Dưới đây là những kinh nghiệm quý báu được các bà mẹ trên thế giới tâm đắc và chia sẻ về việc chăm sóc và nuôi dạy con.
Việc nuôi dạy con chưa bao giờ là đơn giản, cho dù khó khăn và có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ nhưng các mẹ trên thế giới đều có chung mong muốn nuôi con khỏe – dạy con ngoan. Cùng tìm hiểu phong cách nuôi dạy con của các bà mẹ đến từ các quốc gia trên thế giới để hiểu rõ hơn điều này.
Mẹ Na-Uy: Cho con tiếp cận thử thách, đương đầu rủi ro và học cách tự phòng vệ bản thân
Các nhà nghiên cứu từ Na Uy khuyên cha mẹ nên cho trẻ được tiếp cận những thử thách thực tế như leo cây, đu xà vì điều này không hẳn là không tốt, thậm chí giúp bé học được cách tự bảo vệ bản thân. Cho con được thực hiện tất cả các hành động có thể gây rủi ro sẽ giúp trẻ thoả mãn nhu cầu thể chất đó là thích được leo, trèo, chơi đùa đồng thời giúp bé có tâm lý vững vàng “mình có thể làm được” và làm sao để không bị ngã, bị đau. Leo cây sẽ có tác động mạnh hơn rất nhiều so với leo núi có đai an toàn hay leo trên sân chơi ở trường, ở nhà vì các trò đó “quá an toàn”, thậm chí là nhàm chán.
Mẹ Ấn Độ và Hàn Quốc: Cho con ăn bữa ăn đa dạng và ăn cùng gia đình
Một số quốc gia có nền văn hóa ẩm thực phong phú như Ấn Độ hay Hàn Quốc, cha mẹ thường cho trẻ được ngồi ăn cùng gia đình khi đến bữa thay vì ăn riêng. Bé được mẹ cho ăn các loại thức ăn đa dạng theo mọi người, cùng cả nhà ăn chung các món ăn lành mạnh. Cha mẹ Ấn và Hàn cho rằng điều này khuyến khích trẻ có thói quen ăn uống đa dạng hơn, không khí gia đình trong bữa ăn sẽ tác động tốt đến tâm lý của trẻ.
Mẹ Nhật: Để con tự “chiến đấu” cũng không phải là không tốt
Khi bé muốn tranh giành đồ chơi với các bạn, hoặc nhất quyết muốn được đóng vai nào đó trong trò chơi tưởng tượng, mẹ Nhật luôn cố gắng để bé tự giải quyết, thậm chí là “chiến đấu” với các bạn. Mẹ Nhật cho rằng không phải lúc nào cha mẹ cũng sẵn sàng can thiệp vào chuyện của con và giúp con giải quyết mâu thuẫn mới là tốt, điều nên làm là để bé tự vượt qua xung đột với các bạn, cha mẹ hãy lùi lại và làm hậu phương cho con, chỉ lên tiếng khi thực sự cần thiết.
Mẹ Tây: Cho con ra ngoài chơi hàng ngày
Ở các nước phương Tây, mùa đông thường khá lạnh, nhưng không vì thế mà các mẹ Tây giữ con trong nhà, thay vào đó, các bé vẫn được thoải mái vui chơi và hoạt động ngoài trời, thậm chí các em bé nhỏ cũng được mẹ cho ra ngoài khi có thể. Các mẹ Tây có quan niệm dù nắng hay mưa vẫn cứ đưa con ra ngoài, vấn đề ở chỗ có cho con mặc đủ ấm và trang bị tốt cho con hay không thôi.
Mẹ Pháp, Nhật: Luôn dạy con “lời chào cao hơn mâm cỗ”
Đối với các mẹ Pháp và Nhật, việc chào hỏi vô cùng quan trọng. Họ coi việc dạy con nói “Xin chào” và “Tạm biệt” quan trọng như việc dạy bảng chữ, con số. Ở Nhật, trẻ em còn được bố mẹ cho tham gia các lớp dạy kĩ năng chào hỏi để rèn luyện. Lời chào được xem như 1 lời nhắc nhở cha mẹ truyền lại cho thế hệ sau: Con không chỉ có 1 mình trong cuộc đời này, còn có rất nhiều người xung quanh và con cần phải quan tâm đến họ và hiểu được sự tồn tại ấy.
Mẹ Guatemalan (giáp Mexico): Không ép con phải chia sẻ đồ chơi với ai
Các mẹ đến từ quốc gia Trung Mỹ này chia sẻ các con luôn được làm điều bé thích, và cha mẹ tuyệt đối không ép con phải chia sẻ đồ chơi với các anh, chị lớn của mình. Bé được tự do chơi và làm điều bé muốn cho đến khi bé đủ lớn để nhận thức được hành vi. Các mẹ nơi đây cho rằng đây là cách giúp bé bộc lộ và hình thành tính cách sau này.
Mẹ Á, Âu, Mỹ, Phi: Ngủ cùng con trong những năm đầu đời
Chúng ta thường nói rằng ngủ riêng là một phần quan trọng trong việc nuôi dạy một đứa trẻ độc lập. Nhưng phần lớn các gia đình trên thế giới, ở các khu vực như Trung và Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Á và một phần của châu Âu, các mẹ đều chung quan điểm đó là ngủ cùng con trong những năm đầu đời. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em ngủ chung với bố mẹ thực sự độc lập hơn so với trẻ ngủ riêng từ bé.
Mẹ Thụy Điển: Không kiểm soát con, dạy con tự quyết định
Ở Thụy Điển, các bé thường không bị cha mẹ kiểm soát quá chặt chẽ. Thay vào đó, họ dạy bé cách tự kiểm soát bản thân, tự quyết định hành động của mình từ khi còn nhỏ. Một số trường mẫu giáo ở Thụy Điển thậm chí không lắp hàng rào bảo vệ nào cả, mà giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ về khái niệm “hàng rào vô hình”. Tất cả cùng chung mục đích duy nhất là dạy bé cách tự kiểm soát bản thân mà không cần cha mẹ phải nhắc nhở.
Mẹ Ý, Brazil, Hy Lạp, Tây Ban Nha: Dạy con là trách nhiệm chung của đại gia đình
Cha mẹ ở các nước này tin rằng trẻ em được phát triển tốt nhất khi có sự dạy bảo của mọi người trong gia đình mà không chỉ riêng cha mẹ. Đó là lí do vì sao ở đây, gia đình theo mô hình đa hệ (gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống: ông bà, bố mẹ, anh em..) lại xuất hiện nhiều hơn.
Mẹ Phần Lan: Cho con vui chơi thoải mái
Trẻ em Phần Lan được cha mẹ cho nhiều thời gian vui chơi hơn các quốc gia khác. Thời gian học ở trường cũng ngắn hơn, khoảng 4 tiếng/ngày, còn lại bé sẽ được cha mẹ cho tham gia các lớp năng khiếu như vẽ, điêu khắc, may, nấu ăn, thanh nhạc phù hợp với khả năng và sở thích. Kết quả cho thấy thành tích đạt được tại các cuộc thi quốc tế của trẻ em Phần Lan khá tốt nhờ phương pháp này.