Với trẻ mầm non, dường như những câu hỏi "Tại sao lại thế này? Tại sao lại thế kia?" đã trở thành những câu cửa miệng của trẻ. Đôi khi tình trạng này làm cho nhiều người lớn lúng túng, không biết ứng xử như thế nào cho phù hợp.
Ảnh: phunuonline
Tiến sĩ Trần Thị Thu Mai (Phó khoa Tâm lý ứng dụng, Trường ĐH SP TP.HCM):
Cách thông tin duy nhất mà con bạn thiết lập với bạn khi còn bồng bế là... khóc. Chúng chỉ biết khóc khi không vừa ý hay muốn đòi hỏi, thông báo việc gì như: đói, tã ướt, muốn mẹ vuốt ve... Khi trẻ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ, ngữ vựng của trẻ không giống ngữ vựng của người lớn, có khi chỉ một từ mà lại bao hàm cả một ý nghĩa rộng lớn và ngược lại: "con chó" tức là con gì bự bự; trong khi đó "meo, meo" tuy là con mèo, nhưng chỉ là con mèo của nhà mình, còn con mèo nhà hàng xóm là con gì rất lạ.
Khi trẻ nói thành câu cú, thì có nghĩa óc tò mò, và trí tưởng tượng sáng tạo của bé đang phát triển rất nhanh. Mỗi sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh dường như rất bí ẩn, đều có thể thôi thúc sự tò mò, nhu cầu muốn tìm hiểu, khám phá không ngừng ở trẻ. Trẻ đặt nhiều câu hỏi mang tính quan sát và so sánh khiến cha mẹ bất ngờ như: "Tại sao nước biển mặn?", "Tại sao ông sư lại cạo trọc đầu? Đầu ngoại không có tóc, ngoại là ông sư hả mẹ?"...
Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản với người lớn, nhưng đó là một quá trình dài của sự quan sát, ghi nhớ, tư duy của trẻ. Trẻ hỏi nhiều càng cho thấy khả năng phát triển tích cực của não bộ và tâm sinh lý, tiền đề tốt cho tương lai. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, ở độ tuổi từ một đến sáu, mỗi ngày trẻ xử lý khối lượng thông tin nhiều gấp đôi người lớn, nên nhu cầu tiêu hao năng lượng cho hoạt động trí não cũng gấp đôi.
Tuy nhiên, có một điều hầu như các bậc cha mẹ chưa được thông tin là khả năng dự trữ năng lượng của não trẻ rất hạn chế. Do vậy, trẻ cần phải được cung cấp một nguồn "nhiên liệu" ổn định cho trí não. Khi não thiếu năng lượng, trẻ sẽ kém tập trung, khó tiếp thu.
Tóm lại, hiểu được đặc điểm phát triển và các nhu cầu thiết yếu của não bộ sẽ giúp cha mẹ có được cách thức hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển trí não của trẻ. Nhờ đó cha mẹ có những phương pháp giáo dục và chế độ dinh dưỡng thích hợp.
Cô Nguyễn Hồng Phương (giáo viên Trường Mầm non Q.2, TP.HCM):
Nhà trẻ là môi trường xã hội đầu tiên của bé. Nơi bé cùng học tập và vui chơi với các bạn cùng lứa tuổi, tiếp xúc với nhiều điều mới trong cuộc sống mà bé chưa hề biết trong phạm vi gia đình trước đây. Đây cũng chính là thời điểm trẻ bắt đầu hình thành trí khôn để nhận biết cuộc sống, sự vật xung quanh và hình thành các kỹ năng cơ bản như quan sát, ghi nhớ, so sánh... Vì vậy, các bé ở tuổi mầm non rất hay hỏi, gặp gì cũng hỏi cho ra lẽ.
Có rất nhiều lý do khiến trẻ hỏi như thích giao tiếp; do đang tập nói để phát triển ngôn ngữ; muốn gây chú ý; bắt chước người lớn... nhưng lý do chủ yếu nhất là để thỏa mãn trí tò mò, thôi thúc khám phá những điều chưa biết từ thế giới xung quanh.
Một đứa trẻ hoạt bát, thông minh thường hay đặt câu hỏi. Đây là những trẻ biết quan sát và có khả năng tư duy tốt. Trẻ hỏi nhiều, thắc mắc nhiều đồng nghĩa với việc chúng đang rất thích thú khám phá cuộc sống xung quanh. Bởi vậy, mỗi khi các bé đặt câu hỏi, nên cố gắng khích lệ, cổ vũ để giúp bé tự tin thể hiện những suy nghĩ, thắc mắc, tập dần tính tự lập.
Ngoài việc khuyến khích bé học hỏi một cách chủ động, thông qua những tình huống hỏi - trả lời, cũng cần quan tâm đến việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là dinh dưỡng cho trí não để trẻ có thể tiếp thu nhanh chóng, phát triển tối đa khả năng học hỏi và ghi nhớ trong những năm tháng đầu đời.
Theo phunuonline.com.vn