Gợi ý để bạn giúp bé hòa nhập với cha mẹ, người thân hoặc nhóm bạn chơi ở nhiều độ tuổi khác nhau. Qua đó, bé sẽ xây dựng được tinh thần tự tin, độc lập khi tham gia vào các hoạt động chung.
Lời nói nhẹ nhàng
Nhấn mạnh đến vai trò của bé sẽ khiến bé háo hức muốn hợp tác cùng cha mẹ hơn. Khi muốn gây sự chú ý và nhờ bé giúp đỡ, thay vì: "Mẹ muốn con đến đây, dọn sạch đống đồ chơi này", bạn có thể đổi thành "Con giúp mẹ cất đồ chơi đi nhé. Con ngoan lắm".
Với bé lớn hơn, bạn có thể mô tả tình huống và để bé tự tìm ra câu trả lời; chẳng hạn, bạn khẽ nhắc:"Thùng rác trống trơn vì con ăn kẹo xong nhưng lại vứt vỏ lên sàn nhà". Bé sẽ tự quan sát, kiểm điểm lại bản thân và biết cách bỏ rác đúng nơi quy định cho những lần sau đó mà không cần bạn phải nhắc nhở.
Tổ chức nhiều hoạt động vui vẻ
Những trò chơi đồng đội là cách lý thú động viên tinh thần hợp tác của bé; bởi vì, bé sẽ chịu sự tác động của những thành viên khác trong đội. Bạn nên cho phép bé tham gia một đội bóng thiếu nhi, các hoạt động thể thao lành mạnh khác. Chúng sẽ giúp bé nhận biết được giá trị của tinh thần hợp tác đồng đội, nếu muốn giành được chiến thắng.
Với bé ở độ tuổi nhỏ hơn, những trò chơi nhóm còn giúp bé tăng cơ hội phát triển ngôn từ, kỹ năng hội thoại. Bạn nên để bé thích thú với những trò vui với các bé cùng độ tuổi hoặc các bé lớn hơn, kể cả người lớn. Bé sẽ học được cách hòa hợp với nhiều người ở các độ tuổi khác nhau.
Nhắc bé làm việc nhà bằng giấy nhắn tin
Cha mẹ thường không thể ở bên cạnh bé suốt cả ngày; vì thế, những mảnh giấy nhắn là cách nhắc nhở bé (đã biết chữ) làm việc nhà một cách tự giác mà không cần bạn phải giám sát bé quá tỉ mỉ.
Phụ huynh có thể để lại lời nhắn cho bé trên một chiếc bảng phân việc hoặc những mẩu giấy nhỏ, gắn ở những nơi bé dễ tìm được. Nhấn mạnh với bé rằng, bạn rất vui lòng hoặc tự hào nếu bé có ý thức hoàn thành những phần việc được giao.
Nhờ cậy đến người thân
Với nhiều bé, mảnh giấy nhắn của cha mẹ chẳng có ý nghĩa gì nếu bé không có người giám sát. Lúc này, bạn có thể nhờ người thân (hoặc người giúp việc) hợp tác cùng bé trong việc mặc quần áo, dọn phòng, làm bài tập... Bạn nên thảo luận để người thân (hoặc người giúp việc) không làm hư bé bằng cách quá nuông chiều, giành hết phần việc nhà của bé. Nếu bé gặt hái được những hành vi tốt, bạn nên khen thưởng cho bé.
Theo mevabe.net