Vụ việc cháu bé ở Bắc Ninh bị bắt cóc trong lúc bố sơ sẩy một vài phút đặt ra vấn đề bảo vệ con trẻ thế nào trước người lạ, trang bị kỹ năng sống thế nào để giúp trẻ an toàn?
Cha mẹ cần biết những kỹ năng mà con trẻ cần khi tiếp cận người lạ
“Những người lạ có thể tin tưởng”
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ, Hạnh phúc, Kỹ năng sống cho hay, sự việc cháu bé bị bắt cóc ở Bắc Ninh khiến bản thân bà cũng như nhiều người khác phải giật mình về sự bất cẩn, chủ quan khi trông trẻ.
Trong bối cảnh thực tế xã hội có nhiều tình huống phức tạp, nguy hiểm có thể rình rập trẻ ở bất cứ đâu thì chính người lớn phải tự trang bị kiến thức làm cha mẹ một cách an toàn để bảo vệ trẻ.
Cho con chơi ở công viên, vào siêu thị, trung tâm thương mại… không ít cha mẹ mải mê xem điện thoại, để mặc con chơi, thiếu giảm sát… tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tai nạn, lạc, thậm chí là bị bắt cóc. Qua sự việc này, phụ huynh nên cảnh tỉnh, có phương pháp giám sát trẻ tốt hơn, không phó mặc cho các trò chơi hay điện thoại.
“Hãy áp dụng cách nuôi dạy con từ nhỏ để giúp trẻ biết quan sát và đánh giá người lạ thông qua một số tình huống trong thực tế. Từ đó, con có thể tự rút kinh nghiệm cho bản thân và sẽ tạo điều kiện cho trẻ chủ động hơn trong việc cư xử với người lạ.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể chỉ ra những người mà con có thể tin tưởng được. Ngoài những người thân trong gia đình như ông bà, cô dì, chú bác thì các em có thể tin cậy vào thầy cô, công an, cảnh sát…
Bố mẹ hãy tập cho con quan sát gương mặt, lắng nghe lời nói cũng như thái độ, biểu cảm của họ để nhận biết được mức độ chân thành và cách ứng xử phù hợp”, chuyên gia Lê Thị Túy khuyên.
Chắc chắn cha mẹ không thể bên con mọi lúc. Do vậy, cần trò chuyện với con nhiều hơn về những mối quan hệ của trẻ. Bố mẹ có thể đưa ra nhiều tình huống và cách dạy con thông minh để con có ứng xử cho phù hợp và khéo léo. Hãy cùng con phân tích và tìm cách xử lý này những tình huống có thể xảy ra, kể cả trong tình huống xấu nhất.
Khi dạy con đối phó người lạ, bố mẹ có thể giải thích cho con biết thế giới vốn đa diện. Bên cạnh những người tốt vẫn còn có nhiều người chưa tốt. Đối với trẻ còn quá nhỏ, chưa có khả năng nhận thức đầy đủ thì việc giám sát trẻ ở nơi công cộng là đặc biệt quan trọng.
Theo trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, những kẻ bắt cóc trẻ em rất manh động và nhiều thủ đoạn. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, trước hết là do sự chủ quan, mất cảnh giác của cha mẹ trong việc trông coi, giáo dục trẻ. Trẻ thiếu kỹ năng phòng, chống bắt cóc.
Điều cốt lõi để bảo vệ trẻ khỏi tình huống bị bắt cóc là việc giáo dục kỹ năng. Cần dạy trẻ thuộc họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, nghề nghiệp của bố mẹ. Nhưng phải giữ bí mật những thông tin này. Chỉ nói với những người “những người lạ có thể tin tưởng”.
Cha mẹ cần tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình.
Không ỷ vào thiết bị giám sát
TS Đinh Cảnh Nhạc - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, khi đưa trẻ đi chơi, hoặc đi mua sắm, đôi khi bố mẹ chăm chú, tập trung vào việc mua hàng mà không để ý đến con. Hoặc cũng có những trường hợp nghe điện thoại, nhắn tin, lướt mạng không chú ý vào con. Tất cả những điều này cần phải tránh. Bởi chỉ cần một phút lơ là của cha mẹ, trẻ đã có thể gặp nguy hiểm. Chưa cần là bắt cóc, mà các tai nạn cũng luôn rình rập.
Để giữ an toàn, khi đi ra ngoài, các bậc cha mẹ luôn nắm tay con. Hoặc luôn để trẻ đi trước và phải ở trong tầm quan sát của bố mẹ. Thực tế, có không ít các bậc cha mẹ, luôn để con đi sau, bố mẹ đi trước bấm điện thoại, khi quay lại không thấy con đâu. Trong khi đó, kẻ bắt cóc rất nhanh, có khi sử dụng khăn mùi xoa thuốc mê úp vào mặt, dễ dàng bế trẻ đi mất.
Phụ huynh cần phải biết cách nuôi dạy con từ nhỏ để tạo cho trẻ thói quen tự lập. Dặn con khi gặp người lạ, những người chưa từng gặp thì không được đi theo. Nên giữ khoảng cách để tránh những trường hợp xấu xảy ra. Đó là cách dạy trẻ tự lập cơ bản nhất.
“Trường hợp xấu, không tìm thấy con, ngay lập tức báo cho cơ quan công an và huy động người thân tìm kiếm. Không nên hoảng loạn, ôm nhau khóc lóc, trách móc, than thở… bởi tìm càng sớm thì cơ hội an toàn cho trẻ càng cao”, bà Lê Thị Túy cho hay.
Bà Lê Thị Túy cho hay, hiện trên thị trường có nhiều thiết bị giám sát trẻ thông minh như đồng hồ định vị, chip giám sát… Song nếu ỉ lại vào công nghệ mà lơ là việc giám sát trẻ cũng rất nguy hiểm bởi công nghệ cũng rất dễ dàng bị điều khiển.
Cái gốc của vấn đề là giáo dục, hình thành kỹ năng cho trẻ từ sớm. Khi đưa con đến các khu vui chơi như công viên, khu vui chơi, việc giám sát con liên tục là rất cần thiết.
Nhiều cha mẹ thả con vào công viên là yên tâm ngồi xem điện thoại, rất không nên như vậy. Hãy dành thời gian chơi cùng trẻ, dạy trẻ cách trải nghiệm với thiên nhiên, chia sẻ các kỹ năng vận động, quan sát, tìm hiểu với trẻ… Có như thế việc đưa trẻ đi chơi mới có ý nghĩa, đảm bảo an toàn cho trẻ trước những nguy cơ rình rập.