Trẻ con thường không ngăn nắp trong việc sắp xếp bàn học, cặp sách, bài tập ở nhà nếu cha mẹ không nhắc nhở, giúp đỡ. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, tác hại của việc bừa bãi không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn ảnh hưởng lớn đến công việc và sự thành đạt sau này của trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ than phiền khi kiểm tra chiếc ba lô nặng trịch của con, phát hiện một mớ hổ lốn như tất, đồ chơi, mũ, giấy lộn, hộp sữa uống dở; những thứ cần thiết như hộp bút, vở ghi chép thì không thấy đâu. Có đứa trẻ hễ về đến nhà là vứt cặp vào một xó nào đấy rồi lao đầu vào chơi games, đến khi bố mẹ nhắc nhở học mới cuống cuồng đi tìm.
Không ít phụ huynh nghĩ rằng tính ngăn nắp hay bừa bãi là do bẩm sinh của từng đứa trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con sửa tính xấu này.
Trước hết, phải tinh ý quan sát những "triệu chứng" sau để xem con bạn có là người thiếu ngăn nắp không: Thường xuyên làm mất vở bài tập hay các giấy tờ khác mà không hiểu mất ở đâu, vào lúc nào; Luôn để đến giờ chót mới chịu làm bài tập, đến khi "trở tay không kịp" thì làm ầm ĩ lên bắt bố mẹ phải can thiệp; Không nhớ hạn nộp bài tập cô giáo giao về nhà; Bàn học tập không được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; Trong ba lô luôn chứa những thứ linh tinh không phục vụ cho việc học.
Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con sửa tính bừa bãi
trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh minh họa internet.
Nếu con tỏ ra không ngăn nắp, cha mẹ có thể giúp con bằng những việc sau:
- Thường xuyên cùng con vệ sinh cặp sách, ba lô, bàn học. Nên bảo con cái gì cần thiết thì giữ lại, không cần thiết thì loại bỏ. Sách học, các túi đựng đồ dùng học tập, dụng cụ thể thao phải luôn giữ sạch sẽ, tươm tất.
- Trẻ con ham chơi nên rất dễ quên. Vì vậy, cha mẹ phải nắm được lịch học và nhu cầu của chúng như ngày nào trong tuần con có nhiều môn học nhất, ngày nào ít nhất để giúp con sắp xếp giờ làm bài tập hợp lý.
- Nếu con bạn không quen với việc sắp xếp, bạn hãy bảo con làm thử một số công đoạn đơn giản như làm sao xếp sách trên bàn học cho dễ nhìn và dễ tìm sau đó.
- Nếu đã tập cho con tính ngăn nắp, bạn phải thường xuyên kiểm tra lại cùng với con xem có hiệu quả không. Con bạn có tiến bộ, phải khen ngợi kịp thời, còn nếu chúng vẫn chứng nào tật nấy, cha mẹ cần kiên nhẫn.
- Trong việc rèn luyện tính ngăn nắp, cha mẹ phải cho trẻ thấy đây là công việc hoàn toàn tự nguyện. Một khi trẻ thấy tính hiệu quả của một nếp sống ngăn nắp, đâu ra đó, thì bạn không cần nhắc nhở, chúng cũng sẽ tự động làm như một thói quen.
Theo giadinh.net