Dạy trẻ bằng đòn roi, không hề đem lại hiệu quả giáo dục mà chỉ làm cho con thêm lì lợm, dễ phản ứng tiêu cực, tự ti, nhút nhát.
Chấm dứt bạo hành trẻ trong gia đình và trường học, giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần là mục tiêu mà xã hội đang hướng tới. Cha mẹ nói riêng và người lớn nói chung phải là tấm gương sáng cho trẻ em noi theo.
Môi trường sống đóng vai trò quan trọng
Từ những vụ bạo hành trẻ em cho thấy, giáo dục đòn roi không bao giờ khiến trẻ hư thành ngoan. Nghiên cứu xã hội học chỉ ra rằng, gần 40% tội phạm trẻ thành niên sống trong gia đình kinh tế ổn định.
Trong khi đó, tỉ lệ trẻ hư thuộc gia đình khá giả chiếm chưa đến 25%. Thế nhưng, có tới 80% tội phạm vị thành niên bắt nguồn từ mâu thuẫn với gia đình. Điều này chứng tỏ, chính tổ ấm gia đình với những mối quan hệ phức tạp, không chuẩn mực, vô tình đẩy con trẻ rơi vào tệ nạn xã hội, thậm chí gây án.
Một con số cần quan tâm, đó là gần 72% tội phạm vị thành niên do bạn xấu lôi kéo.
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho rằng: Những năm gần đây, xã hội hiện đại kéo theo cha mẹ sống ích kỷ, nảy sinh nhiều mâu thuẫn, cho nên tỷ lệ ly hôn ngày càng cao (nam giới chiếm 10,4%, nữ giới 27,9%).
Khi bố, hoặc mẹ có gia đình mới, những đứa con riêng dễ bị ngược đãi, hắt hủi. Hụt hẫng tình cảm, cộng thêm bị bạo hành, vô tình đã khiến đứa trẻ phát triển lệch lạc về nhân cách, dễ mắc sai lầm. Thương tâm hơn, có cháu bỏ nhà đi bụi đời, trầm cảm, có thể còn tự sát.
Người lớn phải làm gương sáng
Thạc sĩ Vương Thị Luận, giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường CĐSP Bắc Ninh cho rằng, muốn kiềm chế bạo lực gia đình, có nhiều cách để cha mẹ làm gương cho con noi theo như: Hành động, việc làm cụ thể, chuẩn chỉ; lời nói và văn hóa ứng xử của người lớn. Trong cuộc sống gia đình, bố mẹ thường xuyên tranh cãi, thậm chí là bạo lực cũng ảnh hưởng tới con.
Ngược lại, cách sống và ứng xử của bố mẹ có có văn hóa, chuẩn mực diễn ra hàng ngày, con cái sẽ thấm dần, tạo thói quen sống tích cực. Thêm vào đó, thông qua sách báo và kinh nghiệm của thế hệ trước, bố mẹ áp dụng để nuôi dạy con.
Ngày nay, các kênh thông tin cũng là một nguồn cung cấp phong phú phương pháp nuôi dạy con thông minh.
Gần 40 năm gắn bó với giáo dục, thầy Nguyễn Duy Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Nam Định) khẳng định: Cần có một môi trường giáo dục lành mạnh, không có bạo lực học đường.
Với những học sinh do hoàn cảnh, chưa chăm ngoan, nhà trường mở rộng vòng tay, các em sẽ thành người có ích. Giáo viên chủ nhiệm nên đến tận nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tìm ra nguyên nhân mất cân bằng trong lối sống, dẫn đến những việc làm mất ý thức tự chủ bản thân của các em.
Có một thói quen xấu của văn hóa Á Đông là người lớn cho mình quyền áp đặt con trẻ. Người lớn đưa ra mệnh lệnh là bất di bất dịch. Trẻ em phải chấp hành. Tư duy này vô tình tước đoạt ý kiến, cũng như nguyện vọng của trẻ em. Quan điểm “người lớn luôn luôn đúng là sai”, kháng cự của trẻ em hay bị người lớn cho là hỗn láo.
Xã hội hiện đại ngày nay hoàn toàn lên án cách dạy con bằng đòn roi. Hình thức giáo dục này không còn phù hợp. Vì thế, rất cần môi trường sống cũng như học tập lành mạnh, không còn bạo hành, là rất cần thiết.