Nhiều trẻ khi nổi giận thường có những hành vi hung hăng như đánh đập, xô đẩy, cắn người khác. Vì vậy, bố mẹ rất cần can thiệp để giúp trẻ điều chỉnh kiểu hành vi này.
Một vấn đề mà nhiều bố mẹ có con ở độ tuổi 1-4 hay gặp phải là việc con có những hành vi hung hăng như đánh, đẩy, cắn người khác. Những hành vi này thường bắt nguồn từ tâm lý ích kỷ, coi mình là trung tâm, và xuất hiện khi trẻ cáu giận, đặc biệt là về những chuyện liên quan đến tính sở hữu. Tuy nhiên, cũng có những khi trẻ hung hăng chẳng vì lý do gì rõ ràng, nên khiến bố mẹ rất lo lắng. Vậy bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé!
Hành vi hung hăng bắt nguồn từ đâu?
Những hành vi hung hăng không khẳng định rằng sau này trẻ sẽ ưa bạo lực hoặc dễ trở thành tội phạm. Đây thực chất vẫn chỉ là cách để trẻ thử nghiệm mà thôi. Ví dụ, trẻ có thể nghĩ: “Nếu mình đẩy bạn Hằng thì sao nhỉ?”, “Nếu mình cắn Linh một cái thì có sao không?”... Trẻ có trí tò mò vô hạn và khả năng đồng cảm còn hạn chế, nên việc trẻ có kiểu hành vi này cũng là dễ hiểu.
Những hành vi hung hăng của trẻ ở độ tuổi này không khẳng định rằng lớn lên trẻ sẽ ưa bạo lực.
Ngoài ra, ở giai đoạn này, nhiều trẻ chưa có đủ khả năng thể hiện cảm xúc một cách nhẹ nhàng. Cảm giác thất vọng hoặc tức giận đều có thể thôi thúc trẻ lao vào tấn công bạn bè, gần như theo bản năng.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ hung hăng?
Khi trẻ hung hăng, bố mẹ cần lập tức xử lý một cách bình tĩnh và kiên quyết.
Đầu tiên, bố mẹ hãy đảm bảo rằng trẻ hiểu được một quy tắc quan trọng, cũng như lý do đằng sau quy tắc đó: “Chúng ta không được đánh người khác, vì như thế sẽ làm người khác đau”. Nếu trẻ đang ở giai đoạn thường xuyên hung hăng, thì bố mẹ cần theo dõi sát sao mỗi khi trẻ tương tác với bạn bè. Và tất nhiên là bố mẹ nên can thiệp ngay khi trẻ có hành vi xấu.
Bố mẹ hãy nghiêm khắc nói với trẻ rằng không được hành động như vậy. Nếu trẻ không nghe lời, bố mẹ có thể áp dụng phương pháp cách ly tạm thời trong 2 phút. Tuyệt đối không đánh, đẩy hoặc cắn lại trẻ để cho trẻ biết cảm giác của người bị đánh, đẩy hoặc cắn. Bởi điều này chỉ khiến trẻ càng tin rằng chúng ta được phép đánh người nhỏ hơn mình.
>>>Tham khảo thêm: Những cách rèn nếp kỷ luật hiệu quả và lành mạnh cho con
Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên chiều theo ý trẻ khi trẻ hung hăng để đòi đồ chơi hoặc bắt bố mẹ phải làm theo ý mình.
Bố mẹ hãy thật bình tĩnh khi trẻ có hành vi hung hăng để việc can thiệp có hiệu quả nhé!
Bên cạnh việc theo dõi để ngăn chặn những hành vi hung hăng, bố mẹ cũng nên khen ngợi mỗi khi trẻ có những hành vi xã hội tốt đẹp. Ví dụ, sau khi trẻ chơi với bạn một cách thân thiện, hòa nhã, bố mẹ nên khen: “Hôm nay con rất nhẹ nhàng và lịch sự khi chơi với bạn Hiền. Mẹ rất vui khi thấy con cho bạn chơi chung đồ chơi đó!”.
Khi trẻ lên 3 tuổi, kỹ năng nói và lý luận của trẻ sẽ phát triển hơn. Lúc này, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ các cách để xử lý những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, nếu trẻ hung hăng đánh bạn để giành gấu bông, bố mẹ có thể hỏi trẻ: “Con thử nghĩ xem, khi con đánh bạn Linh thì Linh sẽ cảm thấy thế nào?”, và “Con nghĩ thử xem mình còn cách nào tốt hơn để lấy lại gấu bông không?”. Sau đó, bố mẹ hãy thảo luận với trẻ để đưa ra cách cư xử phù hợp. Khi được tham gia tìm giải pháp như vậy, trẻ sẽ dễ làm theo giải pháp đó trong những lần sau chứ không thực hiện những hành vi hung hăng nữa.