Trò chuyện và lắng nghe là những kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải trẻ cứ biết nói là sẽ biết giao tiếp tích cực đâu nhé!
Từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ đã nên rèn cho trẻ kỹ năng trò chuyện và lắng nghe tích cực. Những kỹ năng này đòi hỏi trẻ luyện tập khá nhiều, chứ chúng không tự xuất hiện trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Tuy nhiên, chúng lại là những kỹ năng rất cần thiết, giúp trẻ dễ kết bạn, được lắng nghe, biết cách đưa ra các yêu cầu, cũng như nhanh chóng hòa nhập với mọi người
Thế nào là trò chuyện và lắng nghe tích cực?
Biết cách trò chuyện và lắng nghe tích cực là khi trẻ có khả năng:
- Bắt đầu trò chuyện một cách hợp lý.
- Thu hút sự chú ý đúng cách.
- Giao tiếp bằng ánh mắt.
- Lắng nghe và đợi đến lượt mình khi trò chuyện.
- Nói rõ ràng, với những câu từ phù hợp với mức độ phát triển của tuổi mình.
- Lịch sự, không cãi cọ.
- Biết điểm dừng.
Trò chuyện và lắng nghe tích cực là kỹ năng rất cần thiết với trẻ.
Nhiều trẻ học những kỹ năng này rất nhanh. Tuy nhiên, có những trẻ thì bố mẹ cần nhẹ nhàng nhắc nhở, như: “Khi con đang nói chuyện với mẹ thì con hãy nhìn vào mẹ nhé!”.
Nếu trẻ có dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ (cách sử dụng câu từ, cách trò chuyện với người khác) hay có vấn đề về phát âm (nói ngọng hoặc nói lắp), bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nhé.
Cách dạy trẻ trò chuyện và lắng nghe tích cực
Trẻ học hỏi chủ yếu là qua cách trò chuyện của bố mẹ với nhau, với trẻ và với những người khác. Vì vậy, bố mẹ hãy làm gương cho trẻ nhé. Ngoài ra, trẻ sẽ tiếp thu hiệu quả khi bố mẹ nói rõ những điều mà bố mẹ muốn trẻ làm. Ví dụ:
- Nhắc trẻ nói cảm ơn khi người khác làm gì đó cho mình.
- Dạy trẻ cách xin phép khi muốn chen ngang vào cuộc nói chuyện của bố mẹ với người khác. Ví dụ, trẻ sẽ cần nói: “Xin lỗi, cho phép con nói…”, rồi chờ bố mẹ lắng nghe thì mới nói.
- Cùng trẻ tập trò chuyện qua lại, lần lượt hỏi và trả lời.
Trẻ học hỏi chủ yếu là qua cách trò chuyện của bố mẹ với nhau, với trẻ và với những người khác.
Bố mẹ nên khen ngợi trẻ thật nhiều mỗi khi trẻ biết giao tiếp đúng mực với người khác. Điều này sẽ giúp trẻ muốn tiếp tục phát huy. Ví dụ: “Bố rất vui vì con đã đợi bố nói xong rồi con mới bắt đầu nói”.
Đồng thời, bố mẹ cũng có thể đặt những quy tắc về phép lịch sự và nói rõ với trẻ, để trẻ hiểu rằng mình nên và không nên làm gì.
Trẻ cũng cần có nhiều cơ hội để trò chuyện và lắng nghe thì mới nhanh chóng cải thiện được những kỹ năng này. Trò chơi đóng giả là một cách rất vui để trẻ được luyện tập. Vì vậy, bố mẹ hãy cho trẻ đóng các vai khác nhau (vai bố/mẹ, họ hàng, cô giáo…) và thử tập nhiều tình huống giao tiếp với trẻ nhé!
Cách ứng phó khi trẻ có hành vi giao tiếp chưa tốt
Khi trẻ cãi lại
Khi bố mẹ phạt, đặt nguyên tắc hoặc đưa ra yêu cầu, trẻ có thể sẽ cãi lại để thể hiện quan điểm của mình, hoặc đôi khi chỉ là để xem phản ứng của bố mẹ.
Bố mẹ có thể xử lý việc này theo cách tích cực để trẻ dần bỏ thói quen cãi lại bố mẹ, ví dụ như:
- Bình tĩnh nhắc nhở trẻ nhớ đến những quy tắc gia đình về việc tôn trọng và lịch sự với người khác khi giao tiếp.
- Nếu trẻ vẫn tiếp tục cư xử thô lỗ, bố mẹ có thể đưa ra các hình phạt, ví dụ như giảm thời gian xem tivi trong một ngày.
Bố mẹ có thể xử lý việc trẻ cãi lại theo cách tích cực để trẻ dần bỏ thói quen này.
Bố mẹ cũng nên lưu ý không nên cười khi thấy trẻ cãi, vì như vậy sẽ khiến trẻ nghĩ rằng bố mẹ đang khen mình.
Khi trẻ chen ngang
Khi trẻ không thể kiểm soát được mong muốn nói chuyện của mình, trẻ sẽ ngắt lời người khác. Tuy nhiên, trẻ cần học cách chờ đợi, trừ phi có chuyện gì khẩn cấp.
Bố mẹ cần có biện pháp xử lý phù hợp khi trẻ chen ngang vào cuộc trò chuyện của người khác.
Để cải thiện tình trạng này, bố mẹ có thể thử một vài cách dưới đây:
- Nhắc nhở trẻ về quy tắc của gia đình, sau đó vẫn tiếp tục nói chuyện với người đối diện cho đến khi trẻ xin phép được ngắt lời đúng theo quy tắc.
- Khi trẻ xin phép đúng cách, bố mẹ nên nhanh chóng chú ý đến trẻ để trẻ thấy rằng hành động vừa rồi của mình là hợp lý.
- Khen ngợi khi trẻ cư xử đúng để con có động lực tiếp tục phát huy.
Ngoài ra, nếu bố mẹ chuẩn bị có một cuộc điện thoại quan trọng, hãy đưa trẻ đồ chơi hoặc bày cho trẻ một hoạt động thú vị nào đó để trẻ không cắt ngang cuộc trò chuyện.