Không bao giờ là quá sớm khi phụ huynh dạy con biết cách cư xử đẹp ở nơi công cộng. Bởi, điều đó sẽ giúp con khôn lớn từng ngày.
Hòa đồng với bạn cùng trang lứa giúp trẻ tự tin nơi công cộng. Ảnh minh họa
Trước khi biết ứng xử nơi công cộng, trẻ cần hiểu cách giao tiếp, cũng như có hành động đúng mực trong gia đình. Khi con đã thực hiện đúng nguyên tắc trong nhà, cha mẹ cần chia sẻ để trẻ làm điều tương tự ở nơi công cộng.
Chỉ sợ... quá muộn
Có thể cha mẹ đã thành công với việc nuôi dạy con ứng xử và giao tiếp trong gia đình. Tuy nhiên, khi ra ngoài xã hội, đến những nơi công cộng, trẻ cần được dạy nhiều hơn thế để có được lối sống văn minh và phù hợp với cộng đồng.
Thực tế, ở những nơi công cộng, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ la khóc, trêu chọc, chỉ trỏ người lạ... Thậm chí, nhiều trẻ lục lọi, phá phách đồ của người khác ở nơi đông người… Những hành động không đúng mực này của trẻ sẽ gây ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Từ đó, khiến những người gần đó cảm thấy khó chịu. Thậm chí, ngay chính cha mẹ trẻ cũng bực bội, cáu gắt.
Trái lại, một số ông bố, bà mẹ “tặc lưỡi” và cho rằng, chuyện con quậy phá ở nơi đông người là... hết sức bình thường. Những phụ huynh này thường “vin” vào cái cớ cho rằng, con họ còn nhỏ nên không hiểu chuyện. Liệu, với lý lẽ như vậy, khi nào mới là thời điểm “thích hợp” để có thể dạy trẻ cách ứng xử văn minh nơi công cộng? Thực tế, các chuyên gia nhấn mạnh, không bao giờ là quá sớm trong việc dạy con, mà chỉ sợ... quá muộn.
Chị Thanh Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ từng “muối mặt” bởi cách ứng xử ở nơi công cộng của con. Bé Gấu nhà chị Hoa năm nay đã 4 tuổi, nhưng không ít lần có hành vi thiếu văn minh khi ở nơi đông người. Chị Hoa kể, có lần, cha mẹ đưa Gấu đi ăn với người quen của gia đình. Tuy nhiên, do không “ưng” địa điểm đó, vừa ngồi xuống, Gấu… tát mẹ “bôm bốp”. Giật mình vì hành động của con, chị Hoa quát thì Gấu khóc òa lên đòi đi về.
“Vậy là vợ chồng tôi vừa bực, vừa xấu hổ, không thể lấy lại tinh thần để tiếp tục ngồi ăn. Chúng tôi đã quyết định đưa con về nhà sớm. Sau lần đó, mỗi khi gặp bạn bè hay họ hàng, tôi hạn chế đưa con theo và gửi bé nhờ ông bà chăm”, chị Hoa kể.
Không khác chị Hoa, chị Kim Loan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng từng không biết “giấu mặt đi đâu” vì hành động của con.
“Khi tới đám cưới một người bạn, tôi đã chuyện trò, chụp ảnh với người xung quanh. Tuy nhiên, bé Chíp nhà tôi không vừa lòng khi thấy mẹ phớt lờ mình. Và thế là, con bé nằm lăn ra sàn nhà gào khóc. Tôi và mọi người dỗ thế nào cũng không chịu nín”, nữ phụ huynh tâm sự.
Chính vì những hành động không đúng mực của trẻ ở nơi đông người, nhiều phụ huynh không kiềm chế được và quát, đánh con nơi công cộng. Tuy nhiên, hành động này không những không giải quyết được điều gì. Trái lại, hình ảnh cha mẹ trong mắt con và người xung quanh cũng “bớt” đẹp.
Nhiều trẻ quấy khóc và cáu bẳn khi tới nơi công cộng. Ảnh minh họa
“Trẻ nhỏ làm việc nhỏ”
“Ở trường, các con được học về cách ứng xử nơi công cộng theo chủ đề. Với học sinh ở lớp mẫu giáo bé, chúng tôi chú trọng giáo dục các con về cách vứt rác đúng quy định ở nơi công cộng và chào hỏi người lớn”, chị Trịnh Mai Chi - giáo viên Trường Mầm non Bông Mai 2 (Hà Nội) chia sẻ.
Đối với chủ đề vứt rác đúng quy định, trẻ sẽ được trò chuyện cùng các cô về chủ đề này. Giáo viên sẽ tạo tình huống và đặt ra câu hỏi như: Vứt rác xuống đất có phải hành động đúng không? Nếu không, các con cần vứt rác vào đâu mới đúng? Tại sao con cần vứt rác đúng nơi quy định?...
Sau khi học xong, trẻ sẽ được xem video về chủ đề đó để ghi nhớ kiến thức. Đồng thời, theo chị Chi, các bé cũng sẽ cùng cô thực hành lại để củng cố bài học.
“Để trẻ nhớ hơn, chúng tôi sẽ cho các con thực hành. Con sẽ cầm giấy rác trong lớp và tìm chỗ để vứt vào đúng nơi quy định. Sau buổi học, phần lớn trẻ đều có ý thức và biết đâu là nơi để rác”, chị Chi nói.
Bên cạnh đó, chị Mai Chi cho biết, học sinh cũng được hướng dẫn về việc chào hỏi mọi người ở nơi công cộng. Giáo viên sẽ tạo tình huống về một bạn nhỏ ra đường, gặp người cao tuổi, nhưng không chào. Trẻ cần trả lời rằng, hành động đó đã phù hợp chưa?
“Sau khi trả lời, chúng tôi sẽ hướng dẫn các con cách chào người lớn. Con cần biết khoanh tay, cúi người và nói: Cháu chào ông/bà ạ! Ngoài ra, trẻ cũng được giải thích rằng, hành động đó của con sẽ chứng tỏ rằng, trẻ là em bé ngoan. Như vậy, con sẽ được mọi người yêu quý khi tới nơi công cộng”, nữ giáo viên cho biết.
Vứt rác đúng quy định là điều trẻ cần học khi tới nơi công cộng. Ảnh minh họa
Công dân “toàn cầu”
Theo bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một đứa trẻ muốn trở thành công dân “toàn cầu”, hay được cộng đồng chấp nhận, phải biết các nguyên tắc nơi công cộng. Tuy nhiên, việc thực hiện hoặc hướng dẫn con là cả một quá trình.
Do đó, nữ giảng viên gợi ý, trước hết, cần cho con thực hiện nguyên tắc trong gia đình. Trẻ cần hiểu thế nào là nguyên tắc. Nguyên tắc trong nhà gồm những gì và con sẽ phải thực hiện ra sao. Bà Phan Hồ Điệp gợi ý, đối với trẻ hơn 2 tuổi và gần 3 tuổi, cha mẹ có thể dạy con về nguyên tắc như: Sự an toàn, cư xử, liên quan đến sinh hoạt.
Với nguyên tắc về sự an toàn, cha mẹ có thể nêu ra cho trẻ bằng chữ viết. Sau đó, dán vào những nơi như ổ điện. Cha mẹ hãy hướng dẫn con không chạm tay vào đó. Trong khi đó, với nguyên tắc sinh hoạt, phụ huynh cần hướng dẫn con bằng những câu lệnh càng ngắn càng tốt. Như vậy, trẻ sẽ dễ nhớ hơn. Ví dụ: Tắt điện khi ra khỏi phòng tắm. Trong trường hợp trẻ chưa biết đọc, câu lệnh cần kèm theo hình ảnh.
“Cha mẹ nên có một hệ thống khích lệ, thưởng phạt, làm thế nào để ghi nhận trẻ đã thực hiện đúng hay chưa? Khi con đã thực hiện đúng nguyên tắc trong nhà, cha mẹ cần thảo luận để trẻ thực hiện ở nơi công cộng. Quan trọng nhất là nguyên tắc liên quan đến cư xử, lời ăn tiếng nói. Cần dạy con cảm ơn, xin lỗi, xin phép”, bà Phan Hồ Điệp chia sẻ.
Ví dụ, cha mẹ cần dạy con cách ứng xử khi đi qua một người khác, hay lúc muốn mượn đồ vật của ai đó. Đặc biệt, con cần biết tôn trọng, không làm ồn nơi công cộng.
“Nhiều gia đình khi đi nhà hàng, cha mẹ ngồi ăn, nhưng con chạy nhảy ồn ào xung quanh, làm rơi chén bát. Không nên như vậy, vì cha mẹ nên thảo luận với con tất cả điều này trước khi đến nơi công cộng”, nữ giảng viên nhấn mạnh.
Để việc hướng dẫn con diễn ra suôn sẻ, bà Điệp gợi ý, phụ huynh có thể giả định các tình huống. Ví dụ, khi ở nhà, cha mẹ và con có thể chơi giả định tình huống ở siêu thị. Phụ huynh sẽ đặt ra những câu hỏi như: Nếu làm rơi đồ ở siêu thị, hoặc muốn thanh toán, con phải làm thế nào? Khi đó, con cần biết mình nên xếp hàng, đặt đồ lên, nói lời cảm ơn với nhân viên thu ngân… Với tất cả những điều này, con có thể tập trước cùng cha mẹ tại nhà. Đây là cách giúp con làm quen với tình huống đó trước khi ra ngoài xã hội.
“Để con thực hiện các nguyên tắc, không có cách nào tốt hơn là làm gương. Nếu muốn con xếp hàng theo thứ tự, hoặc tuân thủ quy định khi đi vào nhà hát hay rạp chiếu phim, nhưng cha mẹ không làm gương, chắc chắn trẻ sẽ không thực hiện được. Người xưa có câu: “Con vào dạ, mạ đi tu”. Khi có con, cha mẹ cần tu sửa, điều chỉnh mình một cách tốt nhất. Từ đó, giúp con học các quy tắc bên ngoài xã hội và trong gia đình”, giảng viên Phan Hồ Điệp chia sẻ.
Bên cạnh đó, khen thưởng cũng được cho là một yếu tố vô cùng quan trọng liên quan đến các nguyên tắc. Khi con đã thực hiện, phụ huynh nên có hình thức để điều chỉnh và khích lệ trẻ. Hành động đó sẽ khiến con tin tưởng rằng, mình là thành viên trong cả cộng đồng lớn. Con cũng sẽ nghĩ, mình hoàn toàn được mọi người chấp nhận.
Để thực hiện điều này, cha mẹ nên hướng dẫn và dạy con chấp nhận sự khác biệt của người khác. Hoặc, con cần biết tuân thủ nguyên tắc như: Không bao giờ phán xét về hình thức của người khác, không nói gì liên quan đến kỳ thị... Những điều đó giúp con nhanh hòa nhập và dễ được mọi người chấp nhận hơn.
“Việc trẻ tham gia, hòa nhập với xã hội lớn, thực hiện tuân thủ tất cả nguyên tắc, giống như con chim non bắt đầu tập bay đường bay đẹp, mạnh mẽ. Cha mẹ là người nâng đỡ, giúp con chim non đó bay trên bầu trời. Chỉ cần liệt kê những điều cha mẹ mong muốn con sẽ thực hiện, cùng con thảo luận, kiên trì làm hằng ngày với thái độ khích lệ, chắc chắn trẻ sẽ làm được”, bà Phan Hồ Điệp nhấn mạnh.