Theo các chuyên gia tâm lý, sự phối hợp hài hòa các gam màu có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Ngược lại, thiếu sự hợp lý giữa các màu sắc sẽ gây ra những hiệu ứng tâm lý tác động tiêu cực đến quá trình học tập và các hoạt động khác.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, "màu sắc có đủ mọi khả năng: sinh ra ánh sáng, gây nên sự yên tĩnh hoặc phấn chấn, tạo cảm giác êm dịu hoặc rung động mãnh liệt, đem lại điều tốt lành hoặc đưa đến thảm họa".
Gam màu lạnh giúp trẻ hứng thú
Chúng tôi đã tiến hành một cuộc thực nghiệm với 50 trẻ em (Biên Hòa, Đồng Nai) khi tham gia cùng một hoạt động học tập ở những không gian được bố trí gam màu khác nhau. Kết quả cho thấy đối với những không gian được bố trí gam màu nóng như vàng cam, đỏ, xanh đậm thì hơn 75% số trẻ cảm thấy căng thẳng, chóng chán, mỏi mệt. Còn đối với gam màu lạnh như xanh lam, vàng nhạt, trắng thì trẻ hứng thú hơn, mức độ tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn rất nhiều.
Trong mỗi gia đình, các em thường được ba mẹ sắp xếp một không gian học tập nhất định tùy thuộc những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Song bố trí một không gian hợp lý cho trẻ, phối hợp màu sắc hài hòa, kích thích trẻ thoải mái, thích thú trong học tập thì không phải gia đình nào cũng thực hiện được.
Chị Hoa (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết gia đình chị thiết kế không gian học tập cho bé trên lầu rất yên tĩnh, đầy đủ tiện nghi nhưng cháu luôn có biểu hiện cảm thấy khó chịu và phải di chuyển đến chỗ khác, nhiều lúc cháu bị mất hứng hoặc không tập trung khi phải làm việc trong phòng riêng của mình. Chúng tôi tiến hành kiểm tra và biết được trong phòng học của cháu phần lớn toàn màu vàng cam và hồng đậm, bốn bức tường màu vàng cam cùng những dụng cụ học tập đều là những màu sắc sặc sỡ.
Chị Hoa lý giải màu sắc này phù hợp sở thích của hai vợ chồng, tạo cảm giác ấm cúng và chị cứ nghĩ những màu sắc sống động này kích thích hứng thú của trẻ. Tuy nhiên, sử dụng màu vàng cam trong không gian học tập của bé lại tác động rất mạnh đến thị giác.
Với khí hậu miền Nam ấm nồng thì mùa khô lại càng dễ làm trẻ bị ức chế theo quy luật tác động lẫn nhau giữa các cảm giác. Các dụng cụ học tập lại tác động trực tiếp vào thị giác của trẻ, nếu chỉ có một gam màu nóng trong phòng dễ làm quá trình quan sát bị hạn chế dẫn đến "chai lì", khó tạo ra hứng thú. Với khối lượng kiến thức trẻ tiếp thu ở nhà trường rất lớn, khi về nhà các cháu lại tiếp tục phải làm việc trong không gian học tập tạo cảm giác nóng dễ gây ra những phản ứng trong nhận thức và hành động của các cháu. Đặc biệt là các cháu còn nhỏ tuổi.
Trường hợp gia đình anh Hoàng Hải (Long Thành, Đồng Nai) lại băn khoăn không biết tại sao cứ vào phòng học là con trai anh cảm thấy buồn ngủ, chán chường. Trong khi đó, bố mẹ luôn sắp xếp thời gian để con ăn ngủ điều độ. Sau khi kiểm tra chúng tôi nhận ra màu sắc trong phòng học của cháu là những màu gây ức chế dẫn đến buồn ngủ, bởi ánh sáng của đèn neon cùng với màu xanh ngọc và không có cửa sổ làm không khí trong phòng trở nên ngột ngạt, khó chịu.
Chọn màu cho góc học tập
Để tạo ra một không gian phù hợp nhất, theo các chuyên gia tâm lý, cần thiết kế ở vị trí thuận lợi nhất, có ánh sáng đèn phù hợp, màu sắc từ bốn bức tường cũng như phương tiện học tập phải mang lại cảm giác dễ chịu nhất. Đó là sử dụng các gam màu nhạt hơn, phong phú hơn, tránh cho trẻ phải chịu đựng sự phối hợp các màu nóng như đỏ, vàng cam, xanh đậm. Tốt nhất bức tường trong phòng học nên chọn màu xanh lơ, vàng nhạt hoặc màu trắng tạo cảm giác dễ chịu, yên tĩnh cho trẻ, các giác quan làm việc hiệu quả nhất.
Căn phòng nên chọn hướng lộ thiên, có cửa sổ đón ánh sáng mặt trời và đảm bảo sự thông gió, tránh nơi có nhiều tiếng ồn, nơi nhiều người qua lại, đảm bảo yên tĩnh để trẻ vừa học nhưng cũng có thể thư giãn tại chỗ với "thế giới" xung quanh.
Đối với ánh sáng, phòng học phải được lắp đặt các cửa sổ tiếp nhận ánh nắng mặt trời vào ban ngày. Còn vào buổi tối chúng ta nên sử dụng các loại bóng đèn sợi đốt (có dây tóc) hoặc bóng halogen, đảm bảo ánh sáng phù hợp, lắp đặt vị trí đèn học không trực tiếp chiếu vào mắt. Tránh sử dụng các bóng đèn huỳnh quang như compact trong phòng học, nếu trẻ tập trung học tập trong thời gian dài thì với nguồn sáng của loại bóng này có thể ảnh hưởng đến thị giác.
Bên cạnh đó, cần chú ý những gam màu mà trẻ ưa thích nhất. Màu sắc của giá sách, các đồ dùng trong phòng học của trẻ cần được bố trí hài hòa. Điều đó có thể kích thích được hứng thú thường xuyên đối với trẻ, đảm bảo các quá trình tư duy, tưởng tượng sinh động, phong phú...
Như vậy, chọn màu cho góc học tập của trẻ là điều cần thiết mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Hãy thiết kế phòng học hợp lý, phối các tông màu sắc kích thích tính tích cực của trẻ. Dùng các màu tươi sáng, dịu dàng như xanh nhạt, xanh da trời, xanh lá cây, không dùng màu tối như xám, đen, nâu hoặc các màu quá rực rỡ như đỏ tươi, hồng đậm, vàng cam. Các bậc phụ huynh cần nhớ bất cứ một màu sắc đơn độc nào nếu kéo dài đều gây ức chế tâm lý (màu xanh lam, màu vàng nhạt cũng có nguy cơ như vậy), sẽ khiến trẻ không thoải mái về tinh thần, đảm bảo sức khỏe và mang lại kết quả tốt trong học tập.
NGUYỄN VĂN CÔNG (giảng viên tâm lý học)
Theo Tuổi Trẻ