1. Kiềm chế cảm xúc là gì?
Kiềm chế cảm xúc (ở cả người lớn và trẻ em) là khả năng tự kiểm soát, điều chỉnh và quản lý cảm xúc cũng như hành vi cho phù hợp với yêu cầu của một tình huống cụ thể nào đó. Nó bao gồm khả năng chống lại các phản ứng cảm xúc cao đối với các kích thích gây sự khó chịu, làm dịu bản thân khi buồn bã, điều chỉnh để thay đổi kỳ vọng và xử lý sự thất vọng mà không cần bộc phát.
Đó là một tập hợp các kỹ năng cho phép trẻ em, khi chúng trưởng thành, hướng hành vi của bản thân đến một mục tiêu bất chấp sự khó lường của thế giới xung quanh và cảm xúc của chính chúng.
2. Sự rối loạn và không kiểm soát được cảm xúc của bản thân ở trẻ
Một số trẻ bị rối loạn và không kiểm soát được cảm xúc của bản thân dẫn đến các vấn đề về tự điều chỉnh. Chúng biểu hiện theo những cách khác nhau tùy thuộc vào từng đứa trẻ. Tiến sĩ Matthew Rouse, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện trí tuệ trẻ em cho biết: “Một số trẻ em có phản ứng tức thời một cách rất mạnh mẽ đối với tình huống chúng gặp phải. Ở đó không có sự dẫn dắt hay xây dựng nào và trẻ không thể kiềm chế được hành vi đó ngay lập tức.”
Đối với những đứa trẻ khác, sự căng thẳng lại bị tích tụ và chúng dường như phải chịu đựng quá lâu. Cuối cùng, nó sẽ dẫn đến những hành vi bộc phát. Lúc này bạn có thể thấy trẻ đi sai đường nhưng lại không biết cách ngăn chặn.
Chìa khóa cho cả hai nhóm trẻ em này là giúp chúng học cách xử lý những phản ứng mạnh mẽ đó và tìm cách thể hiện cảm xúc hiệu quả hơn.
Một số trẻ bị rối loạn và không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Ảnh Internet
3. Tại sao trẻ lại phải vật lộn và không thể kiềm chế cảm xúc của mình
Tiến sĩ Rouse coi các vấn đề kiểm soát cảm xúc là sự kết hợp giữa tính khí và hành vi học được.
Năng lực bẩm sinh của một đứa trẻ để điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc chính là dựa vào khí chất và tính cách.
Một số em bé gặp khó khăn trong việc tự làm dịu bản thân, và sẽ rất căng thẳng, khó chịu khi bạn cố gắng tắm hay mặc quần áo cho chúng. Những đứa trẻ này có thể sẽ gặp nhiều rắc rối với sự tự điều chỉnh cảm xúc khi chúng lớn hơn.
Môi trường cũng đóng một vai trò đối với khả năng kiềm chế cảm xúc của trẻ. Khi cha mẹ giận dữ hoặc dành quá nhiều thời gian để dỗ dành một đứa trẻ khi chúng buồn bã hay tức giận, trẻ sẽ khó phát triển được tính tự giác. Trong những tình huống đó, đứa trẻ về cơ bản sẽ trông chờ vào cha mẹ để được kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc từ bên ngoài (thụ động). Tiến sĩ Rouse nói. Nếu đó là một mô hình xảy ra lặp đi lặp lại và trẻ thường xuyên được điều chỉnh cảm xúc một cách thụ động, thì điều này sẽ phát triển thành một thói quen.
Ngoài ra trẻ bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý – Attention deficit hyperactivity disoder ADHD hoặc bị lo lắng cũng có thể gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc và cần thêm trợ giúp để phát triển các kỹ năng điều tiết cảm xúc.
Một số trẻ gặp khó khăn trong việc tự làm dịu bản thân. Ảnh Internet
4. Làm thế nào để chúng ta dạy trẻ cách kiềm chế và điều chỉnh cảm xúc
Theo ông Scott Bezsylko, giám đốc điều hành của hệ thống trường Winston Prep dành cho trẻ em có sự khác biệt về khả năng học tập, nói rằng việc bộc lộ cảm xúc qua cách ứng xử thực chất là một phản ứng không hiệu quả đối với một kích thích. Phụ huynh và giáo viên cần giúp trẻ bình tĩnh, và cẩn thận hơn trong việc lựa chọn một phản ứng hiệu quả thay vì bốc đồng.
Bạn nên tiếp cận kĩ năng kiểm soát cảm xúc của trẻ giống như cách tiếp cận các kĩ năng khác. Hãy tách nó ra và tạo cơ hội để trẻ thực hành.
Ông Bezsylko giải thích: khi bạn nghĩ việc kiểm soát cảm xúc là một kĩ năng cần được dạy – thay vì cho nó là một hành vi xấu – nó sẽ thay đổi giọng điệu và nội dung của phản hồi bạn đưa ra cho trẻ.
Chìa khóa để giúp trẻ học được cách kiềm chế để tự kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc, theo Tiến sĩ Rouse, không phải là tránh các tình huống khó xử lý đối với trẻ, mà là huấn luyện trẻ thông qua chúng. Đồng thời cung cấp một khung hỗ trợ – các bác sĩ lâm sàng gọi đó là cung cấp giá đỡ cho hành vi bạn muốn khuyến khích – cho đến khi trẻ có thể tự xử lý.
Khuyến khích trẻ kiềm chế cho tới khi con có thể tự xử lý. Ảnh Internet
Hãy tưởng tượng một tình huống có thể tạo ra những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ, giống như một bài tập toán học về nhà phức tạp khiến trẻ bực bội và căng thẳng. Nếu cha mẹ để ý và can thiệp đến việc học của trẻ quá nhiều lúc này, trẻ sẽ có nguy cơ bị tăng áp lực và lo lắng dẫn đến việc chúng phải điều tiết cảm xúc đó của mình. Thay vì nhiệm vụ chính của trẻ là phải nhận ra vấn đề khó khăn cần giải quyết là bài tập về nhà và tìm cách xử lý, chúng lại cảm thấy cha mẹ mới là nguyên nhân đang làm chúng nản lòng.
Giá đỡ trong trường hợp này có thể là giúp trẻ giải quyết một phần của vấn đề và để trẻ tự xử lý phần còn lại. Trong quá trình đó, trẻ có thể nghỉ giải lao để thư giãn đầu óc cũng như lấy lại năng lượng. Giờ giải lao cũng là thời điểm bạn có thể kiểm tra và khen ngợi những nỗ lực của trẻ.
5. Giúp trẻ thực hành việc kiềm chế cảm xúc từng bước một
Thực hành là một cách hiệu quả để trẻ dần học được kĩ năng tự kiểm soát cảm xúc của mình. Bạn hãy tạo cơ hội cho trẻ thực hành từng bước nhỏ một. Vì như vậy, mọi thứ sẽ bớt căng thẳng hơn, đồng thời cả bạn và trẻ đều không thấy bị quá áp đặt.
Tiến sĩ Rouse nói rằng cha mẹ thường chán nản khi mọi thứ không thành công ngay từ lần đầu tiên họ thử xây dựng kĩ năng cho trẻ. Nhưng bạn nên lưu ý rằng tính nhất quán và bắt đầu ở cấp độ phù hợp với trẻ mới chính là chìa khóa thành công. Vì vậy, thay vì từ bỏ, bạn hãy thử giảm bớt hoạt động và mục tiêu để nó dễ thực hiện hơn, và từ từ cho trẻ ngày càng độc lập hơn để tự xử lý vấn đề.
Bạn hãy giúp trẻ thực hành việc kiềm chế cảm xúc từng bước một. Ảnh Internet
6. Một số cách bạn có thể áp dụng để giúp trẻ kiềm chế cảm xúc
Để giúp trẻ học cách kiềm chế cảm xúc từ đó có thể kiểm soát và điều chỉnh hành vi của bản thân, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
6.1. Hãy trò chuyện với trẻ về cảm xúc
Bạn hãy trò chuyện để giúp trẻ hiểu được các loại cảm xúc khác nhau mà bé có thể cảm nhận được. Đồng thời, bạn hãy nói về nét mặt và loại hành vi có thể đến từ các loại cảm xúc khác nhau như thế nào.
Ngoài ra, khi trẻ thể hiện một cảm xúc nào đó, hãy cùng trẻ giải thích lý do tại sao trẻ lại cảm thấy như vậy và thể hiện những hành vi nhất định để minh họa.
Bạn hãy trò chuyện với trẻ về cảm xúc. Ảnh Internet
6.2. Hãy chấp nhận và đồng cảm với trẻ
Một đứa trẻ tức giận không phải là người xấu. Chẳng qua là chúng chưa thể hoặc chưa học được cách kiềm chế cảm xúc và kiểm soát bản thân. Do đó, trong quá trình giúp trẻ học các kĩ năng này, bạn hãy chấp nhận những cảm xúc và thể hiện sự đồng cảm với trẻ.
Sự đồng cảm của bạn giúp trẻ thấy được cảm xúc không phải lúc nào cũng theo hướng tích cực, nhưng chúng không nguy hiểm. Vì vậy trẻ sẽ chấp nhận để đối mặt và xử lý khi chúng xuất hiện, cũng như phát triển được khả năng phục hồi sau “tổn thất”. Đây chính là những bước quan trọng trong quá trình rèn luyện khả năng kiềm chế bản thân và đi đến kiểm soát, cuối cùng là điều chỉnh mọi thứ cho phù hợp.
6.3. Hãy giúp trẻ nhận biết cảm xúc của người khác
Trẻ cũng cần học cách nhận biết người khác cảm thấy như thế nào thông qua biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể. Qua việc nhận ra được cảm giác của người khác, trẻ sẽ dần ý thức được cách tương tác phù hợp. Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng được các mối quan hệ có ý nghĩa và bền vững trong tương lai.
Bố mẹ hãy chấp nhận và đồng cảm với trẻ. Ảnh Internet
6.4. Hãy cùng trẻ xác định những chiến lược đối phó với việc mất kiểm soát về cảm xúc một cách phù hợp
Bạn hãy giúp trẻ xác định các chiến lược đối phó khi bản thân trẻ mất kiểm soát về cảm xúc. Trẻ nên biết rằng mọi người đều có thể rơi vào tình huống này, do vậy cần phải có chiến lược để giúp chúng ta kiềm chế và lấy lại quyền kiểm soát chính mình.
Điều quan trọng là bạn xác định được một hoặc nhiều cách phù hợp với trẻ. Vì mỗi đứa trẻ đều khác nhau và là duy nhất nên chúng cũng cần kỹ thuật khác nhau để lấy lại sự bình tĩnh.
Bạn có thể tham khảo một số gợi ý gồm: cho trẻ nghe nhạc, tô màu, vẽ, đi đến một khu vực yên tĩnh, bóp bóng hoặc thú nhồi bông để giảm căng thẳng, thổi bong bóng hay uống nước lạnh,…
6.5. Hãy cùng trẻ viết những câu chuyện
Một khi bạn đã phân biệt được các yếu tố khác nhau có thể khiến trẻ mất kiểm soát cũng như xác định được các chiến lược đối phó phù hợp, hãy cùng trẻ viết lại những câu chuyện đã xảy ra hàng ngày mà trẻ muốn.
Trong câu chuyện, bạn hãy hướng trẻ viết về những điều khiến trẻ buồn bực, tức giận và những cách trẻ sử dụng để giúp bản thân bình tĩnh lại.
Sau đó hãy cùng trẻ đọc lại và thảo luận về những câu chuyện này hàng ngày, cũng như về những tình huống có thể xảy ra sẽ khiến trẻ khó chịu.
6.6. Hãy khen ngợi khi trẻ làm tốt và hướng dẫn khi trẻ mất kiểm soát
Khi trẻ kiềm chế được cảm xúc và hành vi tiêu cực, hãy khen trẻ bằng lời. Việc này sẽ giúp trẻ ghi nhớ cũng như tự tin hơn trong những lần tiếp theo.
Bạn hãy khen ngợi trẻ và hướng dẫn khi trẻ mất kiểm soát. Ảnh Internet
Tuy nhiên, khi trẻ không sử dụng những chiến lược đã đề ra để đối phó với sự mất kiểm soát về cảm xúc và hành vi dẫn đến mất bình tĩnh và không kiềm chế được bản thân, bạn hãy nhắc nhở và hướng dẫn để trẻ trở lại đúng đường. Nhưng bạn nên lưu ý thực hiện việc này khi trẻ đã bình tĩnh trở lại. Vì khi trẻ đang mất kiểm soát thì mọi lời khuyên, hướng dẫn, chỉ dạy đều không có tác dụng. Ngược lại, khi đã qua cơn bốc đồng, trẻ mới có thể suy nghĩ rõ ràng hơn và nhận ra được đâu là cách hợp lý nhất để xử lý tình huống trước đó. Dần dà với sự giúp đỡ của bạn, trẻ sẽ kiềm chế bản thân (đối với cả cảm xúc và hành vi) một cách tốt hơn.
6.7. Hãy hướng dẫn hành vi nhưng chống lại sự thôi thúc trừng phạt
Đối với trẻ nhỏ, các hình phạt không cung cấp sự giúp đỡ cần thiết cho cảm xúc của chúng. Trên thực tế, thông điệp mà trẻ nhận được là những cảm xúc đưa chúng đến “hành vi sai trái” là không tốt. Vì vậy trẻ sẽ có xu hướng kìm nén những cảm xúc đó, khiến chiếc túi cảm xúc của trẻ ngày càng đầy lên. Nếu không được giảm tải, chiếc túi ấy có thể bị rách hoặc vỡ một ngày nào đó, và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Vì vậy, thay vì trừng phạt, bạn hãy giúp con đi đúng đường bằng những hướng dẫn tích cực, giúp trẻ xử lý cảm xúc và xây dựng giá đỡ cho đến khi con có thể tự làm được.
Bạn hãy hướng dẫn và hạn chế hình phạt hay trừng phạt trẻ. Ảnh Internet
6.8. Hãy duy trì sự kết nối sâu sắc với trẻ
Trẻ nhỏ thường học được cách xoa dịu chính mình qua sự dỗ dành của cha mẹ. Nhưng ngay cả trẻ lớn vẫn cần cảm nhận được sự kết nối sâu sắc với cha mẹ, nếu không chúng sẽ không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Vì vậy, bạn hãy thể hiện sự yêu thương, quan tâm đến những cảm xúc của trẻ để ngoài việc giúp con học cách kiềm chế sự tiêu cực, bạn có thể cảm nhận được năng lượng tích cực để thấy vui vẻ hơn. Sự vui vẻ sẽ loại bỏ hầu hết các hành vi sai trái.
6.9. Hãy làm gương cho trẻ
Cách giúp trẻ học kiềm chế cảm xúc hiệu quả nhất đó là chính chúng ta – các bậc cha mẹ – hãy làm gương cho con. Bạn có thể bắt đầu bằng việc cố gắng chống lại những cơn giận dữ (thể hiện qua hành động la hét) của mình. Thay vì lớn tiếng, bạn hãy dành thời gian để bình tĩnh (bằng cách hít thở, uống nước lạnh,…).
Bạn cần nhớ rằng trẻ em học hỏi từ lời nói và hành động của cha mẹ. Khi chúng ta la lên, trẻ sẽ học cách la hét. Khi chúng ta nói chuyện một cách tôn trọng, trẻ sẽ học theo như vậy. Mỗi khi bạn làm mẫu trước mặt con, dù là cố gắng kiềm chế để ngăn mình khỏi hành động tiêu cực khi tức giận, hay thoải mái thể hiện cảm xúc tiêu cực đi kèm với hành vi, thì trẻ cũng sẽ học cách kiềm chế để điều tiết cảm xúc hay buông lời nói và hành động theo sự điều khiển của cảm xúc tiêu cực mà không cần kiểm soát. Đó là lý do quá trình dạy trẻ cũng là quá trình bạn học tập và rèn luyện chính bản thân mình.
Bạn hãy làm gương cho con trong việc kềm chế cảm xúc của bản thân. Ảnh Internet
Dạy trẻ biết kiềm chế cảm xúc không phải là một việc dễ dàng đối với cha mẹ. Thực tế thì công việc này còn khá khó khăn. Vì cảm xúc là một phạm trù khá trừu tượng và không có một khuôn mẫu cụ thể nào. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cùng mối dây liên kết mật thiết với trẻ chắc chắn có thể giúp con học hỏi một cách hiệu quả. Hy vọng lợi ích to lớn của khả năng kiềm chế cảm xúc và kiểm soát bản thân đối với cuộc sống sau này của trẻ, sẽ là động lực để các cha mẹ đồng hành trong quá trình học tập và rèn luyện kỹ năng này cùng con, các cha mẹ nhé.
Theo Child Mind, Psychology Today & NSPT