Dạy trẻ cách từ chối không phải là ích kỷ, chúng cần biết cái gì nên làm và không nên làm.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, nhiều hành vi của trẻ được hình thành dưới ảnh hưởng từ cha mẹ mình. Nếu muốn con cái sống khôn ngoan, cha mẹ cần dám thể hiện và khẳng định bản thân mình trước.
Nếu để ý bạn sẽ thấy rằng, khi tụ tập gia đình hay bạn bè, sẽ có một vài người trong số đó điều khiển bầu không khí, tạo ra các chủ đề trò chuyện. Họ là những người có tố chất lãnh đạo, biết dẫn dắt người khác.
Vì thế, nếu con mình lớn lên trở nên đặc biệt, cha mẹ hãy làm gương cho con trước. Cha mẹ tích cực tham gia vào sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình và bạn bè, dám bày tỏ ý kiến của bản thân khi đối mặt với những nghi ngờ và ý kiến khác biệt của người khác.
Bằng cách này, trẻ xem cha mẹ là tấm gương để noi theo khi chúng muốn thể hiện bản thân. Mấu chốt vấn đề để trẻ dám thể hiện chính mình là môi trường bình đẳng.
Có một lần cả gia đình anh Lý (Trung Quốc) thảo luận về việc đi nghỉ cuối tuần. anh muốn tới Bảo tàng Khoa học và Công nghệ, còn con trai anh muốn đi thả diều. Cuối cùng, cả gia đình đã tới bảo tàng, điều này khiến cậu bé không vui.
Anh Lý nói:
“Có chuyện gì vậy con? Để mua được vé vào bảo tàng này khó lắm. Cuối cùng chẳng mấy khi cả nhà đi chơi sau mặt mũi con ủ rũ quá vậy”.
Sau đó, cậu bé phát hiện ra rằng, chỉ cần cha quyết định là mọi thứ không thay đổi. Người cha vô tình biến gia đình thành của riêng mình. Anh thích thể hiện uy quyền của mình, vô tình tước đi khả năng bày tỏ ý kiến và ý thức độc lập của con cái.
Đừng ép con cái phải nghe lời người khác chỉ vì sĩ diện của mình
Là cha mẹ, đừng tùy tiện ép buộc con mình làm điều gì đó chỉ vì lý do muốn giữ thể diện cho chúng và sĩ diện cho bản thân.
Có một lần con gái cô Trương (Trung Quốc) đang chơi bóng dưới sân chung cư, một người bà dắt cháu trai đi ngang qua thì cậu bé nhất quyết đòi chơi bóng. Người bà thấy vậy liền nói:
“Cháu gái ơi, cháu nhường em chơi một chút có được không”.
Cô bé nói:
“Không ạ, cháu đang cần tập đánh bóng”.
Người bà nói:
“Cháu cho em mượn chơi một lát thôi, tí em trả cho”.
Cô bé vẫn nhất quyết không đồng ý.
Trong trường hợp này, một số cha mẹ có lẽ sẽ bảo con mình nhường quả bóng cho em nhỏ chơi. Họ cũng dạy con phải biết chia sẻ với người khác.
Nhìn thấy vẻ mặt không vui của con gái, cô Lý nói:
“Không sao đâu con. Nếu con muốn tiếp tục tập bóng, con có thể nói với em rằng, mình sẽ cho em mượn bóng sau khi tập xong. Em cần phải chờ con một chút”.
Dạy trẻ nhìn nhận đánh giá của người khác một cách chính xác
Trên thực tế, không khó để nhận thấy rằng, hầu hết những người mù quáng chạy theo đám đông đều rất quan tâm đến ý kiến của người khác.
Giống như khi chúng ta đi chợ mua quần áo, khi mặc thử rõ ràng không thích lắm, nhưng người bán cứ khen tới tấp.
Lúc này, nếu không giữ vững lập trường của bản thân, có lẽ một số người sẽ mua ngay và có khi món đồ đó chẳng có dịp mặc lần nào.
Vì vậy, khi dạy dỗ con cái, cha mẹ phải giúp trẻ nhìn nhận đúng đắn về cách đánh giá của người khác. Đừng để người khác làm lung lay những đánh giá và lựa chọn của bản thân.
Dù là người lớn hay trẻ em, chúng ta đang ở trong một môi trường luôn thích dán nhãn cho tất cả mọi người. Cha mẹ phải hướng dẫn trẻ dám xé bỏ những nhãn mác này, dũng cảm là chính mình.
Tất cả chúng ta đều đã nghe nói về bắt nạt học đường. Những đứa trẻ tham gia vào việc bắt nạt người khác liệu có "xấu" như chúng ta nghĩ không?
Một số trẻ không muốn mình trở thành người bị cô lập và bị bắt nạt nên đã đứng chung với kẻ bắt nạt. Tâm lý bầy đàn kiểu này rõ ràng làm mất đi nguyên tắc đúng và sai.
Cho dù trong lòng biết rõ đó là điều không nên làm nhưng vẫn không dám lên tiếng. Nhiều đứa trẻ đánh người khác nhưng thực sự trong lòng chúng cũng đang run sợ.
Nhiều đứa trẻ có “tâm lý bầy đàn” trong tiềm thức. Chúng thường đòi bố mẹ mua cho những thứ không thực sự cần, đơn giản là vì bạn cùng lớp có.
Vì vậy, khi giáo dục con cái, cha mẹ phải thiết lập quan điểm đúng sai ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ bằng cách phân biệt đúng sai và tuân thủ các nguyên tắc, trẻ sẽ không mù quáng theo đám đông.
Phan Hằng (Theo Aboluowang)