1. NUÔI DẠY CON – CẦN NHIỀU NGHỆ THUẬT HAY LÀ CẢM XÚC?
Làm bố mẹ là một hành trình không hề dễ dàng nhưng có thể làm được tốt nếu mỗi người cố gắng học tập và hoàn thiện hơn các kỹ năng mỗi ngày. Người ta vẫn hay nói rằng Cha mẹ sinh con, trời sinh tính nên mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách, hành xử tuỳ nghi. Nhưng thực chất, trẻ con không thể nào đùng một phát đã trở thành đứa bất trị hay quá ngoan ngoãn từ khi còn nhỏ. Tất cả đều có quá trình riêng và chịu tác động từ nhiều yếu tố. Vì vậy, để nuôi dạy con thông minh và bố mẹ nhàn rỗi hơn, đòi hỏi các phụ huynh sẽ phải trình diễn màn nghệ thuật đặc sắc và khéo léo để vừa răn dạy con, vừa cho con thấy được sự hài hước và vui vẻ của mình.
1.1 Dạy con từ lúc nào là thích hợp?
Thai giáo:
Để con thông minh, lanh lợi và phát triển đầy đủ về thể chất thì các mẹ ngay từ khi mang thai từ 3 – 6 tháng đầu ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết thì việc bắt đầu thực hành phương pháp nuôi dạy con từ lúc này là phù hợp.
Nếu bạn đã từng đọc qua các nghiên cứu hay tài liệu sách báo sẽ thấy được rằng những bà mẹ Do Thái chính là những người tiên phong và luôn thực hành phương pháp giáo dục con sớm. Đặc biệt, các bà mẹ này sẽ thường xuyên nghe nhạc, đàn hát vui ca, rèn luyện thể chất, đọc các đầu sách hay, xem phim hài hước và không ngừng học tập tư duy, nhất là về môn Toán học, các mẹ cũng không quên để bố tiếp xúc với trẻ thường xuyên. Những bà mẹ này biết được rằng bản thân họ và thai nhi có sự kết nối rất tốt, khi mẹ làm hay học gì bé sẽ được tiếp thu theo, khi mẹ cảm nhận gì con cũng sẽ thấy tương tự như vậy. Vì thế, những đứa trẻ này khi được sinh ra thường láu lỉnh, sáng sủa và cười vui nhiều hơn là cau có, khó tính. Nếu bạn đang sắp sửa làm bố mẹ, hãy tham khảo những cách thai giáo sớm này thật kỹ.
Giai đoạn từ 3 – 6 tuổi:
Trong khoảng thời gian này, bộ não và khung xương của con đang trên đà phát triển tốt vì thế cả trí não lẫn thể chất đều cần được bồi bổ bằng nhiều dưỡng chất từ thức ăn và vitamin từ kiến thức xung quanh càng tốt. Cách nuôi dạy con từ nhỏ hiệu quả nhất mà mọi ông bố bà mẹ nên thực hiện đó là khuyến khích con đặt câu hỏi và đưa ra càng nhiều các thử thách với con càng tốt. Chính những câu hỏi và trao đổi qua lại giữa hai bên bố mẹ – con cái sẽ giúp nơron thần kinh của con liên tục hoạt động, con sẽ ngày càng thông minh hơn, hiểu biết hơn qua những kiến thức được bố mẹ chia sẻ và học từ việc quan sát xung quanh. Có lúc trẻ sẽ đặt ra những câu hỏi khó hiểu, hoặc ngoài phạm vi kiến thức của bạn, đừng vội lơ đi. Hãy hẹn con trả lời vào thời gian sớm nhất để con không bị hụt hẫng và có thêm sự háo hức, mong chờ từ bạn hơn. Trong lúc “nghỉ giữa hiệp” đó, các bố mẹ hãy cố gắng tìm ra câu trả lời và trao đổi lại cùng con theo cách “non nớt” nhất.
Bố mẹ cùng hướng dẫn con học (Nguồn giacngo.vn)
1.2 Bồi dưỡng tư duy cho con bằng cách nào?
Dù bạn lựa chọn dạy con theo phương pháp Montessori hay Homeschooling (tự học tại nhà cùng bố mẹ) thì cũng cần lưu ý đến việc thường xuyên bồi đắp tư duy cho con bằng các hoạt động thể chất từ bên ngoài, bên cạnh việc đọc sách hoặc kể những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn ý nghĩa.
Với trí óc non nớt của mình, trẻ sẽ không ngừng cảm thấy tò mò và thú vị khi nhìn thấy thế giới khác lạ bên mình. Vì vậy nếu có thể, bạn hãy đưa con ra ngoài, tham gia các hoạt động trại hè hay đi tản bộ ở công viên, giao tiếp với nhiều bạn bè đồng trang lứa và thậm chí cả người lớn tuổi để con thu nạp thêm nhiều kiến thức thú vị cho mình.
1.3 Mỗi người đều có công việc của mình
Trong thế giới nhỏ bé và ngây thơ của con, sẽ có những lúc suy nghĩ rằng mọi việc bố mẹ thực hiện đều dành cho mình, con sẽ không thể xác định được bố mẹ còn bận rộn với hàng tá những thứ khác nên sẽ nảy sinh tâm lý vòi vĩnh, đòi bố mẹ phải luôn ở cạnh bên mọi lúc mọi nơi. Những lúc như vậy, đa số phụ huynh sẽ thường cảm thấy bực mình và muốn la mắng con. Nhưng khoan đã, bạn hãy nhớ rằng con còn nhỏ và chưa ý thức được nhiều, vậy nên hãy bình tĩnh chỉ dẫn cho con thật cụ thể bằng những câu chuyện thực tiễn trong chính gia đình mình. Rằng, tại sao sáng sớm bố phải ra khỏi nhà và về nhà vào lúc chiều tối? Ai là người nấu cho con ăn? Ai là người dọn dẹp? Và nhẹ nhàng lý giải cho con hiểu mỗi người đều có công việc của riêng mình. Không ai ở mãi bên cạnh nhau được, kể cả con cũng vậy.
1.4 Sự thống nhất của cả gia đình
Nuôi dạy con cái không phải là công việc của riêng bố hay mẹ mà đó là nhiệm vụ chung, mỗi người, đều phải dành thời gian để cùng con ăn, học, chơi đùa. Nếu bạn đang sống trong gia đình nhiều thế hệ, hãy nghiêm túc đề nghị tất cả thành viên trong gia đình đồng lòng thực hiện theo phương pháp dạy con khác biệt của mình để cùng hướng đến kết quả chung – con được phát huy triệt để tiềm năng và thể chất.
2. CON CẦN HỌC GÌ ĐỂ TRỞ NÊN CÓ ÍCH?
Các bố mẹ ngoài việc tham khảo kinh nghiệm, kiến thức nuôi dạy con theo khoa học từ các nước có nền giáo dục tiên tiến, thì việc áp dụng và cùng trải nghiệm thực tế với con yêu cũng quan trọng không kém. Hãy bắt đầu với 7 bài học cho con sau đây.
2.1 Dạy con chuyện học tập
Đây là bài học đầu tiên mà mọi bố mẹ đều cần thực hiện. Tuy nhiên, không phải với lối lề xưa cũ và sử dụng những biện pháp ép buộc cho con mà thay vào đó, hãy chủ động hướng dẫn và khuyến khích con học một cách độc lập hơn. Để con tự do quyết định bản thân sẽ học những gì, phân chia thời gian biểu hợp lý, kết hợp với các hoạt động ngoài trời, vừa chơi vừa học để con tiếp thu nhanh nhẹn, đồng thời cho tâm lý thoải mái hơn.
Ngoài việc để con tự do chọn lựa, bạn cũng đừng quên theo dõi sát sao (một cách kín đáo) để xem tinh thần tự giác của con ra sao, và con yêu có đang cần bạn giúp gì thêm không. Với phương pháp dạy con đúng cách này, mọi ông bố bà mẹ đều được thảnh thơi!
2.2 Dạy con làm việc nhà (phân chia công việc nếu nhiều con)
Cách nuôi dạy con từ nhỏ hữu hiệu mà các bố mẹ Do Thái áp dụng đó là chia bớt việc nhà cho con. Đây thực sự là quan niệm có phần trái ngược với tâm lý của bố mẹ Việt bởi thường sợ con làm hư hại, đổ vỡ và vì nghĩ con còn nhỏ, chưa phù hợp. Nếu bạn thường xem các bộ phim về giáo dục gia đình của Mỹ cũng sẽ không ngạc nhiên khi thấy trẻ biết tự gấp quần áo, vệ sinh cá nhân, thậm chí quét nhà, lau sàn khi chỉ mới ở độ tuổi từ 3 – 6 tuổi mà thôi.
Ban đầu, để tạo được hứng thú cho con làm việc nhà, bạn hãy dạy cho con cách chơi trò chơi. Ví dụ, khi bạn đưa cho con một xấp quần áo chưa được gấp gọn của bé, sau đó đề nghị con nhìn động tác của mẹ và thực hiện theo. Nếu con gấp đúng y chang như vậy, mẹ sẽ thưởng cho con 1 viên kẹo, 1 cái bánh; khi con lớn hơn bạn có thể thưởng cho con bằng tiền – như là cách trả công sau khi con lao động. Nếu việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, chắc chắn, sau một thời gian bạn sẽ chẳng còn tốn chút công sức nào để la hét con dọn dẹp tủ quần áo nữa, vì tất cả đã được xếp rất gọn gàng, chỉn chu.
Dạy con làm việc nhà chăm chỉ
(Nguồn hocgioitoan.com.vn)
2.3 Dạy con rèn luyện ý chí không bỏ cuộc
Bài học này đặc biệt phù hợp trong giai đoạn các bé con chập chững tập đi. Với sự non yếu của động tác và chưa biết cách trụ vững bằng chân, chắc chắn con sẽ hay té ngã, và thường khóc la. Nhưng, nếu bạn đọc kỹ các phương pháp nuôi dạy con từ Do Thái hay Mỹ, thì việc này không đáng để bận tâm chút nào. Trong trường hợp con chỉ ngã nhẹ, bạn hãy giả vờ lơ đi, không nhìn con, chắc chắn sẽ bất ngờ khi mà con biết tự tìm cách lò dò bám vào vật gì đấy và đứng lên, lại tiếp tục đi mà không rơi giọt nước mắt nào.
Nếu con ngã nặng quá và thật sự bị đau nhưng không gặp nguy hiểm, bạn cũng đừng nên chạy vội đến bế ẵm rồi đổ lỗi tại cái bàn, tại cái ghế làm con ngã. Mà hãy ngay lập tức dùng các lời lẽ động viên (hoặc pha chút hài hước) để tiếp thêm sức mạnh cho con, khuyến khích con hoàn thành nốt chặng đường tập đi của mình. Chỉ có cách nuôi dạy con như vậy mới có thể để con tự lập và hình thành nên thói quen tự giải quyết vấn đề của mình mà không nản chí, bỏ cuộc giữa chừng.
2.4 Dạy con cách giải quyết khó khăn: từ nhỏ đến lớn, từ nhà – trường
Khi bé đến tuổi đi học, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tâm lý buồn bã hay bực dọc vì chuyện bạn bè hay những sự cố không vui khác. Những lúc này bạn cần đặc biệt quan tâm con hơn, tạo cơ hội để con tự nói ra những cảm nhận của mình và cùng con tìm hướng giải quyết ổn thoả.
Có rất nhiều trẻ thường nảy sinh tâm lý cáu bẩn, khó chịu ra mặt với những việc không như ý mình, nếu bố mẹ không can thiệp kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng “tức nước vỡ bờ” và gây ra nhiều hậu quả không lường trước. Để nuôi dạy con tốt, mỗi ông bố bà mẹ nên là nơi tin cậy, giúp con giải tỏa hết mọi căng thẳng, bức xúc hay nỗi buồn, có như vậy mới thêm gắn kết tình cảm, bạn sẽ thấu hiểu con và con sẽ không còn thấy đơn độc dù ở bất cứ đâu. Hãy hướng con đến việc nhìn nhận lỗi lầm nếu con làm sai hoặc rộng lượng tha thứ đối với người đã làm việc không hay với mình.
Dạy con bằng tình yêu và sự động viên (Nguồn afamilycdn.com)
2.5 Dạy con về ý thức – thái độ
Nếu bố mẹ có kiến thức nuôi dạy con theo khoa học sẽ không thể thiếu việc giáo dục con về ý thức – hành vi – thái độ. Việc này sẽ không đơn giản bởi mỗi đứa trẻ sẽ có cách hành xử riêng. Tuy nhiên, như đã nói đến ở trên, con trở nên tốt hay xấu phần lớn nằm ở cách ứng xử và dạy dỗ của các bố mẹ.
Cách dạy con tốt nhất chính là để bố mẹ trở thành gương sáng cho con. Trong các gia đình phương Tây, gia đình Do Thái sẽ hiếm có chuyện bố mẹ cãi vã to tiếng hay nóng nảy đập phá đồ đạc trước mặt con cái. Tất cả đều sẽ được giải quyết trong im lặng, riêng tư giữa hai người với nhau. Vì thế, nếu bạn mong muốn con có ý thức – thái độ tốt, hãy hướng dẫn con bằng hành vi của chính mình.
2.6 Dạy con về tình yêu – trách nhiệm – sự hài hước thông minh
Đây là cách giáo dục con điển hình mà hầu hết các gia đình người Mỹ đều tôn trọng và thường làm theo. Khi bắt gặp con trẻ làm dơ bẩn áo quần hay hai đứa trẻ cùng gây gỗ với nhau một cách căng thẳng, bố mẹ Mỹ sẽ không chạy đến và “dẹp loạn” bằng cách quát tháo mà thường sẽ đệm một vài câu hài hước trước để làm dịu bầu không khí. Và sau đó chỉ rõ cho các con biết lỗi của ai, các con sẽ tự động biết cách làm lành, hoà giải. Trong những lúc này, các bậc phụ huynh không hề quên việc nhấn mạnh đến tình cảm chị em, anh em, bạn bè để trẻ tự nhận thức mình đã vừa có hành động sai trái với người mà mình luôn yêu thương, trân quý.
2.7 Dạy con về tiền bạc
Đa số cách nuôi dạy con của bố mẹ Việt đều có điểm chung là hạn chế nhắc đến các vấn đề về tiền bạc với con, điều này lại hoàn toàn ngược lại đối với cha mẹ Do Thái. Họ sẽ dạy con về tiền bạc khi con bắt đầu biết đếm, bởi luôn tâm niệm rằng việc tiếp xúc với tiền sớm sẽ giúp bồi đắp và phát hiện ra tài năng kinh doanh của con.
Các bậc cha mẹ Việt cũng nên tham khảo và dạy cho con về tiền theo sự phát tiền của độ tuổi như:
- Từ 3 – 4 tuổi: cho con nhận biết giá trị của từng tờ tiền và loại tiền khác nhau
- Từ 4 – 5 tuổi: cho con tự mua đồ dưới sự hướng dẫn của cha mẹ
- Từ 5 – 6 tuổi: Dạy con làm việc nhà để kiếm tiền, bồi dưỡng ý thức cho con về việc chuẩn bị tốt cho tương lai và để con hiểu rằng, tiền không hề dễ kiếm.
- Từ 6 – 12 tuổi: Dạy con cách tiết kiệm tiền và chi tiêu hợp lý với từng đồng tiền mà con kiếm được.
Dạy con cách dùng tiền (Nguồn phunuonline.net)
Với những chia sẻ trên đây của Kid Town, mong rằng các bố mẹ sẽ có thêm nguồn kiến thức để có thể áp dụng vào việc nuôi nấng, chăm sóc con yêu khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn và quan trọng nhất là các bậc phụ huynh có thể nhàn rỗi hơn, không còn nhiều những áp lực về việc dạy con nữa. Nuôi con luôn cần quá trình và chỉ cần bạn cố gắng chịu khó ngay từ đầu, rộng lượng bao dung hơn với con nhỏ, thì thành quả thu được trong tương lai sẽ là rất lớn!