Những vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục gần đây xảy ra liên tục khiến các bậc cha mẹ lo lắng nhưng không biết làm thế nào để bảo vệ con mình mọi lúc mọi nơi. Hậu quả để lại của việc xâm hại tình dục, không những là những tổn thương về thể chất, mà về tinh thần cũng thực sự khó khắc phục.
Sự suy sụp tinh thần, hoảng loạn có xu hướng muốn tự tử hay tự hủy hoại mình, thái độ muốn trả thù đời hoặc đi tìm sự quên lãng trong tệ nạn là những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cha mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên con, vì chúng còn đi học còn đi chơi với bạn bè. Vì vậy, bạn cần dạy trẻ cách tự bảo vệ mình. Bằng cách nào?
Theo hướng dẫn của Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ lao động Thương binh và xã hội), các bậc cha mẹ cần nói cho con biết những thông tin đúng đắn, chính xác về khi nào, ở đâu trẻ dễ bị xâm hại tình dục và ai là người có thể xâm hại trẻ. Hãy nói cho trẻ biết, những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, trông bề ngoài cũng giống như những người bình thường khác, thậm chí là người quen thân, sống trong cùng khu phố hàng xóm với các em...
Tâm lý chung của những kẻ xâm hại tình dục thường tìm những đối tượng thân quen mà chúng quen biết. Chính sự gần gũi đã tạo nên ham muốn xâm hại ở những kẻ này, đồng thời tạo sự tin tưởng cho trẻ, nên không có sự đề phòng từ trẻ và cả các bậc cha mẹ. Nó cũng làm cho kẻ xâm hại dễ có thời cơ thực hiện ý định của mình.
Một số nguyên tắc an toàn cá nhân mà cha mẹ cần dạy trẻ
- Dạy trẻ biết nói "không" với người lớn:
Trẻ thường được dạy là phải biết nghe lời người lớn, mới là đứa trẻ ngoan. Chính vì sự dạy dỗ đó mà trẻ em rất tin cậy vào người lớn, do đó dễ bị lừa gạt mua chuộc, dễ bị trấn áp về tinh thần và thể lực. Vì vậy các bậc cha mẹ cần phải dạy và đôi khi cho phép trẻ từ chối, để tự bảo vệ mình trong những tình huống bất lợi như có người rủ đi vào chỗ vắng, tối tăm trẻ cần cương quyết từ chối.
- Dạy trẻ biết làm chủ cơ thể mình:
Bạn cần hướng dẫn cho trẻ biết ai là người có thể chạm vào người và chạm như thế nào để làm gì. Hãy dạy trẻ cách từ chối không cho người khác giới động chạm vào cơ thể, vào những khu vực nhạy cảm. Hãy hướng dẫn trẻ cách phản ứng khi người khác động chạm vào "vùng cấm" đã được cha mẹ chỉ bảo.
Một điều quan trọng là cha mẹ cần giúp trẻ cảm thấy thoải mái, tự tin khi bước vào tuổi dậy thì. Việc trẻ cảm thấy bỡ ngỡ, lúng túng và tò mò trước những thay đổi cũng là nguyên nhân của nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em.
- Hướng dẫn trẻ tránh xa những tình huống bất lợi:
Cha mẹ nên dạy cho trẻ biết cách quan sát và nhận biết các hành vi xâm hại tình dục, biết cách tránh xa bất kỳ ai và những nơi trẻ cảm thấy không an toàn hoặc bị đe doạ, sợ hãi như những người rượu chè, tránh nơi tối tăm, tránh xem những sách báo phim ảnh đồi truỵ. Giúp trẻ biết cách tránh thực hiện những hành động vô tình khiến người khác cảm thấy bị khêu gợi, kích thích, đặc biệt trong cách ăn mặc, cử chỉ, cách nằm... tránh sự thúc đẩy xâm hại tình dục.
- Dạy trẻ tin vào linh tính của mình:
Trẻ em có sự nhạy cảm tự nhiên về những bất thường đang đến. Do đó cha mẹ nên dạy trẻ tin vào linh tính của mình. Khi cảm thấy có gì bất thường thì trẻ cũng đã đề phòng.
- Dạy trẻ biết những điều gì không nên giữ bí mật:
Nhiều kẻ xâm hại tình dục thường dụ dỗ, đe doạ hay ép buộc để trẻ không nói ra cho ai biết. Cha mẹ cần dạy trẻ biết không nên sợ những lời đe doạ. Hãy tạo niềm tin rằng bố mẹ có thể giúp trẻ giải quyết mọi sự sợ hãi hay đau đớn.
- Dạy trẻ biết tìm người giúp đỡ:
Trẻ cần được chỉ dẫn cách tìm người giúp đỡ, nếu trẻ bị sờ mó thô lỗ. Bạn cần nói với trẻ rằng mọi người luôn sẵn sàng bảo vệ trẻ khi trẻ bị đe doạ. Bên cạnh việc dạy con biết cách tự bảo vệ mình, cha mẹ cũng phải luôn biết rõ con đang ở đâu, với ai. Hãy thường xuyên nói chuyện với con để biết điều gì diễn ra khi con ở một mình với người được gửi gắm.
Cuối cùng một điều cần lưu ý trong việc dạy dỗ trẻ là bạn phải thật khéo léo, không nên làm cho trẻ sợ hãi hoặc tẩy chay người lớn, mà chỉ giúp trẻ tự bảo vệ mình. Cha mẹ nên nhấn mạnh rằng, chỉ có ít người xấu mới muốn làm hại trẻ, còn người lớn ai cũng yêu quý và chăm lo cho trẻ.
Theo Tin Tức