Bé đã lớn và hoàn toàn có thể chuyển sang dùng đũa trong bữa ăn nếu bố mẹ làm đúng theo các bước hướng dẫn cơ bản cách dạy bé dùng đũa dưới đây.
Muốn con sớm tự lập, cha mẹ hãy dạy con từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày, trong đó có việc cầm đũa. Đối với trẻ em khu vực châu Á thì việc cha mẹ dạy bé dùng đũa để gắp thức ăn được xem là một cột mốc quan trọng. Bé học cách sử dụng đũa không chỉ làm cho bữa ăn thú vị hơn mà còn giúp trẻ phát triển kĩ năng vận động các khớp ngón tay, sự phối hợp tay mắt linh hoạt hơn, và thậm chí là giúp trẻ viết chữ tốt hơn sau này.
Đối với trẻ em khu vực châu Á thì việc cha mẹ dạy bé cách cầm đũa để gắp thức ăn được xem là một cột mốc quan trọng (Ảnh minh họa)
Một số trẻ sẽ học và biết cầm đũa khá nhanh, nhưng cũng có trẻ cần thực hành lâu hơn mới điều khiển được đôi đũa trong tay. Điều quan trọng là cha mẹ cần bình tĩnh đồng thời làm cho nó trở thành một hoạt động vui nhộn, thu hút trẻ bằng cách làm theo một số bước đơn giản sau đây:
Bước 1: Hướng dẫn bé định vị chắc chắn các que đũa trong tay
Mẹ có thể gợi ý cho bé cách giữ chặt để đũa không bị rơi ra giống như cách cầm một chiếc bút chì. Đặt đôi đũa vào giữa ngón tay cái và ngón giữa của trẻ. Lưu ý nhắc bé không cầm đũa ở vị trí quá gần đầu gắp thức ăn mà cầm cách xa phần đầu đũa một khoảng vừa đủ.
Bước 2: Khum tay, dùng ngón giữa để làm trụ
Ngón tay giữa sẽ đóng vai trò là "mỏ neo" để giữ các que đũa ở đúng vị trí và sẵn sàng cho việc di chuyển. Hãy đảm bảo ngón giữa của trẻ đặt giữa vị trí hai chiếc đũa. Cha mẹ hãy nhắc bé nới lỏng tay, không cần ghì mạnh hay gồng tay để giữ. Cầm đũa là sự phối hợp linh hoạt chứ không phải cứng nhắc.
Bước 3: Di chuyển đũa lên xuống bằng cách sử dụng ngón cái và ngón trỏ
Cha mẹ tập cho bé cách di chuyển các que đũa lên xuống nhịp nhàng bằng ngón tay cái và ngón trỏ để gắp thức ăn. Tập cho trẻ một loạt các chuyển động nhỏ cho đến khi trẻ di chuyển được đũa.
Bước 4: Gắp thức ăn
Khi trẻ đã làm chủ được thao tác di chuyển đũa lên xuống và không bị rơi đũa, mẹ bắt đầu cho bé luyện tập cách gắp và giữ thức ăn. Ban đầu hãy để trẻ dùng đũa gắp những miếng thức ăn lớn trước như thịt, rau, sau đó mới chuyển sang các loại thực phẩm nhỏ hơn như sợi mì, bún, hạt lạc.
Bước 5: Tập luyện và thưởng thức bữa ăn bằng đũa
Cách duy nhất để tạo hứng thú cho trẻ chính là để trẻ được thưởng thức bữa ăn bằng đôi đũa trong tay trẻ. Đây cũng là cách tập luyện tốt nhất để giúp trẻ thành thục kĩ năng này.
Tuy nhiên, cha mẹ hãy kiên nhẫn vì trẻ có thể làm rớt thức ăn ra ngoài và điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Khi dạy bé dùng đũa, mẹ lưu ý một số điều sau:
Sự kiên nhẫn và hướng dẫn tỉ mỉ của cha mẹ sẽ giúp bé cầm đũa thành công (Ảnh minh họa)
- Chọn loại đũa phù hợp với bàn tay nhỏ của trẻ để trẻ dễ dàng điều khiển và cầm nắm.
- Nhắc trẻ không sử dụng đũa để chọc hay trêu đùa khi ăn vì có thể gây nguy hiểm.
- Cỗ vũ, động viên trẻ mỗi khi trẻ cầm đũa đúng cách và có thao tác đúng.
- Bổ sung thêm một số dụng cụ hấp dẫn và kích thích bé như bát đũa có hình con vật hay nhân vật hoạt hình trẻ yêu thích, sáng tạo món ăn hấp dẫn để thu hút trẻ cầm đũa gắp.
- Kiên nhẫn và bình tĩnh, hướng dẫn lại bé các thao tác nếu bé cầm sai và gắp trượt.
Một cách tự chế tạo đôi đũa tập gắp dễ dàng cho bé (Ảnh minh họa).
Cha mẹ hãy nhớ không có độ tuổi nào chính xác bắt buộc trẻ phải biết dùng đũa, cha mẹ hãy tự quan sát và phán đoán xem con mình đã sẵn sàng cả về tâm lý và thể chất để cầm đũa hay chưa. Giúp trẻ nắm vững nghệ thuật dùng đũa không phải là một công việc khó khăn nhưng cũng rất cần sự tinh tế và nhạy bén của các cha mẹ để giúp bé cầm đũa thành công.