Giai đoạn nhạy cảm với các sự vật nhỏ bé xung quanh - một hiện tượng mang tính bản năng giúp trẻ phát triển khả năng quan sát của mình.
Từ 1,5 – 4 tuổi là độ tuổi trẻ nhạy cảm với những sự vật nhỏ bé xung quanh. Trong tầm mắt của trẻ thơ, những thứ thu hút nhất sẽ là những thứ nhỏ bé nhất: có thể là con kiến, con sâu, hòn sỏi, hạt đậu… Bằng việc quan sát những thứ nhỏ bé này, trẻ dần phân biệt và nhận biết được thế giới xung quanh. Đây là cánh cửa đầu tiên để phát triển trí tuệ của trẻ. Nếu được thuận lợi trong quá trình khám phá thế giới này, trẻ lớn lên sẽ trở thành một người nhanh nhẹn, biết để ý quan sát các sự vật xung quanh.
Trẻ nhạy cảm với các sự vật nhỏ bé xung quanh
Không những thế, quá trình khám phá này còn giúp bé phát triển các chức năng cơ thể. Bằng cách khám phá thế giới xung quanh, đôi mắt bé phải quen nhìn, tay quen sờ nắm cảm nhận và bước chân trở nên nhanh nhẹn hơn. Các cử động của bé nhờ đó ngày càng trở nên linh hoạt.
Một khi đã hình thành khả năng quan sát thì các năng lực khác của trí tuệ cũng hình thành, bé sẽ có khả năng nhận thức và ghi nhớ tốt hơn. Về tính cách, cảm xúc, một đứa trẻ được thuận lợi tìm hiểu và khám phá thế giới, từ đó nắm bắt, sẽ lớn lên thành một đứa trẻ chủ động, tự tin, sẵn sàng tìm hiểu mọi thứ quanh mình.
Chăm chú vào các vật nhỏ, trẻ như đang sống trong thế giới riêng.
Thường thì khi sống trong thế giới mà người lớn làm chủ, quá trình này không được diễn ra thuận lợi. Chẳng hạn cha mẹ có thể rất nhiệt tình muốn dạy cho trẻ về thế giới xung quanh, chỉ cho trẻ về ô tô, tàu hỏa, nhà cao tầng, cái cây to... Nhưng ở tầm tuổi này trẻ chỉ để ý đến những thứ nhỏ bé thôi.
Vậy nên đôi khi vì quá chăm chú, trẻ như đang sống trong thế giới riêng của chính mình mà không để ý đến sự tác động của người lớn. Nếu người lớn không hiểu và để ý, sẽ dễ dàng phá vỡ và cắt ngàng sự chú ý của trẻ bằng những cách hành xử quá mạnh, gây nên những phản ứng tiêu cực từ trẻ.
Các bậc cha mẹ thường có cảm giác khi những đứa trẻ dễ thương tỏ ra khó chịu mà họ không biết lí do, không biết làm cách nào để chúng ngoan ngoan nghe lời mình, thật khó để giữ được bình tĩnh. Lúc đó thay vì tìm hiểu xem tại sao đứa trẻ lại như vậy thì cha mẹ thường cố tìm cách để trẻ trở nên nghe lời, nhiều khi bằng cách áp đặt và trừng phạt. Điều đó là rất sai lầm.
Một số trò chơi hỗ trợ giai đoạn nhạy cảm của trẻ:
Những trò chơi hữu ích và đơn giản nhất là những trò gắn với không gian xung quanh và những hoạt động thường ngày, tạo môi trường phù hợp để bé rèn luyện.
- Trò phân biệt các loại rau củ: Cho trẻ đi chợ cùng và hướng dẫn trẻ phân biệt các loại rau khác nhau và đố trẻ chỉ ra điểm khác biệt giữa các loại.
- Trò phân biệt các loại hoa: Cho trẻ quan sát để ghi nhớ và phân biệt các loại hoa khác nhau trong công viên.
- Trò quan sát các bộ phận của một cái cây: Hướng dẫn trẻ quan sát, nhận biết từng bộ phận nhỏ trên một cái cây và gọi tên chúng. Trẻ có thể quan sát những chi tiết rất nhỏ như những giọt sương đọng trên lá, mạng nhện, con sâu, viền răng cưa của chiếc lá…
Ngoài ra bạn cũng có thể cho trẻ chơi bằng các bộ dụng cụ, chẳng hạn cho trẻ phân biệt những bức tranh hoặc mô hình các vật khác nhau.
Một nhà giáo dục không chỉ quan sát để hiểu mà còn tạo điều kiện và dẫn trẻ đi đúng hướng. Cha mẹ hãy cố gắng trở thành những nhà giáo dục tâm huyết với con của mình nhé.