Có nhiều lý do khiến trẻ bướng bỉnh, nhưng phổ biến nhất là trẻ cảm thấy buồn chán. Vậy cha mẹ cần dạy con như thế nào để trẻ nghe lời?
Trẻ nhận ra rằng hành vi của mình có tác dụng, nhất là nếu trẻ nhận được điều mình muốn bằng hành vi bướng bỉnh đó. Đôi khi ham muốn quyền lực cũng là lý do trẻ ngang bướng vì đây là cách để trẻ chiếm được và khẳng định quyền kiểm soát. Do đó cha mẹ cần biết cách đối phó, xử lý những hành động bướng bỉnh của trẻ theo cách đúng đắn. Dưới đây là một số mẹo dạy con để cha mẹ ngăn chặn trẻ bướng bỉnh mà không cần la mắng nặng lời.
1. Mẹo dạy con: Chỉ cho con cách tiếp cận tình huống bình tĩnh hơn
Trẻ con thường thích bắt chước bố mẹ, vì vậy chúng ta nên làm gương cho hành vi của con bằng cách dạy con bình tĩnh.
Nếu trẻ quấy khóc và bạn la mắng trẻ, thì trẻ sẽ cho rằng la hét là chuyện bình thường.
Vậy nên thay vì la hét, hãy chỉ cho trẻ cách khác để đối phó với cảm xúc của mình.
2. Đưa ra các lựa chọn cho trẻ quyết định việc mình muốn làm
Việc cho trẻ tự chọn sẽ giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu được quyền kiểm soát. Vì vậy, nếu trẻ phải dọn đồ chơi và đánh răng, hãy hỏi trẻ muốn làm gì trước.
3. Mẹo dạy con khi con ngang bướng: Mang theo đồ ăn vặt
Hành vi xấu hoặc thái độ không tốt ở trẻ thường là do đói, vì vậy nếu bạn và con đang ở ngoài, mang theo đồ ăn nhẹ có thể giúp bạn tránh được cơn giận dữ của trẻ, giúp con có tâm trạng vui vẻ.
4. Giúp con nhận thức về những hậu quả có thể xảy ra
“Bố nói thì phải nghe” không phải lý do chính đáng bạn nên dùng khi trẻ hỏi lý do vì sao không được làm gì.
Hãy luôn cố gắng trao đổi với trẻ và giải thích cho trẻ điều gì có thể xảy ra nếu trẻ làm sai và tại sao trẻ không nên làm vậy.
Hãy giúp trẻ nhận thức được những hậu quả mà hành động của con có thể gây ra, để trẻ có thể học hỏi và đưa ra quyết định tốt hơn cho mình sau này.
5. Tạo thời gian biểu cho trẻ tuân theo và trao thưởng khi hoàn thành
Điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt như không xem TV sau một thời gian nhất định, dọn dẹp bát đĩa, đánh răng và đi ngủ vào giờ thích hợp.
Bạn có thể lập thời gian biểu cho ngày, cho tuần, thậm chí cho tháng. Nói với con rằng nếu con hoàn thành trong 1 tháng (hoặc 1- 2 tuần) thì con có thể nhận được một số phần thưởng do con tự chọn.
6. Đưa ra hậu quả hợp lý nếu con vi phạm quy tắc
Những hậu quả hợp lý gắn liền với hành động cụ thể.
Ví dụ nếu trẻ không muốn ăn cơm thì không cho trẻ ăn tráng miệng. Hoặc nếu trẻ không chịu nhặt đồ chơi thì trẻ sẽ không được chơi đồ chơi một ngày.
Nên tránh những hậu quả không hợp lý, ví dụ nếu con không chịu ăn cơm thì đừng cấm con xem TV hay dọn nhà.
7. Chuyển hướng sự chú ý của trẻ
Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, đôi khi trẻ có thể cư xử sai vì chúng cảm thấy buồn chán hoặc không biết gì làm gì khác.
Vì vậy, hãy tìm cho trẻ một việc gì đó để làm và giải trí để chuyển hướng sự chú ý của trẻ đến một điều gì đó tốt hơn là việc bướng bỉnh, quấy khóc.
8. Hỏi ý kiến và giải pháp của con về các vấn đề
Hãy hỏi trẻ có vấn đề gì không hoặc có điều gì khiến trẻ phiền lòng hay không. Nếu có điều gì không ổn và con nói cho bạn biết thì hãy ngồi thảo luận cùng con.
Hãy hỏi ý kiến của con xem con nghĩ nên làm gì để khắc phục vấn đề. Nếu con không có câu trả lời, hãy giúp đỡ con, nhưng điều quan trọng là khiến trẻ cảm thấy trẻ đang tự giải quyết được vấn đề.
Đừng quên chúc mừng và động viên trẻ.
9. Thừa nhận cảm xúc của trẻ và giúp trẻ đối phó cảm xúc
Thay vì hành động như thể trẻ hư hoặc bướng bỉnh, bạn có thể cho trẻ thấy rằng bạn hiểu cảm xúc của con.
Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong hành vi của trẻ nên bạn cần thừa nhận những cảm xúc đó.
Ví dụ: “Mẹ biết con thất vọng vì hôm nay chúng ta không thể ra biển, nhưng thời tiết hôm nay không tốt. Chúng ta hãy làm gì khác để bù lại nhé”.