Cách xử lý trẻ nói dối thế nào hiệu quả?
Khi phát hiện trẻ nói dối, không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng vì điều này có thể hình thành thói quen xấu ở trẻ. Do đó, bố mẹ cần biết cách xử lý trẻ nói dối để ngăn chặn thói quen không tốt này.
Khi một người nói dối, lúc nào họ cũng sống trong nỗi sợ hãi, lo lắng để tìm mọi cách che giấu sự thật. Họ dường như không được vui vẻ, thoải mái và tận hưởng cuộc sống. Do đó, khi trẻ bắt đầu có những biểu hiện của sự nói dối, bạn nên tìm cách dạy con, ngăn cho trẻ không tái diễn việc nói dối. Tuy nhiên, việc làm này không phải dễ. Hãy để Hello Bacsi mách nước cho bạn nhé.
1. Hãy bình tĩnh
Dù không ai khuyến khích việc nói dối, thậm chí là thất vọng với câu chuyện mà bé bịa đặt, nhưng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là tha thứ cho bé. Tuy nhiên, những lời nói dối là bằng chứng của việc bé đang học tập giữa điều tốt và xấu, lương tâm bé đang phát triển và bé ngày càng hiểu rõ sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng.
2. Tìm lý do bé nói dối
Trẻ thường nói dối để che giấu những nguyên nhân sau:
- Sợ bị phạt: Phần lớn các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng trẻ không nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của việc nói dối. Trên thực tế, trẻ nói dối vì sợ nếu nói thật sẽ bị phạt hoặc đánh đòn nên phải ngụy tạo lời nói để bảo vệ bản thân.
- Ép buộc: Bố mẹ càng đe dọa để trẻ nói ra sự thật, bé sẽ hoảng loạn mà chọn cách nói dối. Nếu gặp phải tình huống này, hãy cho trẻ chút thời gian bình tâm và trẻ sẽ nói ra sự thật khi đã sẵn sàng.
- Để làm bố mẹ vui: Một nhà tâm lý học đã phát hiện rằng những đứa trẻ dưới bốn tuổi thường phán đoán hành vi ngôn ngữ của mình đúng hay sai đều dựa trên phản ứng của bố mẹ. Để không làm bố mẹ giận, phản ứng bản năng nhất của chúng là không thừa nhận hành động sai trái do mình gây ra.
- Thiếu cảm giác an toàn: Tất cả trẻ nói dối thường do không tin tưởng vào bố mẹ. Nếu bố mẹ có thể cho trẻ cảm giác an toàn đầy đủ, trẻ sẽ trở nên thành thật.
- Áp lực tâm lý: Bố mẹ đặt hy vọng quá cao ở trẻ mà không biết rằng mình đang gây cho trẻ áp lực lớn, từ đó trẻ phải nói dối để là vui lòng bố mẹ. Để tránh phải tình trạng này, bố mẹ chỉ đặt kỳ vọng ở mức độ hợp lý, không nên quá hão huyền, ép chúng làm những việc vượt quá khả năng của chúng.
- Muốn được khen ngợi: Nếu bé thích bịa ra nhiều câu chuyện khác nhau thì bé có thể muốn cảm thấy mình quan trọng và được đánh giá cao. Trong trường hợp đó, bạn có thể ngăn chặn việc nói dối bằng cách khen tặng bé bất cứ khi nào bé nỗ lực làm tốt công việc nào đó.
3. Không buộc tội
Giảm nhẹ lời trách mắng sẽ khuyến khích trẻ thú nhận sự việc nhanh hơn và không cố gắng chối tội trước mặt bố mẹ.
4. Không gọi trẻ là “kẻ dối trá”
Khi bị gán mác là “kẻ dối trá”, trẻ sẽ tổn thương lòng tự trọng. Hơn nữa, trẻ sẽ càng tiếp tục nói dối nhằm phản kháng lại cách bố mẹ đối xử với mình. Do đó, bạn cần cẩn thận hơn trong từng lời nói và hành động khi xử lý tình huống nói dối của trẻ. Nếu bạn không muốn con tự dằn vặt bản thân, bạn đừng nên nói đi nói lại lỗi lầm trẻ gây ra.
5. Xây dựng tấm gương tốt
Với trẻ hay nói dối, việc uy hiếp hoặc ép buộc chúng thừa nhận có thể không hiệu quả. Tốt nhất, bố mẹ nên dành thời gian, bình tĩnh và nghiêm túc nói chuyện với trẻ.
Sau khi trẻ thừa nhận lỗi lầm, bố mẹ nhất định phải biểu dương những biểu hiện thành thật của trẻ bằng những câu nói chẳng hạn như: “Mặc dù mẹ không hài lòng là con đã làm sai nhưng may là con đã nói ra sự thật. Mẹ rất vui vì sự thành thật của con”. Mọi hành động và lời nói của bố mẹ đều ảnh hưởng đến bé. Do đó, bạn hãy là tấm gương tốt cho con.
Việc nói dối dù mang ý tốt hay xấu đều có thể tạo thành thói quen không tốt cho trẻ. Khi đã trở thành thói quen, trẻ sẽ khó từ bỏ. Ban đầu, trẻ sẽ nói dối những việc nhỏ, nhưng sau đó, việc nói dối sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của trẻ. Vì vậy, bố mẹ không được nói dối trước mặt trẻ, đối xử với người khác chân thành để trẻ học cách trở thành người thẳng thắn nhé!