Chào tất cả mọi người con gặp
Không có gì khiến bạn hạnh phúc và tự hào hơn khi nhận được những lời khen ngợi cùng ánh mắt ngưỡng mộ từ hàng xóm hoặc những người mới quen biết, vì bạn là một bà mẹ nuôi dạy con tốt, biết lễ phép, ngoan ngoãn chào hỏi mọi người... Do đó, để con mãi là niềm tự hào của các bậc cha mẹ, ngay từ khi con còn thơ ấu, cha mẹ hãy làm thế nào để con luôn mạnh dạn chào đón tất cả mọi người không chỉ khi khách đến nhà mà thậm chí là ngay cả khi con gặp một ai đó ở cửa hàng tạp hóa.
Hãy dạy con mỉm cười thân thiện với tất cả những người con gặp. Chắc chắn điều đó sẽ không chỉ khiến bạn hạnh phúc mà còn làm cho những người xung quanh cũng cảm thấy thật dễ chịu khi gặp một đứa bé ngoan.
Trả lời điện thoại một cách lịch sự
Để dạy con làm được điều này, có thể các bậc cha mẹ sẽ phải mất một khoảng thời gian dài tùy thuộc vào khả năng, sở thích cũng như phương pháp mà bố mẹ áp dụng dạy dỗ đối với con. Hãy dạy cho con kỹ năng và thành lập thói quen khi con trả lời điện thoại. Tuyệt đối đừng để trẻ nói trống không và lối hỏi đáp "nhát gừng". Bố mẹ có thể dạy con một vài câu nói cơ bản như: "Xin lỗi! Cháu có thể biết ai ở đầu dây bên kia không ạ?" hoặc: "Cháu rất tiếc! Hiện tại mẹ cháu không có ở nhà. Cô có muốn để lại lời nhắn nào đó cho mẹ cháu không ạ?"...
Dạy con nói thật
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bạn nên dạy trẻ nói thật. Trẻ con cần được giáo dục toàn diện và tốt nhất. Bố mẹ có thể có những câu chuyện không thật với nhau vì một mục đích tốt trong cuộc sống, nhưng khi đối diện với trẻ, bố mẹ phải tuyệt đối nói thật, nói là làm, không thất hứa. Chỉ có cách giáo dục như vậy khi trẻ lớn lên mới có phẩm chất và đạo đức tốt.
Dạy con nói "Làm ơn"
Nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng con còn quá nhỏ nên không cần phải quá nghiêm khắc với con, chờ đến khi con lớn hơn thì dạy cũng được. Đó là một trong những quan điểm nuôi dạy con sai lầm. Bởi vì bao giờ việc nuôi dạy con từ khi còn nhỏ cũng dễ dàng và hữu ích hơn rất nhiều, trẻ sẽ tiếp thu và hình thành thói quen theo sự uốn nắn khi tâm sinh lý còn đơn giản. Do đó, hãy dạy con ứng xử với mọi người một cách lịch sự. Khi con làm gián đoạn cuộc trò chuyện của một ai đó hoặc làm phiền, cần sự giúp đỡ của người khác, hãy dạy con nói "Làm ơn, Xin lỗi".
Không đánh nhau với những đứa trẻ khác
Đây có thể là một nhiệm vụ không dễ dàng gì cho các bậc cha mẹ, bởi không phải lúc nào bạn cũng có thể ở bên cạnh, quản lý và giúp con kiểm soát cơn giận dữ. Nhưng việc giáo dục con là điều cần thiết và hãy dạy con bất cứ lúc nào cho đến khi con nhận thức rõ ràng được điều đó. Hãy nói với con rằng việc đánh bạn sẽ biến con thành người thua cuộc, đấy là hành vi xấu. Đó sẽ là cách thức bố mẹ tiến tới định hình tính cách cũng như giúp trẻ có thể tự kiềm chế được mình trong tương lai.
Không chơi trò đánh trống trên bát đĩa
Đây không chỉ là thói quen xấu mà đó còn là một trong những hành vi khiếm nhã bên bàn ăn, nhất là khi gia đình bạn có khách. Do đó, thay vì để con tự tiện cầm đũa, thìa gõ vào bát đĩa, cha mẹ hãy tạo cho con tư thế ngồi ăn nghiêm chỉnh, lịch sự, không gào thét khi chưa có món ăn... Những điều cơ bản đó sẽ giúp con hình thành thói quen và phong thái đĩnh đạc, ứng xử điềm tĩnh trong suốt cuộc sống của trẻ về sau này.
Hãy dạy trẻ cách nhận lỗi và nói lời “xin lỗi”
Một đứa trẻ ngoan cần phải học được cách nhận lỗi. Trẻ con có thể làm sai, mắc lỗi nhưng tuyệt đối khi mắc lỗi phải biết nói lời xin lỗi và nhận trách nhiệm về mình. Rất nhiều gia đình không dạy trẻ cách nhận lỗi ngay từ khi còn nhỏ, đến khi trẻ phạm phải sai lầm sẽ cố gắng tìm cách đổ lỗi cho người khác và không thể dễ dàng nói ra hai từ “xin lỗi”.
Dạy bé cách sống hòa đồng
Hãy nói cho trẻ biết: một đứa bé không hòa đồng với bạn bè thì không ai khác hơn là chính nó sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với các bạn. Có ai lại thích chơi với một đứa cáu kỉnh, khó chịu, bọn trẻ chỉ thích chơi với những người bạn có cách cư xử tốt, dần dần đứa bé không hòa đồng sẽ bị bạn bè lánh xa và bỏ quên. Một vấn đề khác bé sẽ phải đối đầu không dễ dàng chút nào là mọi người chỉ có thể vui vẻ nếu ai cũng phải tuân theo quy định của cuộc chơi. Chẳng hạn như cùng chơi nhảy dây nhưng bé này thích cầm nhảy một mình, bé khác lại thích hai người cầm dây quay cho một người nhảy. Tương tự như vậy, những đứa bé không hòa đồng, không thích tuân theo quy định chung sẽ không thể tham gia trò chơi cùng các bạn.
Vì thế ngay từ đầu bạn nên tạo điều kiện quan tâm đến trẻ và các mối quan hệ bạn bè của trẻ để giúp trẻ sống hòa đồng với bạn bè hơn.