Sự việc 3 trẻ mầm non ở Hà Nam bị bỏng nặng trong giờ học kỹ năng là bài học đau xót đối với những cơ sở giáo dục không tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ. Theo các nhà quản lý giáo dục và chuyên gia, hiện nay giáo viên không được tập huấn nhưng vẫn dạy kỹ năng sinh tồn, nhiều chương trình không được kiểm soát.
Học sinh tham gia các buổi dã ngoại
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, bài học ở lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ dạy trẻ xảy ra sự cố hôm đó có chủ đề “Kêu cứu và thoát hiểm khi gặp nguy hiểm”. Đây là một trong những tiêu chí được lồng ghép để giáo dục trẻ. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục kỹ năng sống chưa qua thẩm định, không khuyến khích các trường, cơ sở trẻ dạy kỹ năng sống mà không đảm bảo an toàn cho trẻ.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà có con học mẫu giáo cho biết, mỗi lần trường tổ chức con dã ngoại là gia đình lo lắng, căng thẳng hết ngày. Bởi trẻ mẫu giáo nhỏ đi ra ngoài mỗi lớp khoảng 20-30 học sinh chỉ có 3 cô phụ trách. Bao nhiêu mối nguy như bị lạc, bị tai nạn thương tích có thể xảy ra. Các con quá nhỏ chưa có kỹ năng ứng phó.
Không riêng chương trình giáo dục trong nhà trường mà các trung tâm giáo dục kỹ năng sống cũng đa dạng, thu hút phụ huynh, học sinh. Đặc biệt là dịp hè, phụ huynh tại những thành phố lớn không biết gửi con đi đâu ngoài các khoá học như: học kỳ quân đội, khoá tu mùa hè, học thành người có ích; trại hè trong nước, trại hè quốc tế…với học phí từ 4-5 triệu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu. Nhưng không ai dám chắc chương trình kiểu này được thẩm định về độ an toàn cho trẻ hay chưa.
Trong chương trình học ngoài giáo dục kiến thức, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch giáo dục, trong đó có lồng ghép dạy kỹ năng sống cho học sinh từ bậc mầm non. Chương trình được thẩm định, phê duyệt bởi chuyên gia. Tuy nhiên, giáo viên là những người thực hiện có được tập huấn, đào tạo về kiến thức, kỹ năng sống hay không lại là chuyện khác.
TS Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm (Chương trình giáo dục phổ thông mới) cho biết: Chương trình giáo dục kỹ năng sống của các trường hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ, nhiều chương trình tự phát. Giáo dục kỹ năng sinh tồn là cần thiết nhưng quan trọng hơn là nội dung giáo dục phù hợp với độ tuổi. Bà Thoa lấy ví dụ, ở trẻ mầm non nên dạy kỹ năng phòng chống lạc đường. Còn những nội dung liên quan đến phòng chống cháy nổ, đuối nước, sơ cứu…nhà trường phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chuyên môn đến tập huấn vì điều quan trọng đầu tiên là đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Dạy kỹ năng từ lớp 1
Cũng theo TS Kim Thoa, theo quy trình, các trung tâm muốn đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường phải có hội đồng chuyên gia thẩm định. Sau đó các Sở GD&ĐT mới cấp giấp phép hoạt động.
Bà Thoa chia sẻ: “Khi được mời tham gia các hội đồng thẩm định, tôi chỉ đồng ý với các chương trình dạy kỹ năng xã hội, trên thực tế vẫn có nhiều đơn vị muốn đưa những chương trình kỹ năng liên quan sinh tồn như: phòng cháy, chữa cháy, cứu người đuối nước…nhưng tôi từ chối tham gia vì những chương trình có chuyên môn sâu, nếu không phải cơ quan chức năng có chuyên môn tập huấn dễ để lại hậu quả đáng tiếc. Ví dụ, tập huấn về sơ cứu, nếu không đúng cách người bị nạn sẽ chết nhanh hơn đi cấp cứu.
Việc xây dựng bài giảng cho học sinh học trải nghiệm đòi hỏi giáo cụ và các điều kiện xung quanh. Hiện nay, một số nơi tổ chức tự phát, cẩu thả nên mới có tai nạn thương tích xảy ra”.
TS Kim Thoa khẳng định, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ được tham gia hoạt động trải nghiệm từ lớp 1 đến lớp 12, không có lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, giáo trình chỉ đưa vào các chương trình giáo dục kỹ năng xã hội. Ngoài ra, các địa phương tự xây dựng chương trình trải nghiệm riêng và phải chịu trách nhiệm về tính an toàn của chương trình.
Ví dụ, tỉnh miền núi có thể có chương trình phòng chống thú dữ, miền biển sẽ học kỹ năng ứng phó sóng thần, ngập lụt… Tất nhiên, theo quy trình, sau khi các nhóm tác giả của từng địa phương biên soạn, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập hội đồng thẩm định. Điều quan trọng, trước khi thực hiện trong trường học, giáo viên, những người tham gia phải được tập huấn bởi cơ quan chuyên môn.