Đừng bỏ qua 7 tư tưởng dạy con tuyệt vời
Bên cạnh những tư tưởng dạy con truyền thống, bố mẹ có thể tham khảo những suy nghĩ mới chẳng hạn như dạy bé cách nói “không” và đáp trả lại khi bị bắt nạt.
Nhiều bố mẹ thường cảm thấy bế tắc khi vừa muốn giúp con vừa lo lắng sẽ làm mọi việc tồi tệ hơn nếu họ can thiệp vào chuyện của con. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Dù bố mẹ luôn muốn bảo vệ con nhưng sẽ có những tình huống bé cần tự mình giải quyết vấn đề. 7 tư tưởng dạy con hữu ích sau đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc dạy con.
1. Học cách nói không
Hình thành thói quen giúp đỡ mọi người là tư tưởng dạy con rất tốt, nhưng vẫn có những lúc bé cần nói “không” khi được nhờ vả, chẳng hạn như chỉ bài cho bạn trong giờ kiểm tra. Nếu trẻ đồng ý giúp bạn, giáo viên sẽ nhận thấy điểm giống nhau giữa các bài làm và sẽ hạ điểm của cả hai xuống.
Giải thích cho con rằng nếu cố gắng học bài, bé mới có để đạt được kết quả tốt và thật không công bằng khi bạn không làm gì mà vẫn đạt điểm bằng hoặc thậm chí còn cao hơn con.
Bên cạnh đó, bạn cũng dạy con cách từ chối. Thay vì nói “không” một cách lạnh lùng, bé nên giải thích như: “Mình đang tập trung, bạn đừng làm mình xao lãng”. Như vậy, bé sẽ cảm thấy tự tin hơn và không ai làm bé phân tâm.
2. Học cách đáp trả
Hiện nay, tình trạng bắt nạt học đường không còn quá xa lạ và thật không may nếu con rơi vào tầm ngắm của những đứa trẻ xấu. Chúng luôn chế giễu, biến con thành trò cười trước mặt nhiều người và khiến con ngày càng tự ti, từ đó khép mình lại và không muốn đến trường.
Trong tình huống này, bạn không nên can thiệp vào trực tiếp bởi đôi khi sẽ khiến câu chuyện trở nên tệ hơn. Hãy giải thích rằng, trên thực tế, những kẻ bắt nạt luôn có vấn đề bởi vì chúng muốn bản thân trở nên mạnh mẽ bằng cách khiến người khác phục tùng và sợ hãi mình.
Bé nên cho người khác thấy rằng những lời của kẻ bắt nạt không thể làm con khó chịu. Nếu bé bật cười trong khi nhìn thẳng vào mắt người bắt nạt và tỏ ra rằng mình không quan tâm, những người còn lại sẽ mất hứng thú vì chẳng có gì làm chúng thú vị nữa.
3. Điểm số không phải tất cả
Đây là tư tưởng dạy con mà không chỉ bé mà bố mẹ cũng nên áp dụng bởi con số không nói lên được tất cả. Mỗi khi con bị điểm kém, bé lo sợ bị la mắng và nhận được hình phạt khi thông báo kết quả cho bố mẹ.
Thêm vào đó, nhiều bố mẹ vô tình gây áp lực cho con vì nghĩ: “Con nít chỉ có mỗi ăn với học chứ có phải làm gì nhiều nên cần phải học cho tốt”. Tất nhiên, kiến thức là quan trọng nhưng mọi người không cần quá tập trung vào điều này.
Hãy cho con thấy tình yêu, sự động viên của bố mẹ vượt lên trên mọi kết quả. Chỉ cần khơi gợi tinh thần cố gắng quyết tâm của trẻ cũng đủ giúp con chiến thắng được các thử thách trong tương lai.
4. Bảo vệ, giúp đỡ người yếu hơn
Nếu một ngày bé trở về nhà và kể với bố mẹ rằng bạn ngồi kế bên con bị người khác bắt nạt, bé biết điều đó là sai nhưng lại không biết phải làm gì để giúp cũng như sợ mình sẽ là nạn nhân kế tiếp thì bạn sẽ hành động như thế nào?
Thật ra, không chỉ trẻ nhỏ mà đôi khi người lớn cũng có những lúc trải qua cảm giác phải “nhắm mắt làm ngơ”. Tuy nhiên, trong tình huống này, bạn có thể dạy con cùng người bạn bị bắt nạt lên thông báo với cô giáo để cô có những biện pháp xử lý bạn hay bắt nạt bạn bè. Những bạn thường bị bắt nạt có thể kết hợp với nhau để bạn bắt nạt không có cơ hội làm điều xấu nữa.
Ngoài ra, bạn cũng dạy con biết thông cảm và có tinh thần trách nhiệm, bắt đầu với những hành động nhỏ như nhận chăm sóc thú cưng, phụ mẹ trông em, giúp ông chăm sóc cây cối trong vườn…
5. Thư giãn đúng lúc
Trẻ nhỏ sẽ có lúc cảm thấy mệt mỏi sau một ngày ở trường, sau đó tham gia các lớp học Anh văn, năng khiếu… Lúc này, điều bé cần là được nghỉ ngơi.
Bố mẹ bắt con học thật nhiều vì muốn con có một tương lai tốt đẹp hơn. Thế nhưng, điều này không mang lại niềm vui và hạnh phúc cho trẻ. Do đó, sau những giờ học mệt mỏi, bạn nên dành ra cho bé một giờ mỗi ngày để được thỏa sức vui chơi, làm những điều mình thích như đọc sách, chơi điện tử, đạp xe, đá banh cùng các bạn…
6. Vận động thể thao
Nếu bé nhút nhát hoặc có tính hướng nội, bạn càng nên khuyến khích con ra ngoài vận động nhiều hơn. Bố mẹ có thể khuyến khích bé tham gia các môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, đá banh… hoặc tham gia họp nhóm có chung sở thích với con. Chú ý, bạn không nên phân biệt môn nào dành cho con gái và con trai vì điều này sẽ khiến bé không thích tập luyện thể thao. Bé thích môn thể thao nào thì tham gia môn đó.
Thêm vào đó, vận động thể thao thường xuyên rất tốt cho cơ thể và ngăn chặn được nhiều bệnh nguy hiểm như tim mạch, béo phì, Alzheimer…
7. Yêu bản thân mình
“Bạn An cao hơn con”, “Bạn Bình xinh xắn nên được mọi người thích hơn”, “Con không được chú ý bằng các bạn ấy”… Dù sớm hay muộn, bạn cũng sẽ trở thành chuyên gia tâm lý khi con bắt đầu cảm thấy không hài lòng về vẻ bề ngoài của bản thân mình.
Trẻ nhỏ thường muốn trở nên hấp dẫn và tài năng. Vì vậy, bạn hãy thủ thỉ với con mỗi ngày rằng bé rất xinh. Nếu con có thần tượng, hãy cho trẻ xem ảnh thật của họ khi chưa qua chỉnh sửa hay chưa trang điểm. Điều này chứng minh rằng một người trở nên đẹp đẽ không phải là sự hoàn hảo bên ngoài mà là sự độc đáo ở mỗi cá nhân.
Dĩ nhiên, bé có thể trở nên khác biệt theo cách riêng và bạn không nên ngăn cản điều đó. Ví dụ, khi con thích mang tất 7 sắc cầu vồng hay giày không trùng màu nhau, bạn hãy cứ để bé được tự do thể hiện quan điểm của mình.