Ở độ tuổi nào, bé sẽ có khả năng tiếp thu vượt bậc với ngôn ngữ? Bố mẹ đã thực sự thấu hiểu giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ của con?
“Bé luôn hoạt động để thỏa mãn niềm đam mê quan sát. Chẳng hạn nhìn thật kĩ hình dáng miệng của người lớn đang nói, còn chúng ta thường nghĩ rằng, để thu hút sự chú ý của bé cần lớn tiếng hay gọi tên. Thật ra không phải vậy, thay vì nói, chúng ta tạo những chuyển động nhỏ nhưng rõ nét của môi, bé sẽ rất chú ý. Đây chính là điều hấp dẫn bé, vì điều đang phát triển trong bé là nhận biết được một nhiệm vụ phải hoàn thành: Trở nên nhạy cảm với ngôn ngữ” - Maria Montessori.
Nhạy cảm về ngôn ngữ ở trẻ là gì?
Từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn trẻ cực kì nhạy cảm với ngôn ngữ. Người ta ví đứa trẻ như một trang giấy trắng. Trẻ em liên tục khám phá ngôn ngữ cho nên khi học được từ mới, câu mới sẽ thấy thích thú và muốn lặp đi lặp lại, sao chép cả những câu mắng chửi của người lớn là rất thường gặp. Vì vậy, chuyện chọn lọc phải có người lớn giúp.
Đối với trẻ, phản ứng của người lớn là một sự xác nhận. Cách hiểu đó cũng chẳng quá sai đâu. Khi bạn tức giận với lời nói xúc phạm của một người lớn cũng vậy, điều đó chỉ cho thấy bạn đang “hưởng ứng”. Người kia cũng như đứa trẻ, càng thỏa mãn hơn vì lời nói ấy có tác dụng. Nhưng nếu giữ được sự bình thản, bạn đang phát ra thông điệp rằng: Họ không thể chạm tới bạn, bạn tự tại trước họ. Cho nên, dù với ai, quan trọng là bám vào sự bình thản đó. Điều này có sức mạnh hơn mọi sự phản kháng.
Độ tuổi khác nhau - Mức độ nhạy cảm khác nhau?
Ở từng giai đoạn cụ thể, mỗi đứa trẻ lại có mức độ nhạy cảm khác nhau. Người lớn nên biết rõ mình cần hợp tác ở mức độ nào, cụ thể ra sao ở từng giai đoạn cụ thể:
- Với trẻ 1-2 tuổi: Không chỉ giúp trẻ tập nói, người lớn còn cần chú ý tới những nền tảng giúp trẻ nói tốt. Ví dụ như thức ăn nên tăng dần độ cứng để cơ miệng phát triển; người lớn nên nói những câu đơn giản, có khẩu hình rõ ràng với trẻ; đặt sách ở gần để trẻ sớm được tiếp xúc; cho trẻ nghe ngoại ngữ thường xuyên…
- Với trẻ 3-4 tuổi: Trẻ dễ có xu hướng nói một mình, liên tục nói. Bởi tầm tuổi này trẻ đã có ý hiểu cơ bản về ngôn ngữ, trẻ thường nói những gì mình nghĩ, mình làm. Ngôn ngữ đã hoàn thiện ở mức cơ bản, người lớn có thể cùng trẻ nâng cao, như là tập viết.
- Với trẻ 5-6 tuổi: Người lớn nên khuyến khích trẻ tự lí giải ngôn ngữ, chỉ hỗ trợ, chứ không can thiệp sâu. Còn với những câu hỏi, bạn nên tận tình trả lời, biết trẻ quan tâm lĩnh vực nào thì hãy mua sách, các dụng cụ hỗ trợ, trò chơi liên quan.
Đam mê viết chữ cũng là một dạng nhạy cảm ngôn ngữ
Giai đoạn từ 3,5 - 4,5 tuổi là thời gian trẻ nhạy cảm và say mê nhất với việc tập viết. Khi giúp trẻ học viết , CẦN LƯU Ý:
Tư thế tay: Ngay từ nhỏ, người lớn nên giúp trẻ tập sử dụng các ngón tay cho khéo léo, thông qua các hoạt động thường ngày.
Nội dung viết: Nên cho trẻ viết bất cứ gì trẻ thích gợi ý nếu trẻ chưa tự biết mình thích viết gì.
Hình thức luyện tập: Không chỉ viết trên giấy, hãy để trẻ thực hành ở nhiều nơi khác nhau theo ý thích của trẻ.