Làm thế nào để chúng ta dạy trẻ các con vật giúp con hình thành tình yêu và thái độ tử tế đối với động vật? Đây thực sự là điều người lớn nên chú ý. Bởi dạy trẻ về con vật không chỉ đơn giản dừng ở việc giúp trẻ nhận biết về động vật mà thôi. Với chia sẻ sau đây, hẳn chúng ta sẽ hiểu rõ hơn điều đó. Đồng thời, chúng ta cũng có cách dạy con về con vật có hiệu quả hơn.
1. Khi nào nên bắt đầu dạy trẻ các con vật
Trên thực tế, không có một mốc thời gian cụ thể nào cho việc dạy trẻ các con vật. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh và nếp sống của gia đình bạn. Nếu nhà bạn có nuôi động vật, thì trẻ có thể quan sát, tiếp xúc với chúng ngay từ khi còn nhỏ.
Ngay cả khi bạn không có vật nuôi trong nhà, thì trẻ vẫn có thể thực hiện điều này sớm đối với vật nuôi của người thân, hàng xóm, bạn bè, chương trình tivi…
Dù bạn có yêu những chú chó, mèo, chuột hamster hay bất cứ con vật nào mình nuôi trong nhà đến thế nào, thì điều quan trọng nhất khi dạy trẻ về chúng là yếu tố an toàn.
Khi nuôi động vật bạn cần đảm bảo tiêm ngừa đầy đủ, vệ sinh đúng cách để tránh truyền bệnh cho trẻ. Bên cạnh đó, bạn không nên để trẻ quá nhỏ ở một mình với chúng. Vì dù tự tin như thế nào về việc huấn luyện hay “tính cách” của động vật, bạn cũng sẽ không lường trước được những tình huống bất ngờ. Và trẻ nhỏ có thể trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng nhất vì con chưa có khả năng phản ứng, tự vệ.
Khi dạy trẻ về con vật điều quan trọng đầu tiên là yếu tố an toàn. Ảnh Internet
Như vậy, bạn có thể bắt đầu dạy trẻ các con vật vào bất cứ thời điểm nào thuận tiện. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà bạn có cách dạy phù hợp.
Ví dụ bạn có thể:
- Dạy trẻ nhỏ mới tập nói tiếng kêu của những loài vật gần gũi, phổ biến trước.
- Dạy trẻ tuổi tập đi nhận biết con vật bằng các clip về động vật và những cuộc dạo chơi ở sở thú.
- Dạy trẻ mẫu giáo và trẻ lớn hơn cách chăm sóc vật nuôi, cho chúng ăn uống.
Bạn không nhất thiết phải tuân theo trình tự trên, mà hãy dựa vào phản ứng của trẻ để điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp.
Bạn có thể dạy trẻ các con vật ở bất cứ thời điểm nào. Ảnh: Pinterest
2. Làm thế nào để dạy trẻ các con vật khi con rất sợ chúng
Trường hợp bạn muốn dạy trẻ các con vật nhưng con lại rất sợ chúng không phải hiếm gặp. Bạn có thể thấy trẻ không dám đi ngang qua một khu phố vì trong số các ngôi nhà, có một chú mèo đang ngồi ở cửa sổ. Hay bạn có thể bắt gặp trẻ chạy ào ra khỏi phòng khi tivi chiếu chương trình về những chú chó con.
Bạn sẽ thấy buồn cười nhưng trên thực tế, trẻ ở mọi độ tuổi đều có thể sợ động vật. Dù đó có là những chú chó, mèo nuôi trong nhà.
Thông thường trẻ sẽ được dạy nhận biết con vật khi còn nhỏ và dần quen với động vật khi lớn lên. Nhưng cũng có khả năng nỗi sợ ấy lớn dần đến nỗi khiến trẻ bị tê liệt không thể nhúc nhích. Trong trường hợp này, một số bước sau sẽ giúp trẻ vượt qua nỗi sợ động vật:
- Bạn hãy giúp trẻ hiểu sợ hãi là điều bình thường : Trẻ nhỏ thường sợ những điều không quen thuộc hoặc không thể đoán trước. Khi lớn lên, chúng học được và có kiến thức về cách thức hoạt động của động vật, cũng như tự tin hơn về khả năng đối phó của bản thân. Khi nhìn nhận nỗi sợ hãi của trẻ theo cách này, bạn sẽ dễ dàng tiếp cận và giúp trẻ xử lý vấn đề hơn.
- Bạn quyết định có nên can thiệp hay không : Phản ứng sợ hãi và nỗi sợ hãi của trẻ đối với động vật hầu hết là bình thường. Đối với những trường hợp bạn cho rằng mình cần can thiệp để giúp con vượt qua nỗi sợ, bạn cần xem xét 3 yếu tố gồm: tần suất, cường độ và thời lượng cơn sợ hãi của trẻ. Nếu trẻ chỉ hơi lo lắng khi đi sở thú, thì rất có thể trẻ sẽ tự thoát khỏi sự khó chịu mà không cần sự trợ giúp nào. Tuy nhiên, nếu nỗi sợ của trẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con theo bất kì cách nào – khả năng đi học, đi chơi, đi ra ngoài, đến thăm nhà bạn bè người thân – thì chắc chắn bạn cần can thiệp.
Bạn có thể giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi với động vật. Ảnh: DogTime
- Bạn hãy lắng nghe trẻ : Bạn thấy đã đến lúc cần giúp con giải quyết nỗi sợ hãi với động vật? Tuy nhiên, đừng vội hành động mà trước tiên bạn hãy lắng nghe trẻ. Bạn hãy khuyến khích trẻ nói cho bạn biết vì sao trẻ lại sợ động vật bằng những câu hỏi như: “Mẹ thấy con có vẻ sợ chú chó nhà bạn Ben, con có thể nói cho mẹ biết vì sao không? Con sợ chú chó sẽ làm gì phải không? Hay có chuyện gì đã xảy ra khiến con sợ thế?”. Nếu trẻ có thể bày tỏ điều con sợ một cách cụ thể, bạn sẽ có được manh mối về cách giúp đỡ trẻ đối mặt với nỗi sợ của mình một cách hiệu quả nhất.
- Bạn hãy tôn trọng cảm giác sợ hãi của trẻ : Bạn hãy cho trẻ biết rằng bạn hiểu trẻ sợ và không có gì sai hoặc đáng xấu hổ về nỗi sợ đó cả. Tuy nhiên, bạn không nên củng cố nỗi sợ của con bằng cách khuyên chúng tránh xa con vật mà chúng sợ. Việc này sẽ không giúp giải quyết tận gốc vấn đề. Thay vì vậy, hãy trò chuyện và động viên con (với sự hỗ trợ của bạn) cố gắng đối mặt với con vật mà chúng sợ. Bạn có thể nói: “Mẹ biết chú chó đó khiến con rất sợ vì nó to lớn và thích đến gần con. Nhưng chó làm vậy vì chúng thích con đấy. Chúng ta sẽ cùng nhau đến gần chúng từng chút một để giúp con thấy thoải mái hơn nhé.”
- Bạn hãy củng cố sức mạnh của trẻ : Trẻ em thường thấy rằng nếu chúng sợ động vật, chúng sẽ không thể làm gì để khiến mọi thứ khác đi. Bạn hãy giúp trẻ hiểu rằng ngay cả khi sợ hãi điều gì đó, con vẫn có thể vượt qua bằng cách cố gắng đối mặt với nó. Bạn cũng cần thừa nhận rằng điều này sẽ thật khó khăn, nhưng nhấn mạnh nếu trẻ dũng cảm đối mặt, con có thể làm cho nỗi sợ biến mất. Bạn hãy chỉ ra những ví dụ của chính trẻ trước đó để chứng minh, ví dụ như lần đầu tiên trẻ đi xe đạp . Việc này sẽ giúp nhắc trẻ nhớ rằng chúng có thể đối mặt với thử thách.
Bạn hãy giúp trẻ hiểu rằng ngay cả khi sợ động vật hay điều gì đó, con vẫn có thể vượt qua bằng cách cố gắng đối mặt với nó. Ảnh Internet
- Bạn hãy giúp con phá vỡ nỗi sợ hãi động vật : Đây là bước tiếp theo trong cách dạy con về động vật để giúp con không còn sợ nữa.Ví dụ nếu trẻ sợ chó, bạn đừng giúp trẻ bằng cách vội vàng để một chú chó đến liếm tay con. Mọi thứ chắc chắn sẽ kết thúc trong nước mắt và công việc của bạn sẽ trở nên khó khăn hơn. Thay vì vậy, bạn hãy thực hiện kế hoạch từng bước một để giúp con ngày càng thấy thoải mái hơn. Đầu tiên, bạn hãy cho trẻ xem hình ảnh về những chú chó. Tiếp theo là đọc sách về chó, mua chó nhồi bông cho trẻ chơi cùng. Khi bạn thấy trẻ có thể nói về chó mà không còn biểu hiện sợ hãi hay lo lắng, hãy cho con nhìn thấy một chú chó sau hàng rào. Việc này sẽ giúp con cảm thấy hoàn toàn an toàn. Sau đó, bạn hãy cho trẻ ở cùng phòng với chó, ngồi cạnh, và cuối cùng là vuốt ve chúng khi trẻ đã sẵn sàng.
- Bạn hãy củng cố thành công của trẻ : Bạn có thể xây dựng hệ thống khen thưởng để tạo động lực cho trẻ. Phần thưởng có thể là một miếng sticker vui vẻ, một khoảng thời gian vui chơi cùng bố mẹ hay một món đồ nào đó mà trẻ yêu thích. Chúng giúp trẻ biết được bạn đang đồng hành và công nhận sự nỗ lực của trẻ. Việc khen thưởng sẽ cho trẻ thấy cả hai bạn đang cùng tham gia vào hành trình và bạn tự tin rằng con có thể thành công.
- Bạn hãy làm cho quá trình “chiến đấu” của trẻ trở nên thật hào hứng: Chắc chắn bạn sẽ không muốn trẻ coi việc chống lại sự sợ hãi động vật là một công việc vặt vãnh, hay là việc bạn buộc trẻ làm. Bạn hãy giúp trẻ thấy hứng khởi hơn bằng cách đập tay khen ngợi sự dũng cảm của trẻ, mỗi khi con tiến được một bước trong hành trình khắc phục nỗi sợ của mình.
- Bạn hãy cân nhắc sự giúp đỡ của chuyên gia : Nếu bạn có cùng nỗi sợ hãi với con hoặc bạn đã cố gắng giúp đỡ con nhưng không thành công thì nên nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia. Đặc biệt nếu nỗi sợ hãi động vật thực sự làm suy giảm khả năng hoạt động bình thường và gây ra tình trạng căng thẳng ở trẻ. Một nhà tâm lý học trẻ em có thể hướng dẫn cả bạn và con một cách hiệu quả hơn.
Bạn hãy khen ngợi trẻ nếu con khắc phục được nỗi sợ khi đến gần hoặc chơi với vật nuôi. Ảnh Internet
3. Dạy trẻ các con vật như thế nào để con hình thành tình yêu thương với chúng
Một số nguyên tắc quan trọng bạn nên sử dụng khi dạy trẻ các con vật để giúp con hình thành tình yêu thương với chúng như:
- Hãy nựng vật nuôi đúng cách : “Nhẹ nhàng” là từ mà bạn nên lặp đi lặp lại với trẻ khi con muốn ôm, bế, nựng động vật. Một số trẻ sẽ chạm nhẹ và vuốt ve trong khi những trẻ khác lại thích chụp, túm lấy hay kéo một con vật. Bạn hãy dạy trẻ vuốt ve động vật có lông theo hướng lông của chúng mọc, và tránh đụng vào những khu vực nhạy cảm.
- Không kéo đuôi động vật : Đuôi là bộ phận rất cám dỗ trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ đang đi chập chững. Bạn hãy nhắc nhở trẻ rằng đuôi có vẻ trông rất vui nếu kéo chúng, nhưng thực tế không phải như vậy, trẻ không nên kéo đuôi bất kì con vật nào. Hãy đưa ra một thông điệp đơn giản để trẻ dễ ghi nhớ, đó là: “Không kéo đuôi, chạm nhẹ nhàng.”
- Không đá động vật : Điều này không cần phải nói ra. Tuy nhiên một đứa trẻ đôi khi bị quá khích và có hành động mạnh bạo với động vật. Một lần nữa, bạn hãy nhắc lại thông điệp “Không kéo đuôi, chạm nhẹ nhàng” và hướng dẫn trẻ cách vuốt ve con vật.
- Không trêu chọc động vật : Một trẻ lớn có thể hình thành suy nghĩ sẽ vuốt ve động vật một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên trẻ đôi khi chưa ý thức được rằng con có thể khiến động vật nổi giận dù không chạm vào chúng. Bạn hãy nhắc trẻ không bao giờ ném đồ vào động vật, không la hét vào mặt chúng hoặc cố làm chúng giật mình. Một số trẻ cho rằng sẽ rất vui và buồn cười khi hù một con mèo hay chó. Bạn cần cho trẻ biết rằng động vật sẽ thấy khó chịu khi trẻ làm như vậy với chúng, thậm chí chúng có thể bất ngờ cắn hoặc cào gây nguy hiểm cho trẻ.
Bạn hãy dạy trẻ biết yêu thương và đối xử tử tế với động vật. Ảnh: Positive Vegan Parenting
- Giúp trẻ học các dấu hiệu biểu hiện sự khó chịu khi bạn dạy trẻ các con vật : Bạn hãy dạy trẻ về việc khi một con vật sợ hãi, chúng có thể phản ứng để tự vệ. Nếu một con vật đang cố gắng chạy đi, hãy để chúng đi. Lúc này trẻ không nên đuổi theo dù có muốn con vật quay lại như thế nào đi nữa. Rên và gầm gừ là dấu hiệu cho thấy một con vật đang khó chịu hay sợ hãi. Khi động vật có những biểu hiện này, trẻ cần dừng ngay các hành vi kích động chúng.
- Quan sát động vật hoang dã mà không chạm vào chúng : Đây cũng là một cách dạy trẻ các con vật vô cùng hữu ích. Bạn hãy khuyến khích trẻ quan sát các con vật, cách chúng di chuyển tương tác với nhau. Đây là cơ hội tuyệt vời giúp trẻ rèn luyện sự kiên nhẫn, tính tập trung và khả năng kiềm chế của mình.
- Tôn trọng tự nhiên và môi trường sống của động vật : Bạn hãy giải thích cho trẻ rằng ngoài trời là nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã. Có nhiều loài thậm chí chúng ta không nhìn thấy. Khi chúng ta chăm sóc ngôi nhà của động vật là chúng ta đang chăm sóc chính chúng. Khi chúng ta xả rác bừa bãi, phá rừng, cây cối là chúng ta đang làm tổn hại đến ngôi nhà của các loài động vật. Cách giải thích này sẽ giúp trẻ hiểu được vấn đề tôn trọng và bảo vệ môi trường một cách dễ dàng hơn.
- Đưa trẻ đến thăm những nơi nuôi dưỡng và bảo vệ động vật hoang dã: Đây là nơi trẻ có thể tìm hiểu về cuộc sống của động vật và cách bảo vệ chúng.
Bạn hãy giúp trẻ học được các biểu hiện cụ thể của các con vật, điều này giúp con an toàn hơn khi tiếp xúc hoặc chơi với chúng. Ảnh Internet
Dạy trẻ các con vật không đơn thuần chỉ là nhận biết, phân loại theo hình dáng bề ngoài của chúng. Trẻ nên học cách quan tâm đến những tạo vật nhỏ bé, yếu thế cũng như to lớn, nhiều sức mạnh hơn mình. Chúng cũng nên được dạy cả cách tôn trọng tự nhiên và đối xử tử tế với động vật. Đó chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ hình thành và xây dựng lòng bao dung , sự tử tế đối với con người – món quà tuyệt vời mà trẻ sẽ mang theo suốt cuộc đời.