Bàn tay là công cụ của trí thông minh của con người” - Maria Montessori
Giai đoạn trẻ nhạy cảm với các cử động, động tác là món quà tuyệt vời của tạo hóa để trẻ hoàn thiện khả năng vận động và trí tuệ của mình.
Thường thì người lớn dễ phán xét hành động của trẻ nhỏ, cho rằng đó là nghịch ngợm hoặc chỉ đơn giản là cách để trẻ đùa vui. Có khi bạn còn ngăn cản vì sợ trẻ bị ngã hay va vào thứ gì. Nhưng như thế bạn đã bỏ qua một dấu hiệu giúp bạn hiểu hơn về trẻ, một dấu hiệu cho biết về giai đoạn nhạy cảm mà trẻ đang trải qua.
Trẻ nhạy cảm về vận động và động tác
Trong giai đoạn 0-6 tuổi, hệ thống thần kinh của trẻ ngày càng phát triển hơn.
Nhờ đó các chuyển động dần nhanh nhẹn và được kiểm soát tốt hơn. Khoảng thời gian này, trẻ được ban cho một nguồn năng lượng dồi dào, một xu hướng bản năng thôi thúc trẻ tích cực vận động, rèn luyện các bộ phận thân thể
Các cử động sẽ được phát triển lần lượt từ trong ra ngoài và từ trên xuống dưới. Từ xương cột sống cho đến các ngón tay và từ đầu xuống chân.
Nếu chú ý quan sát một chút có thể thấy trẻ rất kiên trì và tích cực trong việc học và vận động. Một đứa trẻ 2-3 tháng tuổi có thể kiên trì hàng chục lần và có thể kéo dài trong nhiều ngày cho đến khi bé có thể tự lật người trên giường.
Người lớn nên hỗ trợ và tạo điều kiện cho trẻ.
Chẳng hạn, trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được nằm xuống sàn để có thể thoải mái luyện tập tay chân, co duỗi các cơ, nâng đầu và vai lên để quan sát xung quanh.
Khi trẻ đã biết đi, cần để trẻ tự do di chuyển. Đứa trẻ phải được tự do khám phá môi trường trong nhà và cả ngoài trời. Nên cho trẻ di chuyển ở các nơi như đường phố, bãi cỏ, bãi cát…
Khả năng vận động càng phát triển, trẻ càng chủ động và linh hoạt hơn trong việc khám phá thế giới. Vận động khéo léo cũng là biểu hiện của một hệ thống thần kinh phát triển.
Giai đoạn này trẻ di chuyển và học hỏi cùng lúc. Đó là một nhu cầu phát triển tự nhiên. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là trẻ có thể thỏa sức chạy lung tung trong nhà, hay ở nơi công cộng. Trẻ cần được người lớn chỉ dẫn bằng các hoạt động có mục đích.
Một số hoạt động rèn luyện kỹ năng vận động cho trẻ:
Bày ra một vài thứ rồi yêu cầu trẻ sắp xếp vị trí của chúng theo đúng chỉ dẫn. Chẳng hạn người lớn lấy ra một quả táo, một quả cam và một quả chuối, bắt đầu đưa ra các yêu cầu: “Đặt quả táo vào giỏ”, “Đặt quả táo và quả cam vào giỏ”, “Lấy tất cả quả ra khỏi giỏ….” Người lớn cũng có để đảo ngược vai trò, để trẻ đưa ra yêu cầu cho mình.
Trò chơi này ngoài mục đích vận động còn giúp trẻ phân biệt các loại quả và nhận thức mối quan hệ giữa các vật.
Cho trẻ tập cách sửa dụng đũa để rèn luyện các cử động khéo léo của bàn tay. Người lớn chuẩn bị 2 chiếc bát, một bát đổ đầy bánh cá và 1 bát không rồi hướng dẫn trẻ gắp bánh từ bát này sang bát kia.
Cho trẻ tự làm các việc cần đến sự khéo léo như cởi cúc áo hoặc thắt dây giày.
Khoảng thời gian này, trẻ được ban một nguồn năng lượng dồi dào
Xu hướng bản năng thôi thúc trẻ tích cực vận động, rèn luyện các bộ phận thân thể. Trẻ nhiều năng lượng quá sẽ tìm cách phát tác qua những trò nghịch ngợm, nếu cứ bắt trẻ ngoan ngoãn ngồi một chỗ thì thật có hại cho trẻ. Nếu biết cách hướng nguồn năng lượng ấy sang những việc có ích hơn thì thật tốt.
Và đặc biệt, cha mẹ thường coi trẻ như một phần thân thể mình, trẻ đau thì cha mẹ cũng thấy bị đau vậy. Càng vướng mắc vào điều đấy bạn càng có xu hướng bao bọc quá đáng cho con, tước đi quyền sống tự lập của trẻ. Dù là trẻ con hay người lớn, chúng ta đều có nhu cầu được sống độc lập, trở thành một con người tự túc có nhân phẩm, làm được những việc có ích. Những đứa trẻ được rèn luyện sự độc lập từ nhỏ sẽ có ý thức về nhân phẩm cao hơn và sớm hơn.
Nguyên tắc “cứng” cho bố mẹ vào giai đoạn trẻ nhạy cảm về vận động:
-
Tôn trọng mọi hành động của trẻ và cố gắng hiểu trẻ.
-
Hỗ trợ những mong muốn được vận động của trẻ, nhưng không phục dịch, cần dạy trẻ biết tự lập.
-
Cho trẻ cơ hội “làm sai”, để từ đó trẻ biết việc gì nên làm và việc không nên làm.