Giao tiếp với ai cũng đều quan trọng cả. Thông thường, khi nói đến giao tiếp, mọi người thường nghĩ ngay đến các mối quan hệ như bạn bè, thầy cô, người lớn tuổi hơn, đồng nghiệp, sếp… Vì thế, việc giao tiếp, trò chuyện với con thường bị xem nhẹ, thậm chí nhiều khi còn bị bỏ qua. Khi nói đến trò chuyện, mọi người thường hiểu đến việc trò chuyện với thế giới bên ngoài mà quên mất rằng chồng mình, vợ mình, con mình chính là những người thân thiết với ta nhất. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra cách trò chuyện với con hiệu quả mầ cha mẹ nên biết.
Mục lục
1. Hạn chế quát mắng con
2. Đảm bảo con nghe rõ những gì mình yêu cầu
3. Nói chuyện với con bằng yêu thương
4. Làm bạn với con
5. Bạn không thể ra lệnh cho con, nhưng có thể thuyết phục được con bằng trò chuyện
1. Hạn chế quát mắng con
Bạn có thấy rằng con mình chính là người mình hay quát mắng nhiều nhất không. Vì sao vậy? Là một người mẹ, mình cũng hiểu rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến cha mẹ thường xuyên quát con. Ví dụ như cha mẹ cả ngày đi làm về mệt mỏi, đứa con cứ sà vào hỏi nọ hỏi kia, đòi cái này hay cái khác khiến cha mẹ đã mệt lại càng thêm mệt. Dường như khi đó quát là cách nhanh nhất để chấm dứt việc hỏi han của đứa trẻ.
Hoặc cũng có khi việc quát mắng con đến từ những việc nhỏ nhặt nhất như con học bài không tập trung, con ngủ dậy muộn, con lười tắm, lười đánh răng. Cha mẹ nói nhẹ nhàng không được, đứa trẻ vẫn không nghe, vậy là cha mẹ phải quát lên để đứa bé nghe lời làm theo.
Nhưng hãy suy nghĩ xem: thực tế khi con bạn không nghe lời bạn và bạn quát. Nhưng nếu bạn bè, đồng nghiệp không nghe lời bạn, bạn có quát họ như vậy không? Hãy công bằng một chút đi. Hãy nghĩ rằng việc con bạn không nghe lời bạn và những người khác không nghe lời bạn cần được bạn đối xử như nhau. Hãy tìm cách thuyết phục con mà không phải quát mắng.
Để hạn chế quát mắng con, bạn cần tìm cách kiềm chế cơn giận. Học cách kiềm chế cơn giận thực ra không hề khó đâu. Khi cảm thấy mình bực tức, chuẩn bị quát con, hãy quay đi chỗ khác, làm việc khác nếu việc yêu cầu đứa trẻ làm việc này, việc kia không quá gấp gáp ngay lúc ấy. Việc này giúp bạn có đủ thời gian và bình tĩnh để xử lý vấn đề sáng suốt hơn.
2. Đảm bảo con nghe rõ những gì mình yêu cầu
Có rất nhiều bé đang mải chơi với bạn bè, nhất là mải xem ti vi, điện thoại, máy tính. Lúc đó, khi bạn yêu cầu bé tạm thời dừng lại để làm việc gì đó, bé có thể sẽ không để ý đến những gì bạn nói đâu. Lúc đó, bạn cần đến bên con, nói với con và đảm bảo rằng con nghe được những gì bạn nói.
Để ý mà xem, cũng có những lúc bạn mải tán gẫu với bạn bè, con bạn đòi bạn một cái gì đó, đôi khi bạn cũng không để ý và con phải nói nhiều lần. Vì vậy, khi bé đang mải mê thứ gì đó, đừng đứng từ xa gọi, hãy lại gần con, bé sẽ hiểu và tạm dừng gác cuộc chơi để làm theo ý cha mẹ.
3. Nói chuyện với con bằng yêu thương
Nói chuyện với con bằng yêu thương, nghĩa là bạn dùng ngôn ngữ bằng các hành động, cụ thể của mình. Có rất nhiều bà mẹ làm được việc này một cách thường xuyên khi con còn nhỏ. Ví dụ như ôm con vào lòng, cho con ngồi trên đùi và nói những lời dịu dàng nhất như: mẹ yêu con; mẹ yêu con rất nhiều; con yêu quý của mẹ… Đứa con nào cũng sẽ cảm thấy thật tuyệt vời, thấy được che chở bởi một người lớn hơn và rất thân thiết là cha mẹ của mình.
Khi nói chuyện với con bằng yêu thương, bạn cũng không nhất thiết phải nói nhiều đâu. Chỉ cần nói những câu ngắn gọn, kết hợp với những cái ôm, bé sẽ hiểu được và cũng yêu thương lại bố mẹ nhiều hơn. Ngôn ngữ kết hợp với những cử chỉ cụ thể là sự kết tinh tuyệt vời để thể hiện tình yêu thương của bố mẹ.
Đặc biệt cách này rất hữu hiệu để an ủi bé khi bé buồn. Ví dụ như khi bé bị điểm kém, bé bị mất đồ chơi bé yêu thích, bé bị ngã… Lúc đó, tình cảm yêu thương sẽ xoa dịu bé. Bé sẽ vui trở lại.
Hãy trò chuyện với con nhiều hơn nhé
4. Làm bạn với con
Làm bạn với con quan trọng lắm đó, với mọi lứa tuổi, mọi giai đoạn từ khi con lọt lòng đến khi con khôn lớn trưởng thành. Giai đoạn bạn dễ dàng làm bạn với con nhất là thời gian con từ 3-5 tuổi. Khi đó, con luôn quấn quýt bố mẹ. Bạn đi đâu cũng cho con đi theo vì con đã biết đi, biết nói, biết tự vệ sinh cá nhân. Bạn còn có thể dễ dàng cùng con chơi các trò chơi trẻ em như xúc cát, bắn bi, nhảy dây, ô ăn quan, cá ngựa..
Vậy khi con còn bé, giai đoạn từ 0-3 tuổi, bạn làm bạn với con như thế nào? Hãy kết hợp giữa việc chăm cho con ăn, ngủ, mặc và trò chuyện với con. Bạn có thể nói những câu hài hước để bé cười làm cả bạn và bé đều vui.
Đặc biệt, khi con bước vào lứa tuổi dậy thì, bạn cần học nhiều kỹ năng hơn nữa để trò chuyện với con. Lứa tuổi này đang chập chững bước ra cuộc sống, thường thích chơi với bạn bè nhiều hơn, ít khi tâm sự trò chuyện với bố mẹ. Vì vậy, mỗi lần bạn nói chuyện với con hãy dùng những từ ngữ, ngôn ngữ như một người bạn thân thiết. Đừng tỏ vẻ ta đây là cha mẹ, nuôi con ăn học thì có nhiều quyền lực. Nếu như vậy, bé sẽ không muốn nói chuyện với bạn nữa đâu, thậm chí còn tỏ vẻ khó chịu là đằng khác.
5. Bạn không thể ra lệnh cho con, nhưng có thể thuyết phục được con bằng trò chuyện
Nếu bạn coi con là đối tác, bạn sẽ thấy rằng bạn chẳng thể ra lệnh được cho con là điều hiển nhiên. Bạn có bao giờ ra lệnh cho đối tác, đồng nghiệp làm việc gì đó mà họ không muốn hay không. Thậm chí khi bạn là sếp, nhân viên của bạn đôi khi cũng vẫn phản biện những ý kiến của bạn kia mà.
Thay vì ra lệnh cho con, bạn hãy tìm cách trò chuyện thân mật để thuyết phục con. Ví dụ như con bạn đang học lớp 3, hôm nay về trò chuyện với bạn là: “Mẹ ơi, con thích bạn A, bạn ấy vừa đẹp trai, học giỏi lại ga lăng nữa”. Trời ơi, con bạn đang nói gì vậy, lại còn bảo là bạn “ga lăng”, không biết nó học được ở đâu vậy. Nếu bạn có ý nghĩ bất chợt như vậy trong đầu, đừng vội mở mồm những câu kiểu như: bé tí vài tuổi ranh mà yêu với chả thích, lo mà học đi.
Nếu bạn trò chuyện với con theo cách bột phát như vậy, sẽ không có lần thứ hai con kể chuyện này chuyện kia cho bạn đâu. Bạn cũng sẽ không thể tiếp cận được thế giới của bé nữa. Với trường hợp trên, bạn có thể bình tĩnh gợi mở để con kể chuyện sâu hơn. Ví dụ như: Thế à, thế bạn ấy có nói chuyện gì với con không? Con định làm gì để tiếp cận bạn ấy?… Khi con đưa ra một vài suy nghĩ, bạn có thể vừa đồng tình kiểu gật gù rồi nói thêm những câu có vẻ hợp lý kiểu như: Con thấy không, con thích bạn ấy vì bạn ấy học giỏi. Nếu con cũng học giỏi thì chắc bạn ấy cũng sẽ thích con đó, vì như vậy con và bạn ấy có nhiều cơ hội để trao đổi các bài tập với nhau…