Đối với người lớn, việc kiểm soát cảm xúc vốn không hề dễ dàng. Do đó, việc trẻ nhỏ hay lo lắng, giận dữ, buồn bã, không kiềm chế được cảm xúc là điều dễ hiểu. Tuy nhiên nếu không sớm đặt ra giới hạn trong hành vi, suy nghĩ của trẻ, bạn sẽ đau đầu khi gặp phải rất nhiều những hệ luỵ rắc rối từ trẻ sau này.
Trong độ tuổi từ 1-5, trẻ học hỏi và khám phá thế giới. Nhờ vào sự dìu dắt từ ba mẹ, gia đình, trẻ bắt đầu sở hữu những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Kéo theo đó, các cơn giận dữ thường xuyên xảy ra. Nói cách khác, trẻ mẫu giáo tự điều chỉnh tâm lý và thường nổi cơn tam bành là một hiện tượng phổ biến. Giai đoạn phát triển này của trẻ đôi khi cũng được gọi là giai đoạn "ngoan cố đầu tiên".
Ở giai đoạn mẫu giáo, sự nổi nóng của bé có thể kéo dài thường xuyên, gây rắc rối ở trường học, gia đình, trong giao tiếp với bạn bè và người thân. Giận dữ có thể dẫn tới những thay đổi sinh lý bất lợi như tăng huyết áp, tăng hormone giải phóng năng lượng, chẳng hạn như adrenaline...
Theo nghiên cứu công bố trên thời báo Giáo dục thường niên, Anh, 1/7 trong số các trẻ có hành vi hung hăng từ sớm và biểu hiện ngày càng tăng sẽ phải đối diện với nguy cơ: Sức học yếu kém, dễ mắc bệnh liên quan đến tâm lý, có hành vi bạo lực, xu hướng thất nghiệp khi trưởng thành. Để giúp con giảm bớt tần suất nổi cơn tam bành, ba mẹ có thể áp dụng 3 cách dạy con kiểm soát cảm xúc sau đây.
1/7 trong số những trẻ có biểu hiện hung hăng, nóng tính từ nhỏ sẽ phải đối diện với rất nhiều hệ lụy tiêu cực khi trưởng thành
1/ Thể hiện là giải tỏa
Trẻ càng bày tỏ nhiều bao nhiêu, nguy cơ bùng nổ cơn giận càng thấp bấy nhiêu. Để giải tỏa bức xúc, trẻ cần giao tiếp nhiều hơn. Bé cần học cách thể hiện các câu nói bắt đầu bằng cụm từ "Con nổi nóng vì...", "Con cảm thấy tức giận vì...". Thay vì phớt lờ, bạn nên khuyến khích con thể hiện nguyện vọng của mình, giải thích rõ cách thỏa mãn nhu cầu nhưng không làm tổn thương người khác.
Để giúp con dần hiểu được tâm trạng của chính mình, ba mẹ nên gợi ý để bé diễn tả cảm xúc, bắt đầu vào lúc vui vẻ, hạnh phúc, sau đó đến những khi cáu giận. Việc dạy trẻ nhận biết cảm xúc của người khác cũng rất hữu ích, bạn có thể chỉ lên màn hình tivi và nói: "Con xem bác kia đang nổi nóng kìa!".
2/ Chấp nhận chuyển hướng
Cơn giận có thể được kiềm chế và chuyển sang một trạng thái cảm xúc khác nếu bạn ngay lập tức thu hút trẻ vào chuyện gì đó vui vẻ hơn. Phương pháp này khá hiệu quả với trẻ, theo đó, bạn cần giúp con nhận biết cơn giận của mình, tiếp đến khéo léo "lái" những cảm xúc tiêu cực này sang việc khác tích cực hơn. Nếu trẻ còn nhỏ, bạn có thể gợi ý bé vẽ tranh về những điều con đang cảm nhận. Trẻ lớn hơn có thể chọn cách viết nhật ký.
Gợi ý để bé đưa ra những giải pháp thay thế cho tình huống hiện tại là một cách giải quyết khá lý tưởng bạn nên thử. Phương pháp này mặc dù vậy vẫn có điểm yếu. Nếu trẻ không thể "chuyển hướng" đúng như dự đoán, cảm xúc bị kìm nén sẽ gây hại cho sức khỏe. Những cơn giận ngấm ngầm có thể dẫn tới bệnh cao huyết áp hoặc thậm chí trầm cảm.
Ba mẹ cũng không nên quá sợ hãi trước thái độ kìm nén cơn giận của trẻ, tuyệt đối không vì thế cho phép con làm những việc sai trái. Trẻ được thưởng những khi cáu bẳn sẽ càng có xu hướng bất cần hơn. Trước những cảm xúc thái quá của con, ba mẹ nên tiếp nhận bình tĩnh, ngược lại trẻ phải chấp nhận những hệ quả tự nhiên do thái độ, hành động của mình gây ra. Chẳng hạn trong lúc nổi nóng, bé đập vỡ đồ chơi, đừng vì thế mua món mới thay thế. Nếu con làm hỏng đồ vật nào đó trong nhà, trẻ cần chịu hình phạt hợp lý, chẳng hạn góp tiền mua đồ mới bằng khoản tiêu vặt hàng ngày hay làm thêm việc vặt trong nhà phụ ba mẹ, ông bà.
3/ Thay đổi không khí
Mỗi đứa trẻ đều phải biết học cách kiểm soát cảm xúc, điều này sẽ giúp bé làm chủ được hành vi bên ngoài. Một số bài tập hiệu quả giúp bé trấn tĩnh bạn nên chỉ con áp dụng: Hít thở sâu; đi tản bộ ngoài trời; ở một mình thư giãn, vẽ, nghe nhạc, viết nhật ký; tham gia lớp thể dục, thể thao...
Về phía ba mẹ, làm gì để giúp con vượt qua những cảm xúc khó khăn tiêu cực này? Đầu tiên, giúp trẻ nguôi ngoai cơn giận, dẫn con sang phòng khác, kéo con ra khỏi tình huống gây tức giận để cảm xúc lắng xuống. Khi con bình tĩnh hơn, khuyến khích bé diễn tả bức xúc của mình. Để bé trình bày "Con thấy tức giận vì...". Lúc này những cảm xúc an ủi, vỗ về sẽ là liều thuốc hoàn hảo nhất để xoa dịu trái tim non nớt của bé con.