Chúng ta cần nhìn rõ rằng, nếu chúng ta quyết định thay trẻ, những đứa trẻ dù sau này lớn về mặt thể chất, nhưng về tinh thần và những vấn đề liên quan đến tâm lý, nội tâm lại vẫn phụ thuộc vào cha mẹ. Chúng sẽ khiến cho cuộc sống và quan hệ xã hội của trẻ bị ảnh hưởng rất lớn. Vậy làm thế nào để dạy trẻ quyết định đúng nhằm giúp con xây dựng khả năng độc lập khi trưởng thành, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Một đứa trẻ có khả năng quyết định đúng sẽ rèn luyện được tính độc lập, tự tin và có trách nhiệm trong tương lai. Ảnh: KUT
1. Trước khi dạy trẻ quyết định đúng, trẻ phải được tự quyết định
Mỗi lần yêu cầu cậu con trai nhỏ Darren quyết định hay lựa chọn điều gì, tôi có cảm giác như phải đợi đến vô cực vậy. Bé thường dành cả nửa tiếng đồng hồ ở quầy đồ chơi, phân vân xem nên chọn con robot có đôi mắt phát sáng hay anh bạn có thể đá bóng. Đôi khi tôi chỉ muốn hét lên với con chọn đại đi cho xong.
Đây có lẽ không phải tình huống mà chỉ mẹ Darren gặp phải. Nó khá phổ biến đặc biệt đối với những trẻ đang ở độ tuổi lên 5-6. Việc trẻ đưa ra một quyết định chớp nhoáng đối với những vấn đề thường nhật như không muốn loại rau củ nào, nhưng lại bỏ quá nhiều thời gian cho việc lựa chọn một vấn đề khác như một món đồ chơi hay một vị kem – là khá bình thường.
Sở dĩ trẻ thường xuyên rơi vào tình huống trên là do trẻ thiếu sự trải nghiệm. Và việc cha mẹ đưa ra hầu hết các quyết định thay cho trẻ là lý do chính dẫn đến tình trạng này.
Trẻ cần được học cách đưa ra quyết định và lựa chọn của riêng mình để có thể trở nên tự lập , có trách nhiệm và tự tin hơn. Đây là một kĩ năng quan trọng mà bạn cần chú trọng giúp trẻ rèn luyện.
Mặc dù trẻ sẽ không thể trở nên quyết đoán chỉ sau một đêm. Nhưng với sự giúp đỡ của bạn, trẻ sẽ dần đi từ có thể, có lẽ đến có, không một cách dứt khoát.
Trước khi quyết định đúng, trẻ cần học cách tự đưa ra quyết định. Ảnh: Kindercare
2. Cách dạy trẻ quyết định đúng như thế nào
Để dạy trẻ quyết định đúng, bạn nên bắt đầu từ việc dạy và tạo điều kiện cho con tự đưa ra những quyết định đối với các vấn đề liên quan đến bản thân, sau đó là những vấn đề khác, từ nhỏ tới lớn.
2.1. Cách dạy trẻ tự quyết định
Để giúp trẻ tự quyết định, bạn hãy cùng trẻ thực hiện những việc sau:
- Công khai với trẻ tiến trình bạn đi đến một quyết định : Dù đó là nấu món gì cho bữa tối hay khi nào nên dẫn chó đi dạo, thì bạn cũng hãy cùng suy nghĩ với trẻ. Bạn có thể mô tả ưu nhược điểm của từng lựa chọn, so sánh chúng với nhau và đưa ra thêm bất kì ý kiến nào giúp bạn đi đến quyết định.
Ví dụ, trong tình huống nên chọn quà sinh nhật gì cho ông ngoại của trẻ. Bạn có thể bàn với trẻ về giá cả món quà, sở thích và tiện ích mà món quà có thể đem lại cho ông. Từ đó cùng trẻ đưa ra lựa chọn tốt nhất.
Việc cho trẻ thấy cách bạn đi đến kết luận của một vấn đề sẽ giúp trẻ hiểu được những nỗ lực cần có và cung cấp cho bé một lộ trình tham khảo để đưa ra quyết định của riêng mình.
- Giới hạn sự lựa chọn : Bạn hãy thử đưa cho trẻ một cuốn brochure về bánh và đề nghị con chọn một chiếc cho sinh nhật của mình. Bạn sẽ thấy con “lạc lối” trong việc lựa chọn và quyết định.
Nghiên cứu cho thấy rằng, nếu chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn, chúng ta sẽ rất dễ bị choáng ngợp. Lý do vì ta không muốn từ chối quá nhiều thứ. Vậy điều bạn nên làm là thu hẹp sự lựa chọn đó xuống một số lượng nhất định, giới hạn trong có số một đến vài thứ/ món,…Lúc này, trẻ có thể bắt đầu học hỏi để rút kinh nghiệm cho việc đưa ra những quyết định đúng đắn một cách dễ dàng hơn.
Giới hạn sự lựa chọn sẽ giúp trẻ tự quyết định một hiệu quả. Ảnh: Rainforest Learning Centre
- Giúp trẻ xác định mức độ ảnh hưởng của quyết định : Trẻ em thường bị bối rối và mắc kẹt trong những sự lựa chọn của bản thân về một vấn đề nào đó. Vì trẻ nghĩ rằng mọi quyết định đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mình, hay đến cảm nhận của người khác, đặc biệt là cha mẹ. Vì vậy điều bạn có thể làm là giúp trẻ học được các cấp độ quyết định khác nhau. Từ đó trẻ sẽ bớt lo lắng cũng như ra quyết định một cách dễ dàng hơn.
Bạn hãy giải thích với trẻ những quyết định nhỏ (ví dụ như ăn vặt món gì) có thể đưa ra nhanh chóng. Quyết định trung bình (như mượn sách gì từ thư viện) cần một chút thời gian suy nghĩ. Và những vấn đề lớn (như tham gia môn thể thao gì ở trường) cần nhiều thời gian để cân nhắc hơn. Sau đó, lần tiếp theo trẻ bối rối về việc nên chọn đồ uống gì tại quán ăn, bạn hãy nhắc trẻ rằng đây là một quyết định nhỏ và trẻ sẽ không thấy quá áp lực khi đưa ra lựa chọn.
2.2. Từ tự quyết định đến cách dạy trẻ quyết định đúng
Hãy cùng trẻ xử lý các tình huống giả định để giúp con rèn luyện kỹ năng tư duy và mài giũa khả năng ra quyết định của mình. Ảnh: Mind Champs
Khi trẻ đã học được quy trình cần thiết để đưa ra một quyết định, bạn có thể giúp trẻ nâng cao kĩ năng này. Đó là từ quyết định đến quyết định đúng. Đây sẽ là một bước rất quan trọng mà nếu trẻ thực hiện tốt, sẽ vô cùng có lợi cho cuộc sống sau này của con.
- Thường xuyên cùng trẻ chơi trò “What if…?” (Nếu như/ Giả sử như..) : Bạn giả định cách xử lý tình huống và kết quả của cách xử lý đó. Khi trẻ có thể tự hỏi bản thân hoặc tự đưa ra những nhận xét, so sánh về cách xử lý một tình huống/ vấn đề, trẻ sẽ học được cách suy nghĩ thấu đáo và đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
Bạn có thể giúp trẻ làm quen với cách suy nghĩ này bằng việc giả định những tình huống đòi hỏi cần sự lựa chọn và giải quyết một cách hợp lý nhất. Ví dụ, trẻ sẽ xử lý thế nào nếu có hai bạn cùng lớp cùng mời trẻ đến dự tiệc sinh nhật vào cùng một ngày. Các bữa tiệc đều hứa hẹn sẽ rất vui và thú vị. Hoặc trẻ sẽ mua gì nếu thắng giải trong cuộc sổ xố vui ở trường. Đây là một cách rất hiệu quả giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tư duy và mài giũa khả năng ra quyết định của con.
Giả định tình huống, cách xử lý và đưa ra kết quả của cách xử lý đó là một cách giúp trẻ tập quyết định. Ảnh Internet
- Chấp nhận những quyết định vô lý thậm chí ngớ ngẩn của trẻ: Vì, từ việc tự quyết định và cao hơn là đưa ra quyết định đúng đắn là một quá trình đòi hỏi sự rèn luyện và trải nghiệm (dù thất bại hay thành công) để trẻ rút ra bài học và đúc rút kinh nghiệm cho chính mình.
Ví dụ, bạn dự đoán được điều gì có thể xảy ra nếu trẻ mang theo toàn bộ tiền tiêu vặt trong tuần của mình đến nhà trẻ. Nhưng nếu trẻ vẫn khăng khăng làm theo ý mình sau khi bạn cảnh báo con có thể làm mất tiền khi đi học, bạn hãy vẫn để trẻ mang đến trường. Miễn là việc này không phải là vấn đề liên quan đến sức khỏe hay sự an toàn của trẻ. Tất nhiên, không phải chúng ta không coi trọng giá trị của tiền bạc. Nhưng để giúp trẻ được trải nghiệm hậu quả từ quyết định của mình, đôi khi chúng ta phải trả giá và chịu một chút rủi ro.
Việc nhận thức được mình đã đưa ra một quyết định tồi tệ sẽ khiến trẻ học được cách xem xét hậu quả của quyết định hay lựa chọn mà mình thực hiện. Khi trẻ đi học về và lập tức khóc với bạn một cách đầy hối hận vì đã thực sự đánh mất tiền tiêu vặt của mình. Bạn có thể chắc chắn rằng trẻ sẽ không cố gắng phản đối lời khuyên hợp lý của bạn về việc để tiền ở nhà vào đợt nhận tiền tiêu vặt tiếp theo nữa. Đây là một bài học thực sự “đắt giá” với trẻ và bạn sẽ thấy nó rất đáng với những gì bạn cùng trẻ hy sinh.
Việc nhận thức được mình đã đưa ra một quyết định tồi tệ sẽ khiến trẻ học được cách xem xét hậu quả của quyết định hay lựa chọn mà mình thực hiện. Ảnh Internet
- Công nhận thành quả khi trẻ đưa ra một quyết định đúng đắn : Bất cứ khi nào trẻ đưa ra một quyết định đúng đắn về một vấn đề dù lớn hay nhỏ, quan trọng hay không, hãy cho trẻ biết bạn ghi nhận và đánh giá cao nó. Bạn không nhất thiết phải tổ chức một bữa tiệc để chúc mừng trẻ. Đơn giản hãy đập tay với trẻ, ôm trẻ, để lại một câu khen ngợi động viên trong hộp cơm trưa của con,…Điều này giúp trẻ biết được bạn công nhận sự nỗ lực của chúng. Cũng như bạn là người đồng hành đáng tin cậy trong suốt chặng đường rèn luyện của con.
Sự khích lệ về tinh thần này có giá trị rất lớn đối với trẻ trong việc tiếp tục cố gắng trong tương lai.
Khích lệ trẻ có giá trị rất lớn để trẻ tiếp tục cố gắng trong tương lai. Ảnh Internet
Cách dạy trẻ quyết định đúng là một việc rất quan trọng mà bạn nên thực hiện sớm nhất có thể. Đây là yếu tố nền tảng giúp trẻ xây dựng được tính độc lập và trở thành một con người tự tin trong tương lai. Việc này không những vô cùng hữu ích cho cuộc sống của trẻ mà còn cho cả cộng đồng xã hội mà con sống sau này. Vì vậy, bạn đừng chần chừ mà hãy bắt tay ngay vào công việc đòi hỏi đầy sự nỗ lực và kiên nhẫn này nhé.
Theo Parents & The Parent Cue