Nói ngọng là tình hình phổ biến đối với khá nhiều trẻ. Nếu phát hiện sớm thì việc khắc phục sẽ dễ dàng hơn. Mình đã từng có con bị nói ngọng, nhưng không để ý. Mãi đến khi con 5 tuổi, cô giáo dạy lớp mầm non 5 tuổi phản ánh thì mình mới để ý và tìm cách khắc phục cho con. Đây là một số kinh nghiệm của mình trong việc chữa ngọng cho con. Hy vọng bài viết có ích cho các bậc cha mẹ có con trong hoàn cảnh tương tự.
Mục lục
Những âm vần bé thường nói ngọng
Vì sao bé nói ngọng?
Kinh nghiệm cho bé đi khám nói ngọng
Kinh nghiệm sửa nói ngọng cho bé
Kết quả sau khi mẹ cố gắng sửa nói ngọng cho con
Những âm vần bé thường nói ngọng
Nói ngọng là tình trạng trẻ phát âm không rõ ràng, phát âm sai. Ở đây chỉ bàn về việc nói ngọng Tiếng Việt, còn tiếng Anh thì có nhiều âm khá khó với người Việt và chúng ta không bàn tới. Chúng ta là người Việt thì cần nói tiếng Việt chuẩn. Tất nhiên, mức độ nói ngọng cũng tùy từng bé, có bé chỉ ngọng đôi chút vài âm vần, có bé ngọng gần hết toàn bộ các từ trong một câu nói. Khi bé nói ngọng, hầu hết mọi người không thể hiểu bé nói gì, chỉ trừ ông bà, bố mẹ hoặc những người thường xuyên tiếp xúc nuôi dưỡng mới hiểu được. Do đó, khi bé nói cứ phải có người phiên dịch lại thì thật là phiền phức.
Những âm vần bé thường nói ngọng bao gồm: Phụ âm đơn: l và n…(lung linh, ăn no, cây lúa…), Phụ âm kép: ng, th, kh…(ngân nga, thủy, quả khế…), Vần: ôm, anh, ách, ếch, ích, inh…(con tôm, quả chanh, nhà sạch, con ếch, ích lợi, thông minh…), Dấu ngã: sữa bò, bị ngã…
Trong những âm vần trên, khó sửa nhất là sự nhầm lẫn giữa l và n, dấu ngã. Thậm chí nhiều người lớn khi nói ngọng những âm này cũng mãi không sửa được, thường phải tránh dùng những từ có âm như vậy, rất khó và bất tiện. Nhiều người khi nói ngọng thường bị bạn bè trêu chọc, rất khó sửa.
Vì sao bé nói ngọng?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bé nói ngọng. Với một bé bình thường thì đến 3 tuổi là bé có thể nói rất chuẩn. Nhưng nếu 3 tuổi rồi mà bé vẫn nói ngọng, có thể là do cấu tạo lưỡi của bé; trong nhà có ông bà, bố mẹ, anh chị nói ngọng; khi bé nói ngọng nhưng mọi người lại tỏ ra thích thú làm bé cứ nói sai thành quen…
Nếu bạn đã loại trừ các yếu tố bên ngoài như trong gia đình không ai nói ngọng, bạn nói chuẩn với con và đang cố gắng sửa cho con nhưng chưa được thì có thể đi khám tại các chuyên khoa Nhi. Với những gia đình ở Hà Nội thì có thể đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương.
Kinh nghiệm cho bé đi khám nói ngọng
Khi con mình được 5 tuổi, mình cũng đã cho con mình ra đó khám. Đầu tiên, các bác sĩ sẽ khám cho con mình bằng cách kiểm tra xem bé phát triển có bình thường không như: chiều cao, cân nặng, cho bé làm bài kiểm tra phù hợp với lứa tuổi. Trước đây, các bác sĩ hỏi thăm con mình về tên, tuổi của bé, hỏi bé xem nhà có mấy người, yêu cầu bé vẽ hình ngôi nhà, hình người, bảo bé đếm xem có bao nhiêu người trong phòng. Nói chung, các bác sĩ Nhi khoa rất tâm lý nên ban đầu bé hơi căng thẳng chút nhưng sau sẽ quen. Sau đó, bé sẽ hỏi thăm bố mẹ một số thông tin như về gia đình. Bước đầu chỉ là khám sơ bộ xem bé có phát triển bình thường so với độ tuổi hay không.
Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu cho con sang các phòng chuyên khoa hơn. Ở đây, các bác sỹ sẽ yêu cầu bé đọc một số từ xem bé hay bị ngọng những âm vần nào. Bác sĩ cũng sẽ khám lưỡi của bé. Con nhà mình trước đi khám bác sĩ bảo con bị phanh lưỡi ngắn độ 1. Trường hợp như bé nhà mình thì vì lưỡi bé bị ngắn độ 1 nên bé có chút khó khăn về phát âm nhưng hoàn toàn có thể sửa được.
Bác sĩ cũng kê đơn cho con mình uống thực phẩm bổ sung là Dầu gan cá tuyết của Na Uy (chai màu xanh ấy), có chứa nhiều DHA và vitamin A, tốt cho não bộ. Giá một chai là khoảng 500,000 đồng. Hồi đó mình cho con mình uống hết 1 chai, thấy tốt nên lại mua thêm 1 chai nữa cho bé uống.
Ở bệnh viện Nhi cũng có lớp học sửa nói ngọng. Hồi đó bác sĩ bảo mình nếu muốn thì có thể cho con mình học lớp đó. Nhưng vì nhà mình ở ngoại thành Hà Nội, cách bệnh viện Nhi chừng 25 km nên mình bảo bác sỹ là không đưa con đi được. Bác sĩ rất nhiệt tình tư vấn rằng trường hợp của con mình có thể tự sửa ở nhà được, nhưng mẹ phải kiên trì và đồng hành cùng con.
Bé bị nói ngọng – cha mẹ hãy giúp con sửa càng sớm càng tốt
Kinh nghiệm sửa nói ngọng cho bé
Vì không đưa con đi học lớp sửa nói ngọng ở bệnh viện Nhi được nên mình quyết tâm sửa nói ngọng cho bé. Quả thật, khi con 5 tuổi, so với các bạn con bị ngọng rất nhiều âm vần. Mình phải kiên trì mất gần 1 năm, đến trước khi con vào lớp 1 bé đã phát âm chuẩn.
Việc sửa nói ngọng cần từ từ, không nóng vội, làm hàng ngày nhưng cần đều đặn. Mỗi ngày mình dành khoảng 30 phút để sửa nói ngọng cho con, 15 phút ban ngày và 15 phút mỗi tối trước khi đi ngủ. Với những âm bé nói ngọng, đầu tiên bạn cần tập cho bé nói chuẩn. Bạn bảo bé quan sát miệng bạn xem để nói âm này thì miệng, lưỡi cần phải như thế nào. Bạn bảo bé cố gắng bắt chước bạn cho giống. Sau khi bé đã nói được từ đó rồi thì bạn chọn một câu dài hơn chứa từ đó, bé sẽ rất thích thú.
Ví dụ để sửa l và n: Có người cứ l thì bị ngọng nói thành n và ngược lại. Con mình thì l cứ đọc thành n như “nung ninh”. Mình dạy bé đọc chuẩn các chữ như lung linh, cây lúa… Khi bé nói được chữ l rồi thì khen bé và dạy bé đọc cả câu dài như “Những ngôi sao lung linh trên bầu trời” hay “Em yêu cánh đồng lúa”… Bé rất thích thú đấy.
Kết quả sau khi mẹ cố gắng sửa nói ngọng cho con
Bé nhà mình lúc khi mới học lớp mầm non 5 tuổi ngọng líu ngọng lô, đó là do mình bận công việc và không để ý, trong gia đình lại có ông bà và bố nói ngọng l và n, dấu ngã. Sau gần 1 năm kiên trì, đến khi con vào lớp 1 mình đã sửa cho con và con đã nói chuẩn. Kết quả như sau:
Vần ôm: con tôn, ôn đã nói chuẩn được là con tôm, ôm; Phụ âm th: hủy, hái đã nói chuẩn được là thủy, thái; Phụ âm n: no nắng đã nói chuẩn được là lo lắng; Phụ âm kh: quả hế đã nói chuẩn được là quả khế; Dấu ngã: hộp sứa đã nói chuẩn được là hộp sữa; Vần inh: thông min đã nói chuẩn được là thông minh
Cũng còn nhiều âm vần nữa bé nói ngọng đã sửa được nhưng mình không nhớ hết. Khi sửa cho con, bạn cần kiên trì sửa từng âm một. Khi bé sửa được âm này rồi mới chuyển sang âm khác. Và cần lưu ý là có những âm phải rất lâu bé mới sửa được nên cứ nhẹ nhàng từ từ hướng dẫn con. Ngoài ra bạn cũng cần yêu cầu ông bà, bố mẹ hay những người xung quanh không nhại lại từ bé nói sai. Quả thực khi bé đã sửa được, mình cảm thấy việc sửa nói ngọng cho con cũng không quá khó, chỉ cần đều đặn và kiên trì hàng ngày thôi. Tình yêu thương của bạn sẽ giúp con bạn được rất nhiều đấy.