Thông qua những quy tắc lịch sự khi ăn uống, bé có thể rèn luyện cho bản thân mình tính kỷ luật, ngăn nắp sau này.
Dạy bé lịch sự trên bàn ăn
- Tư thế trên bàn ăn: Hướng dẫn để bé ngồi thẳng lưng; không nghiêng ngả khi muốn xúc thức ăn. Cũng không nên xây dựng cho bé thói quen vừa ngồi ăn vừa dựa lưng vào cha mẹ.
- Làm gương cho bé: Nếu muốn bé làm đúng, trước tiên, bạn nên làm gương cho bé bắt chước theo. Nên hướng dẫn cụ thể thay vì nói chung chung. Bé sẽ không hiểu được nếu bạn nói "Con phải ăn uống lịch sự". Vì vậy, bạn nên chỉ rõ cho bé biết cách cầm thìa hoặc cách xúc, nhai thức ăn thế nào là hợp lý.
Ảnh minh họa.
- Mẹo trò chuyện trong bữa ăn:Có thể áp dụng mẹo nhỏ sau, đặt một cái khăn nhỏ lên bàn ăn và chuyền vòng quanh lần lượt cho các thành viên khác trong gia đình theo nguyên tắc, chiếc khăn đến chỗ của ai thì người đó được quyền nói mà không sợ bị người khác cướp lời.
Đây là một cách rất cụ thể để áp dụng đối với cả các bé nhỏ hơn để bé tập nghe, tập nói về những việc làm trong ngày và thể hiện sự tôn trọng đối với người khác.
- Không nên trách mắng quá nhiều khi ăn: Việc cáu giận của bạn trên bàn ăn chỉ khiến bé bị ức chế tâm lý, không ngon miệng và khó hấp thụ dưỡng chất. Bạn chỉ nên nhắc nhở bé trong những tình huống thật sự cần thiết bằng thái độ nhẹ nhàng. Dù có tức giận bé đến mấy, bạn cũng nên đợi đến khi cả nhà ăn uống xong.
- Phớt lờ khi bé ăn vạ: Bé đòi đồ ăn này hoặc đồ ăn khác, nếu bạn càng quan tâm, hỏi han, bé sẽ càng được thể vòi vĩnh hơn. Chỉ nên nhắc bé tập trung ăn uống. Tiếp đến, bạn thử phớt lờ đòi hỏi của bé. Khi ấy, bé sẽ tự động bình tĩnh lại và bớt mè nheo đi.
- Lịch sự khi ăn uống bên ngoài: Mỗi tuần, bạn có thể thử cho cả nhà ăn mặc chỉnh tề khi ra ngoài ăn uống. Khi ấy, bé sẽ bỡ ngỡ hơn khi phải đi dự tiệc thật ở bên ngoài sau này.
Chú ý, chọn những nhà hàng sạch sẽ, vệ sinh. Bạn có thể chỉ dẫn cho bé cách gọi món, cách ăn uống văn minh ở nơi đông người.
- Tiết kiệm: Trước hết, bạn có thể dạy bé biết cách tiết kiệm những điều nhỏ nhặt nhất như thức ăn thừa. Nói với bé không nên bỏ thừa thức ăn, chỉ nên xúc vào bát bé từng chút đồ ăn một và nên cố gắng ăn hết. Nếu không dạy bé tính cách tiết kiệm ngày từ bây giờ thì sau này lớn lên, bé sẽ tiêu xài hoang phí và không biết trân trọng những giá trị vật chất trong gia đình mình.
Giúp bé thích thú khi ăn uống
- Rủ bé cùng đi chợ: Đây là cơ hội tốt để cho bé nhận biết được các loại thực phẩm, rau quả khác nhau. Bạn cũng có thể dạy cho bé cách chọn lựa hoa quả hay những loại rau xanh bé ưa thích. Bạn hãy cố gắng thực hiện nguyên tắc "mùa nào thức nấy". Điều này tiện cho việc làm đa dạng thực đơn và bé sẽ không chán vì được thay đổi khẩu vị.
-Rủ bé cùng tham gia nấu các món ăn với bạn. Bé sẽ hào hứng, vui vẻ với đồ ăn. Sau đó, việc ăn uống đối với bé không phải là bị ép buộc nữa mà trở thành niềm thích thú.
Việc trang trí các món ăn một cách có thẩm mỹ cũng sẽ làm cho bữa ăn trở nên vô cùng hấp dẫn và thu hút. Hãy cùng ăn tối một cách vui vẻ và thư giãn, lắng nghe bé kể những câu chuyện ở lớp mẫu giáo.
- Khích lệ bé biết cách nói lên ý kiến của mình về các loại thức ăn. Bạn nên dạy bé biết cách phân biệt: món này cay, món kia ngọt... hoặc để bé được nói "con thích" hay "con không thích".
- Dạy bé làm quen với các vị mới. Các bé đều thích những món ăn có vị ngọt hơn các món khác. Tuy nhiên, bạn nên hướng sự chú ý của bé vào các hương vị khác nhau. Hãy để bé được "khám phá" các món ăn mới một cách tự nhiên nhất (không nên ép buộc bé). Kiên trì giúp bé thử thức ăn mới vào nhiều lần sau đó.
Trong khoảng từ 4 đến 7 tuổi bé cần 4-5 lần để quen với 1 vị mới. Bạn thử thay đổi thói quen vào bữa tối cuối tuần như thay món hàng ngày bằng những món bất ngờ nào đó. Bé sẽ hứng thú đựơc chuẩn bị bữa ăn sáng tạo cùng bạn.
- Nên dự trữ những loại sữa chua, hoa quả tươi trong tủ lạnh để bé có thói quen sử dụng những loại thực phẩm an toàn cho sức khỏe thay vì bạn để kem, các loại bánh ngọt hoặc nước hoa quả.
Theo Giadinh.net