Đồ chơi trẻ em kích thích sự sáng tạo
Ở giai đoạn bé từ 1 tuổi trở đi, cha mẹ có thể giúp bé phát triển sự sáng tạo, nhận thức bằng những đồ chơi trẻ em có tính giáo dục như đồ chơi lắp ghép, đồ chơi xếp hình, đồ chơi phát ra âm thanh, sách tranh ảnh.
Khi bé từ 1 tuổi trở lên cũng chính là giai đoạn bé học hỏi tốt nhất. Với bé bây giờ thì đồ chơi không chỉ giúp bé vui mà còn giúp bé phát triển sự sáng tạo và tìm hiểu thế giới bên ngoài, vì vậy việc lựa chọn đồ chơi trẻ em cần sự chăm chút hơn của cha mẹ. Cha mẹ có thể tham khảo một số đồ chơi trẻ em kích thích sự sáng tạo sau:
1. Đồ chơi lắp ghép
Không có gì kích thích sự sáng tạo của bé bằng đồ chơi lắp ghép. Bạn có thể tập cho bé chơi đồ chơi này bằng dạng lắp ghép hình khối để bé có thể thỏa sức sáng tạo, lắp ghép những gì bé thích, hoặc đơn giản là ghép chúng lại thật cao, cao hơn cả bé, rồi từ từ tháo từng cái một ra. Chắc chắn loại đồ chơi này sẽ được đưa vào danh sách yêu thích của bé. Bạn nên lưu ý chọn những mảnh lắp ghép có bo tròn ở các cạnh và không quá sắc, nhọn, để bé không bị thương khi chơi nhé.
2. Đồ chơi xếp hình
Một lựa chọn khác cho bé 1 tuổi là đồ chơi xếp hình. Bạn nên cho bé bắt đầu với việc xếp các mảnh ghép vào các ô có hình dạng tròn, vuông, chữ nhật đơn giản. Sau khi bé đã nhuần nhuyễn việc nhận dạng hình dáng đồ vật thì mới chuyển sang cho bé ghép những mẫu hình đơn giản có từ 5 – 10 miếng ghép.
3. Đồ chơi phát ra âm thanh
Bé 1 tuổi bắt đầu thích nghịch phá với âm thanh và tạo ra những tiếng động ồn ào. Để giúp bé nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc và cũng để người lớn đỡ nhức đầu thì một món đồ chơi phát ra những tiếng nhạc du dương, nhẹ nhàng là lựa chọn tốt cho các bậc cha mẹ. Nếu theo xu hướng hiện đại thì bạn có thể chọn đàn đồ chơi mini, điện thoại phát ra tiếng nhạc, hộp âm nhạc…. Nếu theo xu hướng truyến thống, bạn có thể chọn các bộ đàn gõ, trống đánh bằng tay…
4. Sách
Cho đến khi 1 tuổi, bé có thể sẽ chưa cần đến sách, nhưng từ lứa tuổi này trở đi, bạn nên mua cho bé vài cuốn sách để tập thói quen đọc sách sau này. Sách cho bé 1 tuổi chưa cần phải chú ý quá nhiều đến nội dung câu chữ trong sách, mà nên chú ý đến phần trình bày. Sách nên có khổ lớn, hình ảnh đẹp, màu sắc tươi vui, bắt mắt để bé thấy thích thú khi nhìn vào hoặc có phần chưa tô màu để bé thỏa sức chơi đùa với màu sắc.. Bạn nên kể sơ câu chuyện, ứng với từng hình ảnh để bé hiểu cẩu chuyện mỗi khi lật từng trang sách. Có bé sẽ không nhớ nhiều về chuyện bạn kể, nhưng cũng có bé sẽ có thể kể lại vanh vách từng trang sách như chính bé có thể đọc được chữ vậy.