Mọi đứa trẻ đều tiềm ẩn năng lực tư duy sáng tạo. Óc sáng tạo cũng chính là năng lực cốt lõi giúp trẻ thành công khi lớn lên, đặc biệt với những người làm việc trong ngành khoa học, kĩ thuật và nghệ thuật …Tuy nhiên để chúng phát huy được tư duy sáng tạo thì người lớn cần có phương pháp khuyến khích, tương tác thích hợp với trẻ.
Khuyến khích tư duy sáng tạo của trẻ trước tuổi đi học
Bạn có thể áp dụng nhiều ý tưởng độc đáo tạo bầu không khí học tập cởi mở tự do để khuyến khích tư duy sáng tạo ở trẻ. Khi chơi đùa, trẻ học hỏi được rất nhiều điều. Sẽ rất tốt nếu chúng ta cho trẻ chơi các trò chơi giúp phát triển trí tưởng tượng. Những chiếc hộp rỗng, giấy và những cây bút chì màu là những đồ chơi cực kỳ hấp dẫn, giúp cho trẻ phát triển tính sáng tạo bẩm sinh. Các bộ xếp hình, đất sét, câu đố, và các trò chơi đòi hỏi khả năng ứng biến cũng giúp kích thích trí não của trẻ hoạt động.
Trẻ vui sáng tạo từ các hình học
Cho trẻ quan sát một bức tranh, khuyến khích trẻ kể thành một câu chuyện có tình tiết, có logic, và đặt tên cho bức tranh vậy là trẻ đã sáng tạo ra câu chuyện theo ý tưởng riêng của chúng rồi. Giới thiệu cho trẻ về hình tròn, hình vuông, hình tam giác… và để trẻ vẽ chúng thành những thứ trẻ thích, ví dụ như ông mặt trời, ngôi nhà, con vật.. .Hay để trẻ nghĩ ra trò chơi, và điều chỉnh quy tắc chơi cho phù hợp với tình huống. Đó là sáng tạo.
Phát triển tư duy sáng tạo của trẻ trong độ tuổi mầm non
Ở độ tuổi mẫu giáo, cùng với sự hoàn thiện về nhận thức, các bé cũng không ngừng sáng tạo. Với trẻ 3 tuổi, tư duy trực quan – hành động sẽ chuyển dần sang kiểu tư duy trực quan – hình tượng. Tư duy của trẻ đã đưa vào những hình ảnh hiện có trong óc chứ không chỉ dựa vào những hành động diễn ra bằng tay. Tư duy sáng tạo của trẻ được thể hiện một cách hoàn toàn vô thức từ những gì các bé thấy, hình dung và mơ ước.
Trẻ 4 tuổi bắt đầu suy nghĩ, xem xét hoạt động, lựa chọn phương pháp, phương tiện để giải quyết nhiệm vụ tư duy sao cho phù hợp. Nhờ có sự phát triển ngôn ngữ và khả năng suy luận nên trẻ có thể thể hiện rõ ràng hơn tư duy sáng tạo của mình. Ví dụ như trẻ đã biết phân biệt màu sắc, dấu hiệu đặc thù để miêu tả đối tượng giống với mọi vật trong hiện thực.
Trẻ 5 tuổi hình thành kiểu tư duy mới- trực quan sơ đồ giúp trẻ hiểu được những thuộc tính bản chất của sự vật hiện tượng. Đây là một bước ngoặt trong sự phát triển tư duy của trẻ chuyển từ tính hình tượng sang tính trừu tượng. Ở tuổi này do sự phát triển về thể lực và vận động, cùng với vốn hiểu biết khá phong phú về cảm giác, màu sắc và đã có khả năng quan sát độc lập, tư duy sáng tạo của trẻ thể hiện rất sinh động và riêng biệt.
Mặc dù trẻ được tự do phát triển tư duy sáng tạo là tốt nhưng để trẻ tự chơi một mình lại rất có hại. Đặc biệt là những trò chơi đơn lẻ, ngẫu hứng. Vì vậy, muốn giúp trẻ nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, cả thầy cô và cha mẹ cần quan tâm, dày công thiết kế các trò chơi, bài tập, tình huống… một cách thường xuyên và có hệ thống.
Nuôi dưỡng tư duy sáng tạo của trẻ trong độ tuổi đi học
Nuôi dưỡng tư duy sáng tạo của trẻ trong giai đoạn này rất quan trọng. Do áp lực học hành tác động nên trẻ khó có thể theo đuổi sự sáng tạo đến cùng mà không bị phân tâm. Vì vậy, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động đa dạng trong và ngoài trường học cũng là một cách giúp nuôi dưỡng tư duy sáng tạo của trẻ. Chính thông qua những hoạt động được thiết kế tích hợp các mục tiêu, trẻ sẽ học được cách quan sát, phát hiện thế giới, học cách đặt câu hỏi, học cách giải thích, trao đổi nhận xét, trải nghiệm những xúc cảm, tạo dựng sự tự tin. Hãy để trẻ được tự do nói lên ý kiến của mình, tự chọn quần áo hay đồ dùng theo ý thích của trẻ và đừng quên cùng bé thỏa mãn sự sáng tạo của mình. Và nên nhớ trẻ càng được khuyến khích, tự do chơi với ý tưởng của mình càng có nhiều cơ hội để phát triển.