Giúp đỡ và sẻ chia là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người. Chính vì vậy,
dạy trẻ biết giúp đỡ người khác là việc làm mà cha mẹ và nhà trường cần ưu tiên trong giáo dục để con có thể lớn lên và phát triển toàn diện về trí tuệ, cảm xúc.
Ý nghĩa của việc dạy trẻ kỹ năng giúp đỡ người khác
Lòng tốt và sự tử tế sẽ đưa mọi người đến gần nhau hơn, đó là cách giúp trẻ giao tiếp và kết bạn, xây dựng được những mối quan hệ tốt. Khi trẻ biết mở lòng “cho đi”, các em sẽ nhận lại được nhiều điều tốt đẹp hơn. Không chỉ là mang lại niềm vui, sự thoải mái cho bản thân và người được giúp đỡ, mà khi gặp khó khăn, cũng sẽ có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ các em.
Giúp đỡ người khác được xem là hành động có giá trị nhân văn cao đẹp và khi được thực hiện một cách tự nguyện, nó sẽ hình thành nếp sống đẹp cho trẻ và tác động tích cực tới trẻ trong quá trình phát triển nhân cách. Theo nhà tâm lý học, sức khỏe trẻ em Hillary Kimberly (Mỹ), giúp đỡ người khác sẽ xây dựng nhân cách, sự tự tin, trách nhiệm, lòng vị tha của đứa trẻ.
Khi nào thì trẻ nên bắt đầu học cách giúp đỡ người khác?
Trẻ em nên được giáo dục kỹ năng sống biết giúp đỡ người khác ngay từ khi các em bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh và kiểm soát được hành vi của mình. Trong giai đoạn hình thành tính cách, cụ thể hơn là từ 3 tuổi trở lên, khi bắt đầu đi học mẫu giáo và được tiếp xúc với thế giới rộng lớn bên ngoài, cha mẹ nên chú ý quan sát và giáo dục cho con về lòng tốt, hành động giúp đỡ người khác.
Không bao giờ là quá sớm khi dạy trẻ học cách giúp đỡ người khác. Việc thực hiện, rèn luyện các hành động đó nhiều lần ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ xây dựng được nền tảng vững chắc để phát triển, hoàn thiện nhân cách khi lớn lên.