Bạn đã gặp trường hợp "nói một đằng" thì trẻ lại cố tình "làm một nẻo"? Tập cho trẻ biết nghe lời là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo. Hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây của các chuyên gia tư vấn:
1. Trước tiên, bạn hãy là một người rộng lượng. Đừng quá xét nét, "bới lông tìm vết" và làm trầm trọng hóa mọi hành vi của trẻ, khiến trẻ không thấy được mức độ lỗi lầm cần sửa chữa của mình.
2. Giải thích rõ ràng và ngắn gọn cho trẻ hiểu hình thức kỷ luật đối với những sai phạm.
3. Không nên sử dụng sự hài hước hay cách nói chuyện "như giỡn" khi đề cập với trẻ về sự kỷ luật. Cho trẻ những ví dụ càng cụ thể càng tốt.
4. Nói chuyện với trẻ phù hợp độ tuổi của chúng, và hãy duy trì việc nhìn vào mắt trẻ khi trò chuyện.
5. Giảng giải cho trẻ hiểu rõ trách nhiệm của mình, tuyệt đối đừng quát mắng hay hù dọa trẻ. Nếu trẻ thừa nhận lỗi và hứa sửa chữa, bạn có thể áp dụng hình thức "cảnh cáo", nhưng nếu sai phạm cứ tái đi tái lại, bạn phải áp dụng hình thức kỷ luật như đã đề ra.
6. Hãy kiên định theo kỷ luật bạn đã đặt ra. Đừng "lung lay" khi thấy trẻ khóc, hờn, thậm chí tỏ vẻ "xuống nước".
7. Bước đầu, bạn nên thường xuyên quan sát, nhắc nhở và uốn nắn trẻ, cho đến khi mọi thứ đã đi vào nền nếp bạn mới có thể "thả lỏng" cho trẻ tự giác.
8. Những lời dặn dò của bạn, những công việc bạn giao phó cho trẻ phải thật cụ thể, rõ ràng và đảm bảo đúng với nhận thức ở lứa tuổi của trẻ.
9. Nếu trẻ phạm những sai lầm nghiêm trọng khiến bạn bực mình, hãy để trẻ chờ đợi bạn ra hình phạt. Bạn cũng nên làm việc gì đó để đầu mình "nguội" bớt. Việc chờ đợi còn làm cho trẻ phải suy nghĩ nhiều về sai lầm của mình và những "hậu quả" sắp xảy ra. Điều đó còn có ích hơn là những lời quát mắng thiếu kiềm chế của bạn.
10. Người lớn trong gia đình phải thống nhất trong việc giáo dục và ra hình phạt với trẻ, tránh tình trạng cha nghiêm khắc còn mẹ nuông chiều hay ngược lại. Điều này sẽ làm trẻ không nhận ra đâu là việc mình nên làm, và dẫn đến tình trạng bướng bỉnh, khó dạy.
Theo phunuonline.com.vn