Sự giáo dục của gia đình vô cùng quan trọng đối với việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra một số hành vi trẻ cần có trước khi lên 5 mà cha mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ bồi dưỡng.
1. Dạy con biết quan tâm người khác
Trên thực tế, một đứa trẻ thiếu sự quan tâm thường không có cảm giác áy náy khi mắc lỗi. Ngược lại, những trẻ nhỏ nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thương từ gia đình luôn lo lắng, sợ mình sẽ làm phiền, quấy rầy người khác mỗi khi có hành động không đúng.
Vì vậy, các bậc phụ huynh nên giúp con hình thành thói quen biết quan tâm tới suy nghĩ của người khác bằng cách dành cho trẻ nhiều tình yêu thương. Bởi chính sự quan tâm từ phía bố mẹ sẽ giúp bé hình thành đức tính biết quan tâm tới mọi người.
2. Đừng để con trẻ trở thành người “chỉ biết nghe”
Các bậc phụ huynh nên thường xuyên cùng con thảo luận các câu hỏi như: “Khi con gọi mẹ, mẹ không trả lời, con sẽ cảm thấy thế nào?” hoặc “Khi con hỏi cô giáo, cô giáo cũng không đáp, con có cảm giác ra sao?”.
Từ đó, cha mẹ nên giải thích cho con trẻ hiểu rằng, đáp lời người khác là phép lịch sự tối thiểu thể hiện sự tôn trọng của mình với người nói.
Một người “chỉ biết nghe” đôi khi lại trở thành kẻ bất lịch sự nếu cuộc nói chuyện đó cần sự hợp tác từ hai phía.
Từ đó, các bé sẽ được hình thành văn hóa giao tiếp từ sớm, đồng thời hiểu được rằng muốn người khác tôn trọng mình, trước tiên mình cần tôn trọng người khác.
3. Nhắc nhở con tự thu dọn đồ đạc của mình
Nhiều người lớn trong gia đình thường mặc định rằng trẻ em có đặc quyền “chơi không cần dọn”. Nhưng nếu tiếp tục duy trì thói quen này cho trẻ, các bé sẽ hình thành tính ỷ lại, lười biếng ngay từ khi còn nhỏ.
Trên thực tế, nhắc nhở con trẻ tự thu dọn đồ chơi của mình cũng là một cách bồi dưỡng năng lực tự chăm lo, gánh vác cuộc sống của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
4. Đừng quên dạy con ý nghĩa của sự sẻ chia
Chia sẻ là một đức tính tốt, cũng là chất xúc tác để tạo thành cầu nối trong các mối quan hệ xã hội của trẻ.
Cha mẹ nên dạy trẻ cách chủ động chia sẻ đồ chơi, đồ ăn vặt đúng lúc, đúng chỗ để con có được tấm lòng biết yêu thương, sẻ chia, đồng thời cũng có nhiều điều kiện kết giao với bạn bè hơn.
5. Con nên được biết về nguyên tắc “hữu hảo”
Chào hỏi khi có khách tới nhà, gặp người mình không thích vẫn cần lịch sự, phải biết điều chỉnh cảm xúc khi tức giận cũng là những điều cha mẹ cần truyền đạt cho con trẻ khi bé lên 5 tuổi.
Các lễ nghi đối nhân xử thế tối thiểu này sẽ xây dựng nền móng tốt cho quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
6. Kính trọng người lớn tuổi là điều con phải làm
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã cần biết về quy tắc ứng xử dựa trên vai vế trong gia đình, xã hội.
Ông bà, cha mẹ không nên quá nuông chiều con trẻ. Các bé cần phải được giáo dục về nguyên tắc tôn trọng người lớn tuổi, tránh việc trẻ tự coi mình là trung tâm mà thiếu sự tôn trọng với người khác.
7. Giúp con hiểu rằng nhận lỗi khi sai là điều cần thiết
Một lời xin lỗi không phải là điều đáng xấu hổ, mà là minh chứng cho sự bình tĩnh và biết suy nghĩ.
Muốn dạy con biết nhận lỗi, cha mẹ cần phải làm tấm gương để con noi theo. Bên cạnh đó, muốn con thành khẩn nhận lỗi, phụ huynh nên nhẹ nhàng khuyên bảo hoặc xử phạt hợp lý để tránh việc trẻ sinh ra tâm lý sợ hãi, trốn tránh trách nhiệm mỗi khi mắc sai lầm.