất ngoan ngoãn lễ phép. Mọi đồ dùng trong gia đình chị đều luôn ngăn nắp gọn gàng, ít khi để sai vị trí đã quy định. Quan sát cách hai đứa trẻ xếp dép, thu dọn đồ chơi tôi thầm nghĩ chị là một người mẹ rất cẩn thận và tỉ mỉ. Bạn bè cùng trang lứa hay lấy cách giáo dục con của chị để khen ngợi hay làm gương.
Song một vài lần tiếp xúc lâu với hai đứa trẻ tôi cứ có cảm giác có gì đó không ổn lắm. Có lần đến chơi nhà, tôi thấy hai con chị mặc dù đang chơi vui vẻ nhưng thỉnh thoảng lại hướng mắt về phía mẹ xem mẹ có phản ứng gì không. Chỉ cần chị Lan nói con thu dọn đồ chơi, lập tức hai đứa lại vội vàng thực hiện ngay. Thậm chí khi chúng vẽ một bức tranh đến giai đoạn tô màu chúng cũng đều chạy ra hỏi mẹ về việc chọn màu cũng như cách tô.
Rõ ràng những người quan sát sẽ luôn nhận thấy hai đứa trẻ rất ngoan, nhưng lại quá lệ thuộc vào thái độ và cách hướng dẫn của mẹ. Có lẽ chị Lan đã luôn dạy dỗ và uốn nắn con theo một khuôn mẫu nhất nhất phải nghe lời người lớn. Song nếu dạy con theo cách này các ông bố bà mẹ giống như vai trò của một chiếc amera, thường xuyên đi theo sát bước chân của con trong mọi hoạt động. Họ sẽ kiểm soát xem con có làm theo đúng ý của mình không. Nếu con làm theo đúng yêu cầu của mình thì vui vẻ thoải mái. Nhưng nếu như con làm khác đi là có thể bực bội rồi và có thể nổi nóng với con.
Làm thế nào để cá nhân người lớn và con tạo được sự kết nối với nhau? Không có cách nào khác là chúng ta cần chia sẻ và phải hiểu rằng văn hóa nghe lời chỉ đúng ở một chừng mực nào đó. Phần còn lại hãy để cho bản thân con được thể hiện hết những khả năng và mong muốn của con. Khi đó con sẽ trở thành một em bé phát triển hoàn toàn tự tin và độc lập trong cuộc sống. |
Không nên kiểm soát con thái quá
Trao đổi về vấn đề này, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm Giáo dục Hà Đông, Hà Nội) đã chỉ ra rằng: Chúng ta luôn nghĩ rằng mình có thể theo sát mọi bước chân con thì sẽ giúp con trường thành hơn, phát triển tốt hơn. Thực ra không phải như vậy. Con đang bị bạn kiểm soát, con sẽ cảm thấy sợ hãi và không thể hiện được tất cả những gì bản thân chúng mong muốn. Bình thường ra ngoài con nhìn thấy các bạn chơi đồ chơi con rất muốn ra chơi cùng các bạn. Nhưng có người lớn đi cùng con sẽ nấp sau lưng, chờ xem cha mẹ có cho phép con chơi với bạn không?
Đi học ở trên lớp con muốn vẽ một bức tranh theo cách của riêng con, nhưng con lại phải chờ đợi xem cô giáo có đồng ý không. Con không dám thể hiện hết những gì bản thân con đang có. Dần dần con trở nên nhút nhát hơn, sợ hãi hơn và thường xuyên mắc lỗi. Con sẽ mắc lỗi vì lúc đó không có bản thân chúng ta ở bên cạnh. Chúng ta không chỉ kiểm soát mà thậm chí còn áp đặt lên con. Áp đặt con phải vẽ một bức tranh chỉ tô ở trong khuôn cố định. Áp đặt việc con ngồi ăn, phải ăn hết đĩa thức ăn này, ăn hết bát cơm kia…Nếu không được thì cha mẹ và thầy cô không đồng ý.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình cho biết: Nếu bạn cứ áp đặt như vậy nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm con của chúng ta sẽ trở thành những em bé phụ thuộc. Những em bé phụ thuộc là những em bé đã sống trong một môi trường văn hóa dạy cho con trẻ phải nghe lời. Có nhiều khi chúng ta nói chuyện với con nhưng con không chia sẻ những vấn đề của con. Vì con sợ khi con kể những gì mà hôm nay con mắc lỗi, hay không ngoan như thế nào thì sẽ bị mắng. Chúng ta cho con ngồi vẽ một bức tranh, làm một bài toán con không dám làm theo cách của riêng mình, con không tự giải quyết được vấn đề của con. Vì con sợ nếu làm như thế con sẽ bị sai và cha mẹ, thầy cô sẽ không đồng ý. |