Ai cũng có lúc cảm thấy tức giận – tức giận là chuyện hết sức bình thường. Tức giận là một cảm xúc của con người, và chắc hẳn khi bạn là cha mẹ thì tần suất của việc tức giân sẽ tăng lên. Tất cả các bậc phụ huynh đều cảm thấy nóng nảy hơn ở một số giai đoạn nào đó. Nhưng nếu bạn thấy mình rất hay tức giận hoặc bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát bản thân khi giận dữ, thì hãy tham khảo bài viết dưới đây để có vài kỹ thuật quản lý cơn giận của mình nhé
Cơn tức giận của bố mẹ đôi khi làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ
Mục lục
“TỨC GIẬN” – Tốt hay xấu?
TẠI SAO ĐÔI KHI CHA MẸ CẢM THẤY TỨC GIẬN?
NHẬN DIỆN SỰ TỨC GIẬN
SUY NGHĨ TIÊU CỰC
CÁC BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐỂ QUẢN LÝ CƠN GIẬN
LÀM GƯƠNG CHO CON
PHẢI LÀM GÌ KHI BẠN KHÔNG KIỂM SOÁT TỐT CƠN GIẬN?
“TỨC GIẬN” – Tốt hay xấu?
Tức giận cũng có thể là một điều tốt. Đôi khi nó có thể cho bạn năng lượng để hoàn thành công việc hoặc bảo vệ những gì bạn tin tưởng. Cảm thấy tức giận và kiểm soát cơn giận của bạn theo những cách tích cực và lành mạnh cũng có thể cho bạn cơ hội để làm gương cho con. Ví dụ, khi bạn hít một vài hơi thở sâu hoặc bỏ đi thay vì ở lại và bùng nổ, bạn đang chỉ cho con cách hành xử như thế nào trong những trường hợp đó.
Nhưng tức giận cũng có thể là tiêu cực, đặc biệt là nếu nó xảy ra quá thường xuyên hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát. Mất bình tĩnh khi bạn giận dữ có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến xung đột với người khác. Khi bạn không cho mình thời gian để bình tĩnh lại, bạn có thể nói hoặc làm những điều không có lợi mà bạn rất khó để rút lại.
*Ở trong môi trường xung đột và la hét luôn khiến cho trẻ sợ hãi.
Nếu bạn cảm thấy khó kiểm soát bản thân khi bạn giận dữ, bạn nên trao đổi với chuyên gia y tế. Bạn có thể bắt đầu bằng cách gặp bác sĩ gia đình, người có thể giúp bạn lên kế hoạch kiểm soát cơn giận. Nếu bạn tức giận đến mức bạn cảm thấy mình có thể làm tổn thương con, hãy tìm sự giúp đỡ ngay lập tức.
TẠI SAO ĐÔI KHI CHA MẸ CẢM THẤY TỨC GIẬN?
Là cha mẹ, bạn có thể cùng lúc ĐẢM ĐƯƠNG ĐỦ THỨ VIỆC từ công việc, thời gian dành cho gia đình, việc nhà, các hoạt động của trẻ cho đến các hoạt động xã hội. Khi bận rộn và mệt mỏi, bạn rất dễ mất kiên nhẫn và tức giận khi bọn trẻ không hợp tác hoặc mọi thứ không đi theo đúng kế hoạch.
Đôi khi bạn có thể cảm thấy TỨC GIẬN HOẶC THẤT VỌNG VỚI NGƯỜI BẠN ĐỜI của mình, như bất đồng về cách nuôi dạy con cái, kỷ luật và phân chia việc nhà. Những mâu thuẫn kiểu này thậm chí có thể dẫn đến xung đột, đặc biệt là khi bạn kiệt sức hoặc không được ai hỗ trợ.
Đôi khi TRẺ TỨC GIẬN HAY THẤT VỌNG cũng có thể khiến bạn cảm thấy tức giận. Ví dụ, nếu con đang cáu và nói chuyện thô lỗ với bạn hoặc không làm theo ý bạn, bạn cũng dễ lây cơn giận của con. Bạn có thể nổi nóng lại với con trong lúc đó để rồi lại hối hận về sau.
Và có những NHÂN TỐ KHÁC có thể khiến bạn dễ tức giận hơn – như bệnh tật, căng thẳng trong công việc, khó khăn về tài chính, thiếu ngủ và không đủ thời gian cho bản thân. Đôi khi bạn có thể cảm thấy như bị đẩy đến tận cùng giới hạn.
Đối với một số người, việc nuôi dạy con cái cũng có thể làm tăng SỰ TỨC GIẬN CHƯA ĐƯỢC GIẢI TỎA HOẶC NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC TỪ THỜI THƠ ẤU của chính họ. Nếu bạn từng bị tổn thương, lạm dụng hoặc bỏ bê khi còn nhỏ, bạn có thể dễ phản ứng thái quá trong một số tình huống hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát bản thân khi bạn tức giận.
NHẬN DIỆN SỰ TỨC GIẬN
Có vẻ như những cơn giận trong bạn bùng nổ mà không báo trước, nhưng thực ra cơ thể bạn có thể đưa ra những tín hiệu sớm. Khi bạn có thể nhận ra những dấu hiệu này, bạn cũng có thể thực hiện các bước để ngăn cơn giận của bạn vượt khỏi tầm kiểm soát.
Dấu hiệu sớm của một cơn giận bao gồm:
• tim đập nhanh hơn
• bụng quặn lại
• kích động – căng thẳng hoặc cáu kỉnh
• thở nhanh hơn
• căng thẳng ở vai
• hàm và tay nắm chặt
• đổ mồ hôi.
SUY NGHĨ TIÊU CỰC
Khi bạn giận dữ, bạn rất dễ suy nghĩ tiêu cực. Nhưng điều này có thể làm cho cơn giận của bạn tệ hơn.
Ví dụ, bạn có thể đã có một ngày làm việc vất vả và cảm thấy căng thẳng. Khi bạn đón con đi học về, chúng bắt đầu cãi nhau dưới ghế sau, điều này khiến bạn cảm thấy vừa bực bội vừa căng thẳng. Tệ hơn, khi bạn về nhà, bọn trẻ không chịu lấy hộp cơm trưa ra và cất cặp đi khiến bạn càng thêm tức giận.
Dưới đây là một số suy nghĩ tiêu cực mà bạn có thể có trong tình huống này:
- Chẳng có ai giúp mình cả – Mình phải tự làm mọi thứ.
• Bọn trẻ thật nghịch ngợm.
• Nếu các con cư xử tốt hơn, mình đã không tức thế này.
• Tại sao bọn trẻ lại làm mình tức điên?
Nếu bạn nhận thấy những suy nghĩ như vậy, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần dừng lại và làm điều gì đó để hạ hỏa trước khi bạn mất bình tĩnh và bùng nổ.
CÁC BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐỂ QUẢN LÝ CƠN GIẬN
Bước 1: NHỮNG DẤU HIỆU CẢNH BÁO
Bước đầu tiên để kiểm soát cơn giận của bạn là chú ý những dấu hiệu sớm. Nhận biết và nói ra cảm xúc của mình là rất quan trọng, ngay cả khi bạn chỉ có một mình. Ví dụ: ‘Điều này đang khiến mình tức giận” hay “Mình đang cảm thấy cáu tiết ở đây.”
Bước 2: HẠ HỎA
Một khi bạn nhận thấy những dấu hiệu sớm của sự tức giận, bạn có thể làm một vài việc để bình tĩnh lại. Dưới đây là một số gợi ý:
• Hít một hơi thật lớn và thở dài. Cố gắng làm chậm nhịp thở của bạn.
• Làm điều gì đó giúp xoa dịu bạn, như nghe vài bản nhạc, lướt qua tạp chí hoặc chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ.
• Ra ngoài chạy bộ hoặc đi bộ.
• Tắm nước ấm.
• Đi đâu đó yên tĩnh trong vài phút.
Các dấu hiệu cho thấy bạn đang bình tĩnh lại là nhịp tim chậm lại và các cơ đnag giãn ra.
Bước 3: SUY XÉT TÌNH HÌNH
Nếu bạn cảm thấy đã bình tĩnh lại, có lẽ nên suy nghĩ lại về tình huống này, về những gì vừa xảy ra. Điều này có thể giúp bạn rút ra kinh nghiệm và xử lý các tình huống tương tự tốt hơn trong tương lai. Bạn hãy tự hỏi:
• Chuyện này quan trọng tới mức nào? Tại sao mình lại buồn về điều đó?
• Mình muốn giải quyết tình huống này như thế nào?
• Mình có cần phải làm gì đó về chuyện này không, hay mình cứ kệ nó đi?
Một ý tưởng tuyệt vời là chia sẻ với chồng hoặc con bạn về cảm xúc của bạn và những gì bạn làm. Đó cũng là cách để chỉ cho họ một cách tốt hơn để kiểm soát cơn giận. Ví dụ, ‘Mẹ đang thấy rất giận. Mẹ cần ra ngoài một phút để bình tĩnh lại trước khi chúng ta nói về điều này.”
LÀM GƯƠNG CHO CON
Nói xin lỗi vì đã tức giận gửi đi thông điệp rằng cảm xúc tức giận là không tốt. Nhưng những cảm xúc tức giận là bình thường – chỉ không bình thường nếu bạn cứ hét lên.
Vì vậy, tốt hơn là bạn có thể nói xin lỗi vì đã la hét hoặc mất bình tĩnh. Điều này giúp trẻ hiểu rằng đôi khi cảm thấy tức giận là chuyện bình thường. Điều quan trọng là tìm ra những cách lành mạnh để xử lý cơn giận.
PHẢI LÀM GÌ KHI BẠN KHÔNG KIỂM SOÁT TỐT CƠN GIẬN?
Không phải lúc nào bạn cũng kiểm soát cơn giận tốt được, đôi lúc bạn la hét hoặc nói những điều tổn thương rồi sau đó hối tiếc. Điều này là bình thường.
Khi chuyện này xảy ra, bạn nên dành một chút thời gian để suy nghĩ xem mình cần nói gì với con hoặc chồng bạn. Dưới đây là một số ý tưởng:
- Mẹ xin lỗi vì mất bình tĩnh. Lần sau mẹ sẽ ra chỗ khác để bình tĩnh đã.
- Mẹ xin lỗi vì đã hét lên. Chúng ta có thể nói chuyện về những gì vừa xảy ra không?
- Mẹ xin lỗi. Mẹ không nên nói điều đó, mặc dù mẹ rất tức giận. Lẽ ra mẹ nên đi ra chỗ khác và bình tĩnh lại trước khi chúng ta nói về chuyện đó.
Cảm xúc tích tụ lại mỗi ngày khi bạn mệt mỏi và căng thẳng. Chăm sóc bản thân mình có thể giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn và có thể giải quyết vấn đề tốt hơn với con cái cũng như chồng/vợ, gia đình và bạn bè của bạn.